Tại huyện A Lưới, phong trào thực hiện sinh đẻ có kế họach được đẩy mạnh từ những năm 1992. Đến năm 1994 nguyên Chủ tịch UBND huyện đồng chí Đinh Prúirh đã ký Quyết định số 30-QĐ/UB ngày 29 tháng 3 năm 1994 về việc thành lập Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới. Kể từ ngày đó, với sự quan tâm của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã đưa ra những biện pháp tổ chức triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ phù hợp với tình hình thực tế của điạ phương cũng như sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong cuộc vận động DS-KHHGĐ nên hiện nay đại đa số nhân dân đã dần chấp nhận quy mô gia đình ít con.
Công tác dân số đã được xác định là nhiệm vụ quan trọng, là một chỉ tiêu được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong kế hoạch phát triển KTXH của các cấp; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã đã quan tâm ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Đề án nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên cũng như nâng cao chất lượng dân số. Việc bổ sung đầu tư kinh phí địa phương, ngoài ngân sách chương trình MTQG DS-KHHGĐ, ngân sách tỉnh theo hướng năm sau cao hơn năm trước nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản các hoạt động của chương trình. Tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ tiếp tục được kiện toàn từ huyện đến cơ sở. Các chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên và đối tượng thực hiện KHHGĐ đã được đảm bảo đầy đủ.
Với những nổ lực nói trên tỷ suất sinh năm 1995 là 37%o đến năm 2016 còn 19,4%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2016 còn 1,52%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm mạnh từ 45% năm 1995 còn 12,2% năm 2016; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đại năm 1995 là 41,13% đến năm 2016 đạt 69%. Hơn thế nữa, công tác dân số không chỉ dừng lại ở mức độ quy mô dân số, cơ cấu dân số; những năm gần đây, chất lượng dân số đang là yêu cầu hàng đầu đối với công tác dân số. Nhiều mô hình, dự án nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi đã được triển khai ở huyện ta, như đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh”; Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; đề án “Khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”; “tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ... Hoạt động của những mô hình, đề án này đã góp phần nâng cao chất lượng dân số của huyện nhà.
Thành tích trong trong thời gian qua đã cho thấy tính đúng đắn về chủ trương, chính sách và các biện pháp triển khai công tác DS-KHHGĐ mà huyện đã đề ra trong đó phải kể đến việc triển khai mô hình lồng ghép truyền thông với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được tổ chức tập trung ở những vùng khó khăn, vùng mức sinh cao, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao,... nhằm góp phần giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên. Có nhiều Mô hình xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên đạt 5 năm liền, 3 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên được UBND tỉnh khen thưởng theo quy định. Hoạt động truyền thông vận động trực tiếp tại cơ sở thông qua đội ngũ cộng tác viên được duy trì với phương châm ‘mưa dầm thấm lâu” đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các thông tin về DS-KHHGĐ một cách thuận lợi, an toàn.
Đề án Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân đã góp phần nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS cho VTN, TN. Đề án Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, qua đó góp phần giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật, khuyết tật và mắc các bệnh di truyền, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đã từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng là VTN, TN trong việc kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.
Một số hình ảnh hoạt động của công tác DS/KHHGĐ
Bước vào giai đoạn mới, chương trình Dân số đang chuyển dần từ DS-KHHGĐ sang những mục tiêu rộng hơn về dân số-phát triển. Việc duy trì thành tựu của chương trình DS-KHHGĐ vẫn là một nhiệm vụ cấp thiết và khó khăn. Mặc dù tỷ suất sinh có giảm, tuy nhiên công tác DS- KHHGĐ của huyện vẫn còn đối mặt với những khó khăn thách thức do xuất phát điểm mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và đang giảm chậm, chưa đồng đều giữa các địa phương. Chất lượng dân số còn hạn chế. Tỷ số giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng. Dân số đang có xu hướng già hóa. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục tăng đòi hỏi để duy trì bền vững "mỗi cặp vợ chồng có đủ 2 con" thì việc đáp ứng nhu cầu KHHGĐ và các phương tiện tránh thai sẽ là thách thức lớn; vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở VTN, TN. Kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ ngày càng cắt giảm, chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương,.. là những thách thức trong thời gian tới.
Để công tác DS- KHHGĐ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao và mang tính bền vững hơn đòi hỏi cần có những chính sách phù hợp và quyết liệt hơn để giải quyết những vấn đề và thách thức mới về dân số; tranh thủ hơn nữa sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể cũng như sự hiểu biết, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác DS- KHHGĐ.
Nhân kỷ niệm 55 năm truyền thống công tác DS-KHHGĐ, với kinh nghiệm phong phú và những bài học quý giá của 55 năm qua, chúng ta hy vọng rằng công tác Dân số huyện A Lưới sẽ vươn lên những tầm cao mới mà nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là đảm bảo duy trì ổn định mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số, thực hiện thắng lợi tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện A Lưới lần thứ IX để có một quy mô dân số phù hợp mà trong đó từng người dân mạnh khỏe, phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương A Lưới ngày càng giàu, đẹp.