Khởi sắc từ nông nghiệp hữu cơ
Đầu năm 2021, người dân A Lưới cảm nhận rõ được niềm vui khi những luống cày trồng trọt và chuồng trại chăn nuôi theo mô hình hữu cơ đầu tiên được Tập đoàn Quế Lâm đưa lên miền núi A Lưới với hy vọng mở ra hình thức sản xuất theo hướng hàng hóa, được bao tiêu.
Ông Hồ Văn Ngàn, trú xã Quảng Nhâm cho biết, trên mảnh đất quê hương, ngô là cây trồng chủ lực. Song, do tập quán canh tác của đồng bào, nhận thức còn hạn chế nên sản xuất vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, người dân sẽ có những cơ hội làm ăn hiệu quả để thoát nghèo”, ông Ngàn tin tưởng.
Không quá ngạc nhiên khi nhiều lãnh đạo, người dân huyện A Lưới xem sự kiện Tập đoàn Quế Lâm chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ kinh tế tuần hoàn cho các hộ nông dân mang ý nghĩa đặc biệt. Thời gian qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, nông lâm ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 38,7%. Huyện A Lưới luôn xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội huyện nhà.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao, đạt 10,8%/năm. Dù thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 9,4 triệu đồng so với năm 2015 nhưng nhìn chung đời sống của người dân vẫn còn khó khăn và huyện nhà xác định việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân rất quan trọng.
“Định hướng của huyện là tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, gắn với ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện điều kiện sản xuất, sinh hoạt và không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Hợp tác đầu tư giữa UBND huyện A Lưới và Tập đoàn Quế Lâm sẽ giúp thực hiện các chương trình, dự án, đề án về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo đại diện UBND huyện A Lưới, với Quế Lâm, A Lưới sẽ hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ với các mô hình: chăn nuôi lợn hữu cơ, ngô hạt, đậu tương...
Để A Lưới thêm giàu, đẹp
Sẽ còn thiếu khi nói về đổi thay ở A Lưới nếu chỉ nhắc đến sự xuất hiện của mô hình nông nghiệp hữu cơ. Với đặc trưng có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, A Lưới đang làm giàu, đẹp đời sống văn hóa từ việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn những nét đẹp ấy vào nét đẹp diện mạo quê hương và thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế.
Từ việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, các nghề truyền thống được khôi phục và phát huy. Đến nay, huyện đã có 2 làng nghề truyền thống gồm làng A Hưa (xã Quảng Nhâm) và làng A Đớt (xã Lâm Đớt); 55 hợp tác xã dệt zèng và 1 tổ hợp dệt zèng. Các sản phẩm được tạo ra từ chất liệu zèng đa dạng về mẫu mã và đạt tính thẩm mỹ cao, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước được du khách ưa chuộng. Đặc biệt, năm 2016, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, nhờ phát huy hiệu quả các lễ hội truyền thống, lễ hội A Za Koonh – Mừng lúa mới, Tết Truyền thống của người Pa Cô được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Mục tiêu xây dựng A Lưới ngày càng giàu mạnh về kinh tế, đẹp về văn hóa không chỉ nằm trong các kế hoạch của các cấp, ngành mà còn nằm trong lòng người dân vùng cao như một sự nỗ lực cùng với toàn tỉnh xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư Huyện ủy A Lưới khẳng định, A Lưới xây dựng 2 chương trình trọng điểm là giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Việc đặt ra 4 đột phát chiến lược về: nội lực người dân, công tác cán bộ, nông nghiệp và về phát triển du lịch cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ giúp cho A Lưới ngày càng giàu, đẹp về kinh tế, văn hóa và ổn định về an ninh quốc phòng, cũng từ đó câu chuyện về vùng đất khó khăn nay mai sẽ lùi sâu vào quá khứ.