1. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt mưa rét kéo dài, rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người chăn nuôi biết, chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm hiệu quả
2. Chuồng trại:
+ Gia cố mái lợp, nền chuồng khô ráo, bằng phẳng, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị mưa tạt, gió lùa làm ẩm, ướt nền chuồng. Khi che chuồng gia súc nên che chắn bằng bạt, bao nylon hoặc các tấm phên tre, nứa, các bao tải đan lại. Tuy nhiên không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật, khoảng từ 1,8 - 2 m.
+ Tùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 - 15 cm (Có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn, hàng ngày bổ sung thêm chất độn chuồng ở phía trên).
+ Đốt lửa chống rét: Dùng xô, chậu cũ để đựng củi trấu, nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng. Nên đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt bò và đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.
3. Quản lý đàn gia súc: Đối với gia súc nuôi chăn thả, trong những ngày trời mưa rét nhiệt độ xuống dưới 15oC tuyệt đối không chăn thả, không thả rông gia súc mà phải đưa về nuôi nhốt tại chuồng, sưởi ấm vào ban đêm. Mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa, chăn để giữ ấm cho trâu bò. Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống đầy đủ tại chuồng. Vào những ngày thời tiết ấm và không mưa thì có thể chăn thả gia súc trong khoảng thời gian từ 9h00 đến 16h00 trong ngày.
4. Chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi: Chủ động dự trữ thức ăn xanh, thức ăn tinh. Cần tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn vật nuôi để tăng cường sức đề kháng để phòng chống đói rét và dịch bệnh, cần cho ăn đầy đủ và cân đối khẩu phần thức ăn xanh (Cỏ trồng, cỏ tự nhiên, lau lách, thân cây chuối,... ), phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm khô và thức ăn tinh (Bột ngô, cám gạo, bột sắn…), ngoài ra cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng tảng đá liếm hoặc cho trâu, bò uống nước ấm có pha thêm muối (Pha nhạt như nước canh).
Riêng đối với trâu, bò bổ sung thức ăn như sau:
- Đối với những ngày chăn thả bổ sung thêm thức ăn thô xanh từ 10 -20 kg/con/ngày, cho ăn vào buổi tối, 01 - 1,5 kg thức ăn tinh.
- Đối với những ngày mưa rét, nhốt tại chuồng bổ sung thức ăn thô xanh từ 30 - 35kg/con/ngày; 1,5 - 2 kg thức ăn tinh cho ăn hàng ngày.
- Ngoài ra, đối với trâu bò gầy yếu, trâu bò có chữa, cần cách ly, chăm sóc tốt trong những ngày giá rét, tăng lượng thức ăn tinh và có chế độ nuôi dưỡng phù hợp với từng đối tượng để nhanh hồi phục sức khỏe.
Lưu ý: Cho ăn thức ăn thô xanh trước, thức ăn tinh sau; chia làm 2 bữa trong ngày và cho uống nước sạch đầy đủ theo nhu cầu.
- Vệ sinh chuồng trại: Quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải khỏi chuồng nuôi ra hố ủ phân, ủ phân với vôi bột hoặc chế phẩm sinh học để làm phân bón. Định kỳ phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường.
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo quy định. Tiêm tẩy ký sinh trùng cho gia súc, gia cầm.
5. Thường xuyên nắm thông tin, giám sát tình hình dịch bệnh, đói rét của gia súc, gia cầm phản ánh kịp thời cho Phòng NN và PTNT (Trạm Chăn nuôi và Thú y) để phối hợp phòng chống và có biện pháp xử lý.
6. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến Nông - lâm - ngư phối hợp với các địa phương tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn.
7. Đài Tuyền thanh - Truyền hình huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, đưa tin về tình hình thời tiết, dịch bệnh và các biện pháp kỹ thuật phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi để người dân biết, chủ động và tự giác thực hiện.
Phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục và sự quan tâm từ các cấp chính quyền để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi góp phần chăn nuôi của huyện phát triển ổn định./.