Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn bò năm 2017
Ngày cập nhật 21/02/2017

Thực hiện Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân huyện A Lưới về việc phê duyệt Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 - 2025, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án phát triển đàn bò năm 2017 như sau:

I. NỘI DUNG ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ

1. Đối tượng đầu tư: Các tổ chức, cá nhân, hộ chăn nuôi trên địa bàn đạt đủ điều kiện tham gia Đề án.

2. Điều kiện tham gia Đề án

a) Mỗi hộ tham gia Đề án đăng ký mua ít nhất 03 con bò cái, tối đa không quá 10 con bò. Có thể chọn bò cái vàng hay bò cái lai để thay thế dần đàn bò địa phương có tầm vóc nhỏ.

b) Các hộ chăn nuôi có diện tích đất để xây dựng chuồng trại, đất trồng cỏ và có điều kiện để mở rộng chăn nuôi, không gây ảnh hưởng đến môi trường:

- Diện tích đất để xây dựng chuồng trại tối thiểu 04 m2/con (03 con 12 m2/chuồng).

- Diện tích đất để trồng cỏ 250 m2/con bò trở lên (03 con bò 750 m2).

c) Có lao động để chăn nuôi.

d) Có nguyện vọng và tự nguyện tham gia Đề án.

đ) Có nguồn vốn đầu tư.

e) Có đủ điều kiện theo yêu cầu của ngân hàng để vay vốn phát triển chăn nuôi và chịu trách nhiệm nguồn vốn vay của mình (Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở được thế chấp làm thủ tục vay vốn ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bò giống). Nhà nước hỗ trợ lãi suất trong vòng 05 năm tính từ ngày ký hợp đồng vay vốn để mua bò giống. Bắt đầu từ năm thứ 02, hộ chăn nuôi phải trả số tiền gốc tối thiểu 500.000 đồng/con/năm.

g) Cam kết sử dụng bò cái mua để chăn nuôi từ nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 05 năm mới được bán (Có thể bán bê sinh ra từ bò mẹ để trả hết tiền gốc ngân hàng trong đầu năm thứ 06).

3. Nội dung đầu tư, hỗ trợ

a)  Nội dung 1: Mua giống bò, đóng quỹ ổn định đàn bò

- Người dân vay ngân hàng mua bò cái hậu bị từ 03 con - 10 con.

- Tiền mua một con bò cái 16.000.000 đồng.

- Lãi suất vay vốn mua bò 01 con/năm (8,5%/năm): 8,5%/năm*16.000.000 đồng/con = 1.360.000 đồng, trong đó:

+ Nhà nước hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn mua bò: 952.000 đồng/con/năm.

+ Dân trả 30% lãi suất vay vốn: 408.000 đồng/con/năm.

Mức lãi suất (%/năm) được điều chỉnh hàng năm theo thông báo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Người dân đóng quỹ ổn định đàn bò (02% giá trị một con bò cái mua 16.000.000 đồng) = 320.000 đồng/con. Các nguyên nhân khách quan: Bò bị chết do thiên tai (bò đã được chăm sóc nuôi dưỡng tốt, có chuồng trại đảm bảo, có dự trữ thức ăn nhưng bị chết), do dịch bệnh (bò đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin còn miễn dịch nhưng bị chết do dịch bệnh), tùy theo mức độ rủi ro, hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 30% phần vốn ban đầu để mua bò mới). Bò bị chết do các nguyên nhân chủ quan như hộ chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý kém; không tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc, không tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn bò sẽ không được hỗ trợ.

* Kinh phí tạm tính cho 01 con bò:

- Nhà nước hỗ trợ: 952.000 đồng.

- Nhân dân đóng góp: 16.728.000 đồng.

b) Nội dung 2: Làm chuồng nuôi bò (Xây mới hoặc nâng cấp)

- Mỗi hộ gia đình tự mua vật liệu xây dựng chuồng trại kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy định (Hướng dẫn trong tập huấn kỹ thuật). Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 04m2/con (Chuồng 03 con tối thiểu 12 m2/chuồng), tùy theo số lượng bò đăng ký nuôi và bò đã có sẵn của gia đình cần mở rộng thêm diện tích chuồng cho phù hợp.

- Tổng số tiền làm chuồng, róng cố định bò của một hộ: 5.000.000 đồng, trong đó:

+ Nhà nước hỗ trợ: 3.000.000 đồng (Từ 03 - 10 con).

+ Nhân dân đóng góp: 2.000.000 đồng.

Sau khi hộ gia đình tự làm chuồng xong, các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tiến hành nghiệm thu chuồng và hỗ trợ tiền cho hộ dân.

c) Nội dung 3: Trồng cỏ

Hộ gia đình tự tìm mua giống cỏ cao sản (Cỏ voi, cỏ Ghinê (cỏ sả), cỏ VA06) để trồng, trồng tập trung và trồng phân tán trong hộ chăn nuôi (Kỹ thuật trồng sẽ có hướng dẫn tập huấn kỹ thuật).

- Nhà nước hỗ trợ 50% diện tích cỏ thực trồng (Sau khi nghiệm thu): Diện tích cỏ trồng cho 01 con bò tối thiểu là 250 m2 tương đương hỗ trợ 300.000 đồng/con (03 con tối thiểu 750 m2 sẽ được hỗ trợ 900.000 đồng) tiền giống cỏ.

- Dân đóng góp 50% diện tích cỏ trồng, 01 con bò cần diện tích 250 m2  cỏ trồng, nhân dân phải đóng góp tiền giống cỏ 300.000 đồng/con (03 con đóng góp 900.000 đồng).

* Kinh phí trồng cỏ tính cho 01 con bò

Nhà nước hỗ trợ: 300.000 đồng/con.

Nhân dân đóng góp: 300.000 đồng/con.

d) Nội dung 4: Phối giống bằng thụ tinh nhân tạo, thiến bò đực cóc

- Phối giống bằng thụ tinh nhân tạo bò:

Phối giống cho số bò cái hiện có trên địa bàn huyện (Kể cả bò của hộ dân và bò vay vốn mua của Đề án).

Mỗi con bò cái chỉ được hỗ trợ phối giống 01 lần, nhà nước hỗ trợ tinh cọng rạ để phối giống, một con bò được hỗ trợ không quá 02 liều tinh/năm. Sau khi phối giống xác định bò đã mang thai: Tiền công phối cho dẫn tinh viên 300.000 đồng/con, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% (150.000 đồng/con), hộ gia đình phải trả 50% (150.000 đồng/con).

- Thiến bò đực cóc

+ Thiến bò đực khi đến trước 12 tháng tuổi, bò đực có tầm vóc nhỏ, thiến vỗ béo để bán. Chỉ thả bò đực cóc chung đàn hoặc chung bãi sau khi đã thiến để không ảnh hưởng đến công tác lai tạo đàn bò tại địa phương.

+ Nhà nước hỗ trợ 100% tiền công thiến bò đực cóc cho cán bộ thú y là 200.000 đồng/con sau khi đã nghiệm thu.

e) Nội dung 5: Chi phí thú y và phòng chống dịch bệnh

Nhà nước hỗ trợ chi phí thú y và phòng chống dịch bệnh định mức 270.000 đồng/con bò cái được hỗ trợ lãi suất vay vốn mua của Đề án. Chi phí thú y và phòng chống dịch bệnh được hỗ trợ bao gồm: Kinh phí vắc xin và công tiêm phòng vắc xin Lỡ mồm long móng, Tụ huyết trùng; tẩy ký sinh trùng; tiêm thuốc bổ. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện quản lý và thực hiện.

4. Tổng kinh phí cho một con bò người dân đóng góp (Tạm tính): 19.028.000 đồng, trong đó:

- Dân vay mua bò: 16.000.000 đồng.

- Dân đóng 30 % lãi suất (Tiền mặt): 408.000 đồng.

- Dân đóng quỹ ổn định đàn bò (Tiền mặt): 320.000 đồng.      

- Dân tự mua giống cỏ để trồng (Hoặc nộp tiền mặt): 300.000 đồng.

- Dân tự làm chuồng trại: 2.000.000 đồng.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các xã, thị trấn

- Tổ chức họp thôn, tổ dân phố triển khai Đề án đến tận hộ dân để hộ dân đăng ký tham gia.

- Sau khi có danh sách hộ dân đăng ký tham gia, chính quyền địa phương tổ chức rà soát chọn hộ theo yêu cầu của Đề án, lựa chọn những cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện tham gia Đề án (Diện tích đất làm chuồng, trồng cỏ, sổ đỏ đất ở, ...).

- Tổng hợp danh sách hộ dân đăng ký sau khi đã rà soát xong gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn hộ dân phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở gửi Phòng NN và PTNT để chuyển sang ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh huyện A Lưới trước ngày 20/11/2016.

- Phối hợp với ngân hàng hướng dẫn các hộ dân lập thủ tục vay vốn sau khi ngân hàng đã thẩm định danh sách các hộ tham gia.

- Tổ chức công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chỉ đạo, tổ chức thiến bò đực cóc theo kế hoạch, phối giống, đôn đốc trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, công tác thú y.

2. Hộ chăn nuôi

- Tham gia đăng ký số lượng bò cần nuôi tại UBND xã, thị trấn.

- Lập các thủ tục vay vốn theo quy định tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện.

- Ký cam kết thực hiện đúng các nội dung mà Đề án đã đề ra sau khi thẩm định và hoàn tất xong các thủ tục vay vốn.  

- Nộp quỹ ổn định đàn bò.

Hải Thúy - Phòng NN và PTNT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.705.797
Truy câp hiện tại 1.459