Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn đánh giá, phân loại CBCCVC, NLĐ và nâng bậc lương đợt 2 năm 2016
Ngày cập nhật 15/11/2016

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Để làm cơ sở cho cấp có thẩm quyền thực hiện tốt việc quản lý và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC và NLĐ), Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện thực hiện công tác đánh giá, xếp loại CBCCVC và NLĐ cấp huyện (riêng trường học đánh giá, xếp loại theo năm học) và xét nâng bậc lương cho CBCCVC và NLĐ đợt 2 năm 2016 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CBCCVC và NLĐ CẤP HUYỆN NĂM 2016

1. Nội dung đánh giá CBCCVC và NLĐ cấp huyện:

a) Cán bộ huyện gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Ban chuyên trách HĐND huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá theo 5 nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

b) Công chức lãnh đạo, quản lý, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp (Giám đốc, Trưởng đài, Trưởng trạm) đánh giá theo 9 nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân; kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức, viên chức và người lao động (đề nghị ghi đầy đủ các mục để Phòng Nội vụ tổng hợp, trình Chủ tịch UBND huyện đánh giá, phân loại theo quy định).

c) Công chức đánh giá theo 6 nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân.

d) Viên chức lãnh đạo, quản lý (Phó Giám đốc, Phó Trưởng đài, Phó Trưởng trạm) đánh giá theo 6 nội dung: Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

đ) Viên chức và người lao động đánh giá theo 4 nội dung: Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức, người lao động; việc thực hiện các nghĩa vụ khác.

2. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền đánh giá, xếp loại:

a) Đối với cán bộ cấp huyện:

- Cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ;

- Cán bộ làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo chức trách nhiệm vụ được giao theo phiếu đánh giá, phân loại (mẫu số 01);

- Cán bộ trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp.

- Cấp ủy đảng nơi cán bộ công tác có ý kiến bằng văn bản về cán bộ được đánh giá, phân loại;

- Cán bộ quản lý trực tiếp tham khảo các ý kiến tham gia, quyết định đánh giá, phân loại cán bộ và thông báo kết quả đánh giá phân loại cho cán bộ theo quy định;

- Các tiêu chí phân loại đánh giá cán bộ theo Điều 11, 12, 13, 14 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

- Riêng cán bộ là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện, Phòng Nội vụ nhận Phiếu đánh giá và phân loại, Biên bản từ Văn phòng HĐND và UBND huyện gửi Sở Nội vụ trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân loại theo quy định.

b) Đối với công chức lãnh đạo, quản lý; cấp phó của người đứng đầu cơ quan hành chính và công chức:

- Người đứng đầu trực tiếp đánh giá, phân loại đối với cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý của mình, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại;

- Việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, đơn vị do Chủ tịch UBND huyện thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại.

- Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo phiếu đánh giá, phân loại (mẫu số 02);

- Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Cấp ủy đảng nơi công chức công tác có ý kiến bằng văn bản về công chức được đánh giá, phân loại;

- Người trực tiếp đánh giá, phân loại tham khảo các ý kiến tham gia, quyết định đánh giá, phân loại và thông báo kết quả đánh giá, phân loại cho công chức theo quy định;

- Các tiêu chí phân loại đánh giá công chức lãnh đạo, quản lý; cấp phó của người đứng đầu  và công chức theo Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

c) Đối với viên chức quản lý:

- Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo phiếu đánh giá, phân loại (mẫu số 03);

- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Cấp ủy đảng có ý kiến bằng văn bản về viên chức được đánh giá, phân loại;

- Người đứng đầu đơn vị tham khảo các ý kiến tham gia, quyết định đánh giá, phân loại và thông báo kết quả đánh giá, phân loại đối với viên chức quản lý theo quy định;

- Các tiêu chí phân loại đánh giá viên chức quản lý theo Điều 25, 26, 27, 28 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

d) Đối với viên chức và người lao động:

- Viên chức và người lao động làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo phiếu đánh giá, phân loại (mẫu số 03);

- Viên chức và người lao động trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của đơn vị để mọi người tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Người đứng đầu đơn vị tham khảo ý kiến tham gia, quyết định đánh giá, phân loại viên chức, người lao động và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại;

- Các tiêu chí phân loại đánh giá viên chức, người lao động theo Điều 25, 26, 27, 28 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.

Lưu ý: Phiếu đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gửi cho Phòng Nội vụ 01 bản và lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

II. CHẾ ĐỘ NÂNG LƯƠNG CHO CBCCVC và NLĐ

Sau khi đánh giá CBCCVC và NLĐ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng với Cấp uỷ, Công đoàn họp để xem xét điều kiện được nâng bậc lương của CBCCVC và NLĐ trong cơ quan, đơn vị như sau:

1. Nâng bậc lương thường xuyên:

- Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch, chức danh nghề nghiệp: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch, chức danh nghề nghiệp, CBCCVC và NLĐ từ Cao đẳng, Đại học trở lên thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) được xét nâng lên một bậc lương; CBCCVC và NLĐ từ trung cấp trở xuống  và ngạch, chức danh nghề nghiệp nhân viên thừa hành, phục vụ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) được xét nâng lên một bậc lương.

- CBCCVC và NLĐ có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch, chức danh nghề nghiệp và trong suốt thời gian giữ bậc lương cũ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm, không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, giáng chức thì được nâng một bậc lương thường xuyên theo quy định.

- Đối với CBCCVC và NLĐ trong thời gian giữ bậc bị kéo dài thời gian nâng lương quy định như sau:

+ Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức quản lý bị kỷ luật cách chức;

+ Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp: Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo; CBCCVC và NLĐ không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng;

+ Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách;

+ Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên của năm đó là tổng các thời gian bị kéo dài của hình thức kỷ luật (cao nhất) và không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Hồ sơ bao gồm: Tờ trình, danh sách, biên bản họp xét và bản sao Quyết định lương gần nhất (Quyết định bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp hoặc hợp đồng làm việc); đối với những CBCCVC bị kỷ luật chưa được xét nâng lương trong bậc lương gần nhất, nếu đủ điều kiện nâng lương thì phải phô tô Quyết định kỷ luật cao nhất kèm theo (kể cả kỷ luật Đảng); riêng đối với CBCC cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Quyết định lương gần nhất, Quyết định kỷ luật (nếu có) phô tô 02 bản.

2. Nâng bậc lương trước thời hạn (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để nâng bậc lương thường xuyên):

Thực hiện theo Quy chế nâng bậc lương trước thời hạn ban hành kèm theo Quyết định số 05/2014/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2014 của UBND huyện; Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Hồ sơ bao gồm: Tờ trình, danh sách, biên bản họp xét, bản sao Quyết định lương gần nhất và bản sao văn bản chứng nhận thành tích của cấp có thẩm quyền; riêng đối với CBCC cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, Quyết định lương gần nhất và văn bản chứng nhận thành tích phô tô 02 bản.

Thời hạn gửi Biên bản họp; Phiếu đánh giá, phân loại; Quyết định phân loại CBCCVC và hồ sơ đề nghị nâng bậc lương của CBCCVC các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện về Phòng Nội vụ chậm nhất ngày 25/11/2016./.

Tập tin đính kèm:
Nguyễn Tuấn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.508.793
Truy câp hiện tại 121.201