2018_DetDeng_Tìm kiếm thông tin
Giới thiệu
Trong khuôn khổ các hoạt động cấp Cụm được Hội đồng Đội huyện A Lưới phát động trong tháng 5, trong ngày 19/5, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, Cụm thi đua số 3 đã tổ chức tập huấn kỹ năng công tác Đội cho Ban Chỉ huy Liên đội năm học 2017...
 
Sáng ngày 19/5, tại Trường Tiểu học Vừa A Dính, Cụm thi đua số 2 của Hội đồng Đội huyện A Lưới chủ trì tổ chức Chương trình Thắp sáng ước mơ thiếu nhi A Lưới và tuyên truyền phòng tránh các tệ nạn xã hội, an toàn...
Du lịch A Lưới, tiềm năng cần được đánh thức
Ngày cập nhật 12/03/2011

Với những lợi thế về tài nguyên, văn hóa phong phú và đặc sắc, A lưới không chỉ giàu tiềm năng du lịch sinh thái, mà tiềm năng các sản phẩm du lịch văn hóa tộc người, du lịch ẩm thực, du lịch tham quan di tích lịch sử – cách mạng… cũng cần được “đánh thức”.

Tiềm năng

Từng là vùng đất nổi tiếng của chiến trường Trị - Thiên trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, mảnh đất A Lưới và con người nơi đây đã ghi nên bao chiến công oanh liệt với nhiều tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đùm bọc, che chở, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, bộ đội và để lại nhiều dấu tích anh hùng. Các địa danh được ghi dấu như cụm địa đạo Động So, địa đạo Lam Sơn, đồi ABia (còn gọi là đồi Thịt Băm – di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia), động Tiên Công, địa đạo Puúc, địa đạo A Đoon, địa đạo ABó, địa đạo Tà Lương, địa đạo Cốp, sân bay ASo, sân bay ALưới, sân bay ACo… Đó là điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng.

Tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây cũng tạo cho du khách ngạc nhiên, thích thú khi chiêm ngưỡng chuỗi thác liên hoàn A Nôr (xã Hồng Kim), hay thác Pông Chất, nghe ầm ào thác đổ triền miên như tiếng vọng ngàn đời từ rừng sâu núi thẳm, choáng ngợp trước những ngọn thác bạc phóng khoáng và hùng vĩ dưới ánh nắng. Muốn thăm hang động, đến hang Kềnh Crâm (xã A Roàng), chiêm ngưỡng tầng tầng lớp lớp tác phẩm tạo hình thiên nhiên lạ mắt bằng thạch nhũ. Tắm suối dưỡng sinh thì có suối nước nóng Tôm Trung. Du ngoạn thám hiểm rừng nguyên sinh thì có khu đa dạng sinh học dãy rừng nguyên sinh chạy dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hùng vĩ.

Khu du lịch sinh thái A Nôr rộng 10 ha quanh năm mờ ảo mây mù, chỉ cách trung tâm huyện 3 km, đã được đầu tư hàng trăm triệu đồng tạo dựng cơ ngơi khá tiện nghi đón khách. Du khách được tận hưởng những giờ phút đầy cảm khái trên hành trình khám phá hoang sơ khi thăm ba ngọn thác liên hoàn nước dội vang trên ba tầng núi. Người dân của làng mới Việt Tiến hiếu khách và tận tình dẫn khách thăm thác, thăm rừng, đêm đến lại dành những gian phòng rộng đón khách nghỉ qua đêm.

Cũng trên hành trình thăm thác A Nôr, du khách được dẫn ngoạn đèo Pê Ke, ranh giới giữa dãy Trường Sơn Ðông với Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền. Đèo dài hơn 800m, thơ mộng bởi độ dốc thoai thoải với mây trắng và sương mù bềnh bồng. Qua đèo một đoạn lại gặp cảnh trí lạ mắt hơn với dốc Con Mèo, đồi Con Cọp, trước khi đến thăm cửa khẩu Hồng Vân, giao điểm các tour du lịch DMZ Quảng Trị – Lào – Thái Lan. Hành trình du lịch này còn có các đường nhánh dẫn du khách đi thăm các di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa...

Chưa hết, thăm rừng nguyên sinh ở xã A Roàng, nơi gìn giữ cánh rừng nguyên sinh tiêu biểu rộng 3.000 ha với các hệ động vật, thực vật quý hiếm. Rừng thẳm còn ẩn chứa những bất ngờ của thiên nhiên đang chờ con người khám phá.

Loại hình du lịch văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc A Lưới bao gồm văn hoá vật thể, phi vật thể và văn hoá ẩm thực cũng là loại hình du lịch thu hút số lượng du khách đến tham quan rất lớn. Du khách được tham quan cấu trúc các nhà ở truyền thống. Nhà Moong (nhà sàn dài) của người Pa Cô, nhà Rông của người Tà Ôi, nhà Gươl của người Ka Tu. Nhà Rông của người Tà Ôi và nhà Gươl của người Ka Tu là biểu tượng của cộng đồng, là linh hồn của làng, bản, tộc người. Nơi đây sẽ diễn ra tất cả các công việc liên quan đến cộng đồng dưới sự điều khiển của Già làng như hội họp, cúng bái, tiếp khách…

Trong tour du lịch cộng đồng này, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài nghệ của phụ nữ người Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống (Zèeng) mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Đến đây, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội của các dân tộc, như: lễ A riêu caar, lễ A riêu Ada (lễ mừng lúa mới), lễ A Riêu Piing (lễ giỗ tổ tiên, quy tập mồ mả), lễ hội cầu mùa (A riêu tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ giúp đỡ)... Văn hoá ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới cũng rất đa dạng, phong phú...

Với tiềm năng và lợi thế đó, A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ ba của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn 25 triệu USD (thực hiện từ nay đến năm 2020).

“Đánh thức”

A Lưới đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch được nhắc đến và du lịch A Lưới được đặt trong lộ trình di sản miền Trung, là điểm đến của du khách tham quan khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Cùng với địa hình và giao thông thuận lợi, phía tây giáp với hai tỉnh Salavan và Sê Kông của nước bạn Lào, phía bắc giáp huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), phía nam giáp huyện Tây Giang (Quảng Nam), phía đông giáp các huyện Hương Trà, Nam Đông và thị xã Hương Thủy. Một khi mạng lưới giao thông hình thành, nó sẽ kéo theo tiềm năng du lịch ở đây phát triển cùng với các ngành nghề khác. Kết quả là sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người dân nơi đây. Vấn đề là các địa phương có lợi thế về du lịch phải phối hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phát triển tiềm năng du lịch. 

Xây dựng cơ chế đầu tư và hưởng lợi phù hợp từ khai thác tiềm năng du lịch cho các địa phương có lợi thế là vấn đề bức bách đang đặt ra. Một chính sách phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng là yếu tố tiên quyết, khi mà tiềm lực đầu tư của các địa phương đang còn nhiều hạn chế. Cần có giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ nguồn vốn vay, xây dựng khâu thông tin, tập huấn hướng dẫn người dân đầu tư khai thác các dịch vụ như lưu trú nhà sàn, dịch vụ ẩm thực, cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương... để phát triển du lịch theo hướng lợi ích cho cộng đồng. Trước tiên cần tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá về những địa bàn có tiềm năng để xây dựng các dự án đầu tư phù hợp. Đặc biệt, hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến sự phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp phát huy các nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc... tạo cho du lịch trở thành động lực xoá đói nghèo.

Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới 

Nguồn Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin tức - Sự kiện
      Hòa chung trong không khí tưng bừng, phấn khởi của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng 20/11, huyện A Lưới tổ chức tọa đàm kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024) nhằm tri...
 
      Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), ngày 20/11/2024, đồng chí Huỳnh Công Quảng, TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND...