Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Triển khai mô hình Tổ Y tế lưu động ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn huyện A Lưới
Ngày cập nhật 13/12/2021

Nhằm chủ động tổ chức quản lý, theo dõi và chăm sóc sức khỏe các đối tượng F0 cho tình huống triển khai cách ly người mắc Covid-19 (F0) không triệu chứng tại nhà; giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3; giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng và tử vong. Ngày 08/12/2021 UBND huyện A Lưới ban hành kế hoạch số 177/KH-UBND triển khai mô hình Tổ Y tế lưu động ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn huyện A Lưới. Kế hoạch triển khai các nội dung như sau:

 

I. Nội dung, nhiệm vụ

1. Đối tượng được cách ly, theo dõi tại nhà

Người nhiễm Covid-19 (là người được khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real-time RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) có đủ các điều kiện sau đây được các cơ quan có trách nhiệm xem xét cho cách ly, theo dõi tại nhà:

1.1. Mức độ bệnh và đặc điểm của người nhiễm Covid-19

- Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút đối với người lớn).

- Tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.

- Bệnh, thể trạng kèm theo: không có bệnh nền (Danh sách các bệnh nền xem ở Phụ lục 1).

- Không đang mang thai.

- Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 sau 14 ngày;

1.2. Khả năng người nhiễm Covid-19 tự chăm sóc

- Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân.

- Biết cách đo thân nhiệt.

- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Khi có tình trạng cấp cứu, có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

- Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sỹ.

- Nếu F0 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ người nhiễm thực hiện các tiêu chí tại mục này. Tuy nhiên nên hạn chế số lượng người chăm sóc.

2. Thành lập các Tổ Y tế lưu động

Trung tâm Y tế chịu trách nhiệm tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định thành lập Tổ Y tế lưu động cấp xã, cụ thể:

2.1. Điều kiện triển khai

- Địa phương có số người nhiễm Covid-19 nhiều, vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung, có thể triển khai việc cách ly, theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà.

- Thiết lập Tổ Y tế lưu động tại cấp xã có các đối tượng cách ly, theo dõi tại nhà và đáp ứng công tác tổ chức chăm sóc sức khỏe khi có chủ trương cách ly người nhiễm Covid-19 (F0) không triệu chứng tại nhà của cấp có thẩm quyền.

2.2. Tiêu chí thực hiện

- Tất cả các địa phương phải thành lập Tổ Y tế lưu động, sẵn sàng kích hoạt khi có các đối tượng F0 cách ly tại nhà trên địa bàn thôn, tổ dân phố.

- Khi có chủ trương cách ly người nhiễm Covid-19 (F0) không triệu chứng tại nhà; Nếu tại địa bàn xã, thị trấn phát hiện có F0 cần cách ly thì phải kích hoạt ngay 01 Tổ y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà với thành phần theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT; đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có một Tổ Y tế lưu động.

3. Chức năng, nhiệm vụ của Tổ Y tế lưu động

3.1. Chức năng

- Tổ Y tế lưu động là một tổ chức thuộc Trạm Y tế, chịu sự quản lý toàn diện, điều hành trực tiếp của Trưởng Trạm Y tế và Giám đốc Trung tâm Y tế.

- Tổ Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

3.2. Nhiệm vụ

a) Quản lý, theo dõi, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cộng đồng:

- Quản lý danh sách F0 cách ly tại nhà

- Hướng dẫn F0 hoặc thành viên gia đình chuẩn bị để cách ly F0 tại nhà

- Hướng dẫn F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà

- Tổ Y tế lưu động trực tiếp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc và hướng dẫn điều trị F0 tại nhà

- Hướng dẫn cách ly và dự phòng lây nhiễm Covid-19 tại gia đình

- Hướng dẫn về hỗ trợ tâm lý cho F0 và thành viên gia đình

- Tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình Covid-19 trên địa bàn

b) Xét nghiệm Covid-19

c) Tiêm chủng vaccin phòng Covid-19

d) Truyền thông Covid-19

e) Khám, cấp thuốc cho người mắc bệnh khác

f) Các nhiệm vụ khác:

Tùy theo sự phân công của Giám đốc Trung tâm Y tế, Tổ Y tế lưu động có thể được giao thực hiện thêm các nhiệm vụ khác.

- Khám, điều trị các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân trên địa bàn mà không thể chuyển lên tuyến trên do tác động của dịch Covid-19;

- Sơ cấp cứu và chuyển tuyến các bệnh thông thường;

- Phối hợp với các cơ sở y tế, hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân mắc các bệnh mạn tính.

4. Cơ sở làm việc

Tùy theo điều kiện của địa bàn, UBND các xã, thị trấn chọn một cơ sở phù hợp cho Tổ Y tế lưu động làm việc, có thể lựa chọn nhà văn hóa tổ dân phố, trường học trên địa bàn... Trong trường hợp trên địa bàn không thể chọn được các công trình sẵn có thì xem xét làm nhà dã chiến, nhà di động để phục vụ cho Tổ hoạt động.

Cơ sở làm việc tối thiểu phải bố trí nơi trực, nơi tiếp đón, nơi khám và tư vấn, nơi nằm theo dõi trong trường hợp cần thiết, khu vệ sinh, tắm rửa, có nước sạch, điện, có thu gom rác thải y tế và có chỗ ngủ cho nhân viên y tế.

5. Số lượng Tổ Y tế lưu động

Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, các xã, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Tổ Y tế lưu động. Một Tổ Y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư, có thể là các thôn/tổ dân phố của các xã, thị trấn khác nhau, không phụ thuộc địa giới hành chính.

6. Nhân lực

Trung tâm Y tế và UBND các xã, thị trấn bố trí đủ nhân lực cho Tổ Y tế lưu động hoạt động. Mỗi Tổ Y tế lưu động có tối thiểu 05 người, cán bộ y tế làm Tổ trưởng; trong đó có 02 cán bộ của Trung tâm Y tế (01 Bác sĩ và 01 Điều dưỡng); 02 cán bộ Y tế địa phương; 02 người là lực lượng huy động của địa phương. Phải có tối thiểu 01 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ, huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác. Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Thôn, Tổ dân phố…để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm Y tế lưu động.

II. DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ VÀ THUỐC

1. Trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống Covid-19 (Cơ số cho một Tổ Y tế lưu động)

- Xe đẩy 01, cáng khiêng 01;

- Nhiệt kế 05, huyết áp 03, ống nghe 03;

- Máy đo SpO2 (tối thiểu 10 chiếc để có thể hỗ trợ đo nhiều gia đình trên địa bàn được giao);

- Có ít nhất 02 bình loại 5 lít, 02 túi oxy và 02 đồng hồ đo áp suất oxy; 02 mặt nạ thở oxy và 05 bộ dây các phụ kiện cần thiết khác để sử dụng oxy cho người bệnh;

- Các đồ bảo hộ phòng, chống lây nhiễm SARS-COV-2, khẩu trang, găng tay, cồn khử khuẩn, kính chắn giọt bắn...;

- Các sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2;

- Bộ dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm RT-PCR;

- Có ít nhất 2 số điện thoại thường trực tiếp nhận thông tin từ các gia đình có người nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà;

- 01 Máy tính có kết nối internet để sử dụng phần mềm chuyên dụng trong theo dõi, cập nhật thông tin sức khỏe trường hợp Covid-19, thành viên gia đình người nhiễm Covid-19 và người dân sống trên địa bàn có dịch Covid-19.

2. Trang thiết bị khám chữa bệnh thông thường: Tùy thuộc theo nhu cầu thực tế, bố trí các trang thiết bị trong danh mục trang thiết bị thiết yếu dành cho Tổ Y tế lưu động cho phù hợp với điều kiện.

3. Danh mục thuốc: Căn cứ nhu cầu thực tế, sử dụng các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc dành cho Tổ Y tế cấp xã và các loại thuốc điều trị Covid-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

4. Phương tiện vận chuyển: Sử dụng xe cấp cứu của Trung tâm Y tế; trường hợp cấp thiết các địa phương huy động xe tại địa phương để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm Covid-19 trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp nhanh nhất.

Phan Thị Thu Hiền

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.493.563
Truy câp hiện tại 108.468