Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đặc sắc Lễ hội Koal – Lễ hội đoàn kết của người Tà Ôi
Ngày cập nhật 18/07/2024

Koal  của người Tà Ôi gắn chặt với ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa làng kết nghĩa, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, gắn kết tình thông gia, bè bạn, giải quyết giải hòa mâu thuẫn giữa các làng bản, vùng, xứ. Cầu mong thần linh phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe, gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng giàu đẹp thanh bình. Nhắc lại những quy định, quy ước chung của luật tục giứa các làng và những điều không được vi phạm, đưa ra những hình phạt nhất định nếu bên nào.

 

Thời gian

Thời gian tổ chức của lễ hội thường vàokhoảng tháng 4 – 5 âm lịch, đây là thời gian khi người Tà Ôi kết thúc mùa trỉa lúa. Lễ thường diễn ra khoảng 5 năm tổ chức 1 lần.

Địa điểm tổ chức sẽ tùy thuộc vào làng đăng cai, chủ trì gồm các già làng, trưởng họ của các làng kết nghĩa. Lễ vật thường có trâu, bò, dê, heo, gà, cá, …

Quy trình tổ chức lễ hội koal được thực hiện theo các trình tự sau

Họp bàn

Trước khi muốn tổ chức lễ hội, già làng, trưởng họ có ý định đăng cai sẽ họp bàn để thống nhất, ấn định thời gian, cách thức tổ chức, công tác chuẩn bị và lượng khách được mời tham gia lễ hội Koal.

Sau khi thống nhất, già làng sẽ mời các già làng, trưởng họ của làng kết nghĩa tổ chức một cuộc họp với nhau giữa các làng để thống nhất các nội dung tương tự trên.

Nghi lễ họp bàn

Nghi lễ chuẩn bị lễ vật và mời khách

Chủ làng sẽ làm gà để tiến hành nghi lễ báo cho các vị thần linh biết trong thời gian tới, con cháu trong làng sẽ lên rừng, xuống suối tìm kiếm các lễ vật cho lễ hội, mong các vị giàng phù hộ cho con cháu sức khỏe, gặp điều may mắn trong suốt thời gian chuẩn bị.

Trong thời gian thực hiện công tác chuẩn bị các già làng, trưởng họ, chủ gia đình tiến hành thực hiện nghi lễ đi mời khách. Các làng kết nghĩa do đích thân già làng đi mời, khách của dòng họ sẽ do trưởng họ đi mời và khách gia đình sẽ do chủ nhà đi mời và thống nhất ấn định thời gian đi dự hội.

Nghi lễ Pa đoh ân đoong (báo hiệu lễ hội)

Đây là nghi lễ để báo hiệu cho các vị thần linh và các vị khách quý biết lễ hội là lễ hội Koal đã chính thức bắt đầu, cầu mong lễ hội được diễn ra suôn sẻ may mắn và thành công. Trong nghi lễ này, già làng sẽ lấy một ống tre non rồi hơ trên bếp lửa đang lửa cháy, sau đó đập ống tre sao cho phát ra tiếng nổ nhằm báo hiệu lễ hội chính thức được bắt đầu.

Nghi lễ  đón khách vào dự hội

Khi khách từ làng kết nghĩa hoặc được mời đã đến đông đủ, già làng, trưởng họ của làng đăng cai sẽ ra đón và thực hiện màn đối đáp với làng kết nghĩa bằng các làn điệu dân ca ví von rồi mới mời vào làng. Các món ăn, thức uống sẽ được giấu ở khu vực trong làng. Nếu khách đến dự lễ nhanh ý phát hiện ra sẽ được tùy lấy để sử dụng.

Tại khu vực trung tâm của lễ hội, cột đâm trâu đã dựng sẵn và cột các vật hiến sinh của các làng vào đó, để hiến tế thần linh.

Một vị già làng dẫn đầu đội cồng chiêng và đội múa đi vòng quanh khu vực làm lễ, vừa đi vừa biểu diễn cồng chiêng, đội múa vừa đi vừa múa theo nhịp cồng chiêng, mời khách đi vòng quanh khu vực lễ, phía khách thực hiện động tác nhảy theo nhịp cồng chiêng.

Bà con đón khách

Chật Ty riaq (nghi lễ đâm trâu)

Nghi lễ đâm trâu khẳng định sự đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các làng kết nghĩa. Đồng thời, tạ ơn các vị thần linh ban tặng cho con người con sông, ngọn núi, đất đai và tài nguyên thiên nhiên quý để xây dựng nhà cửa, ban tặng cho con người cuộc sống sung túc, an lành, hạnh phúc.

Thời điểm thích hợp đã được ấn định, già làng cùng già làng kết nghĩa sẽ tiến hành các nghi thức cúng thần linh. Sau khi tiến hành xong nghi thức này, vị già làng sẽ tiến đến bên cây nêu, mặt quay về phía đông và nhìn lên ngọn cây nêu, đọc lời khấn mời thần linh về chứng kiến và hưởng những lễ vật do dân làng dâng cúng, cầu xin thần phù hộ cho người dân được sống bình an, hạnh phúc.

Sau đó các già làng cầm cây lao tiến hành đâm nhát đầu tiên mở đầu cho nghi lễ hiến sinh. Khi đâm trâu xong, già làng tiếp tục mời một vị già làng đại diện làng kết nghĩa dùng lao để tiếp tục làm lễ hiến sinh, việc mời già làng làng kết nghĩa thể hiện sự trân trọng, quý mến của dân làng.

Ngày nay, để hạn chế những hình ảnh đâm, chém trong lễ hội, người dân đã thay lễ vật cúng (đâm trâu) bằng các loại gia súc khác như dê, gà, heo....

Nghi lễ cúng Koal

Nghi lễ đâm trâu kết thúc, con vật hiến sinh được chế biến thành mâm cỗ dâng các Yang và mời khách.

Phần cúng trong nghi lễ Koal chỉ dành cho các vị Yang lớn, gồm Yang Xứ, Yang Koh (Núi) Yang Đung (nhà cửa) và Yang Âng cưm (giàng sân). Mâm cỗ gồm có đầu, mông, gan trâu, heo, gà luộc, rượu, cơm, bánh a quạt, thịt khô, gạo…

Khi mọi vật cúng đã chuẩn bị xong thì dọn các mâm cúng ra đặt cạnh cột đâm trâu, các già làng, trưởng họ là người đứng lễ sẽ tiến hành các nghi thức cúng thần linh cầu cho những điều tốt lành, bản làng luôn được no đủ, sung túc.

Cúng Yang Xứ để tạ ơn giàng Xứ đã ban tặng cho bản làng dòng sông, con suối, con cá ngọt lành, mây, gió mát mẻ điều hòa khí trời, đất đai mầu mỡ, cây cối tốt tươi nặng bông trĩu hạt, lửa sưởi ấm mùa đông, nấu chín món ăn thức uống, thiêu rụi cây cỏ tạo lớp tro màu mỡ, thổ nhưỡng đất đai, hạt lúa hạt ngô hội tụ vị thơm tinh túy, thơm lành, đi lại thuận lợi, sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa…

Cúng Yang Kooh (thần núi) để tạ ơn Yang đồi, núi đã che chở cho bản làng, con người tránh được gió bão, ban tặng cây cối, tre nứa để làm nhà, đất đai làm nương, làm rẫy, cây cỏ, con thú để nuôi sống con người. đồng thời, cầu mong trong những năm tới Thần núi che chở tai qua nạn khỏi.

Cúng Yang Đung (thần nhà cửa) để tạ ơn Yang nhà cửa đã cho nơi trú ngụ an toàn, che mưa, che nắng là nơi sinh ra nuôi nấng con cháu lớn lên khỏe mạnh, gia đình êm ấm hạnh phúc, bình an vô sự. Tạ ơn các giàng dây, lá tre, gỗ, đá, sạn…đã tạo nên một ngôi nhà vững chãi, đồng thời, cúng giàng nhà là để trừ ma diệt quỷ, cho ngôi nhà luôn an lành ấm cúng.

Cúng thần Âng Cưm (thần sân vườn) để tạ ơn Yang sân bãi cho con cháu có nơi vui chơi giải trí, sân là nơi tiễn đưa con cháu đi xa học tập và công tác hay làm ăn buôn bán, sân  là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại và linh thiêng của làng bản, sân là chào đón con cháu trưởng thành, đỗ đạt trở về  ngôi nhà thân yêu.

Nghi lễ cúng thần linh kết thúc, già làng sẽ mang các lễ vật đã dâng cúng như: Rượu cần, cơm ống để cùng ăn, uống rượu với các vị khách mời cùng với tiếng cồng chiêng rộn rã, mọi người cùng múa, cùng hát, cùng uống rượu mừng.

Lễ hội koal tại thôn A Roàng 2, xã A Roàng, huyện A Lưới

Nghi lễ Moot kâr hoot, coat pâr nai(gửi gắm và quy ước)

Nghi lễ này được các vị già làng sử dụng các thể loại dân ca Târ a để ví von đối đáp trao đổi công việc. Các vị già làng đưa ra những quy ước chung, bên nào vi phạm quy ước đó thì kỳ hội sau bên đó chủ động mở hội đồng  thời bên vi phạm chủ động giải quyết giải hòa sự việc xảy ra và chịu hình phạt theo quy ước chung đã thống nhất.

Nghi Lễ tiễn khách

Để cảm ơn các vị khách đã đến chung vui cùng ngày hội, sau khi kết thức lễ hội. Trước khi các vị khách ra về, các già làng, hội chủ thực hiện nghi lễ tiễn khách, đồng thời báo cho các Yang của các làng chủ và khách là lễ hội đã hoàn thành và kết thúc êm đẹp, hẹn lễ hội kỳ sau lại hội tụ.

Thiên Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 25.757.444
Truy câp hiện tại 6.517