Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Vai trò của truyền thông trong công tác Dân số kế hoạch hoá gia đình
Ngày cập nhật 15/12/2016
Một buổi truyền thông tại cơ sở

Truyền thông có vai trò quan trọng với công tác dân số. Nhờ truyền thông tốt mà nhận thức, hành vi của người dân dần thay đổi, do đó chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên rõ rệt.

Thời gian qua, nhờ có công tác tuyên truyền mà những khẩu hiệu, pháp lệnh dân số được người dân biết đến và nhiệt tình hưởng ứng hơn. Công tác tuyên truyền được triển khai đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề... Góp phần vào sự thành công của công tác tuyên truyền phải kể đến những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, những cộng tác viên......

Lợi thế của người làm công tác tuyên truyền dân số đó chính là những cộng tác viên dân số, là những người sống ở ngay trong cộng đồng dân cư, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, họ có thời gian gần gũi với người dân nên mọi lúc, mọi nơi có thể tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe cho người dân hiệu quả nhất.

Hoạt động truyền thông đã góp phần chuyển đổi hành vi của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Nếu trong giai đoạn trước đây, đội ngũ cộng tác viên dân số mới chỉ tập trung tuyên truyền về KHHGĐ, chưa thực hiện truyền thông nhiều về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản khác như là quyền sinh sản; làm mẹ an toàn; phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục; sức khỏe sinh sản vị thành niên; bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... thì từ khi thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam các giai đoạn 2001-2010, 2010 - 2020 các cộng tác viên dân số có nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện hơn.

Vì truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là truyền thông gián tiếp, cho nên người xem không thể hỏi lại hay trao đổi để giải quyết các thắc mắc hay những nội dung chưa hiểu rõ. Điều này là phổ biến đối với phần lớn người xem là những người dân lao động có trình độ văn hóa chưa cao, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa... Với cách làm truyền thông trực tiếp, bền bỉ, "mưa dầm, thấm lâu", một thời gian sau, họ đã giúp người dân hiểu được việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ là điều cần thiết, đây là cách tốt nhất để giảm sinh, thoát nghèo, con cái được học hành, chăm sóc đầy đủ hơn. Tuy nhiên, cái khó của người làm công tác truyền thông dân số là làm thế nào để hiểu được tâm tư, nguyện vọng, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của người dân; cách chọn chủ đề tuyên truyền và thời gian thích hợp để tiếp cận đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Khi người dân đã thấm nhuần, họ sẽ chủ động và tự nguyện sử dụng các dịch vụ SKSS/KHHGĐ vì lợi ích của chính bản thân và gia đình họ.

Mặc dù công tác truyền thông đã đạt được hiệu quả nhất định, nhưng vẫn chưa thật sự đi vào chiều sâu, mới tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các vùng đông dân cư; chưa thường xuyên triển khai được nhiều chiến dịch truyền thông dân số tới những nơi mà trình độ dân trí còn thấp và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Với đối tượng vị thành niên, nam giới, chưa có được nhiều nội dung tư vấn phong phú; Người cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản chưa được đặt đúng vị trí trong công tác truyền thông, vì thế họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tài liệu tư vấn về SKSS/KHHGĐ. Kiến thức hiểu biết về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa cao.

Với nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện nay là tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân một cách toàn diện, thì đội ngũ làm công tác tuyên truyền viên dân số, ngành dân số sẽ phải tiếp tục nâng cao kiến thức, chuyên môn kỹ năng truyền thông và tư vấn cho đội ngũ này.

Xuân Hiếu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.716.446
Truy câp hiện tại 7.207