Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Làng văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới – Điểm đến khám phá văn hóa bản địa của các dân tộc vùng cao phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 08/10/2024

Làng văn hóa được xây dựng hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị trong hành trình khám phá bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Thiết kế của các ngôi nhà truyền thống các dân tộc ở đây cũng vô cùng độc đáo, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của từng cộng đồng dân cư

 

Đáp ứng mong mỏi có “ngôi nhà chung” để bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của bà con nhân dân huyện A Lưới; Tháng 7/2022, Dự án đầu tư Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được phê duyệt.  Làng được xây dựng tại địa bàn thuộc xã Hồng Thượng, có quy mô diện tích 5ha với tổng kinh phí đầu tư gần 40,8 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Tháng 9/2024, đã thành xây dựng giai đoạn I gồm: Khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; Nhà sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu; đường giao thông, các hạng mục phụ trợ như sân vườn, điện, nước, cảnh quan cây xanh…với tổng kinh phí xây dựng hơn 20 tỷ đồng.

Làng văn hóa được xây dựng hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị trong hành trình khám phá bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Thiết kế của các ngôi nhà truyền thống các dân tộc ở đây cũng vô cùng độc đáo, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của từng cộng đồng dân cư

Nhà truyền thống của người Cơ Tu:

Nhà Gươl truyền thống của người Cơ Tu được thiết kế nhẹ nhàng, thông thoáng, đơn giản, mang tính truyền thống của đồng bào. Công trình được tạo từ 1 khối cơ bản: Hình Ovan với chiều cao 02 tầng hợp lý về hình khối, giao thông…. Hành lang của công trình được bố trí ở sảnh chính và hai bên tạo thành một hệ thống giao thông mạch lạc và thuận tiện khi sử dụng. Công trình sử dụng chủ yếu thống nhất theo phương vị ngang kết hợp với phương vị đứng, từ hệ thống cửa sổ đồng bộ được so hàng ngang dọc thẳng lối đến các mảng đặc làm điểm nhấn trên mặt đứng công trình. Thiết kế mặt đứng công trình mang dáng vẽ nhà truyền thống của người Cơ Tu, bên ngoài hành lang và trên các mảng tường trang trí những hình tượng diễn ra hàng ngày gắn liền với sinh hoạt của người Cơ Tu như hình những con vật thân quen, đầu trâu, tượng các trai làng múa hát cùng những thiếu nữ, ảnh những lễ hội đâm trâu, săn bắt thú rừng, ở giữa nhà có một cột cái vững chắc tượng trưng cho linh hồn của làng, trên đỉnh mái hai đầu nóc có gắn hình 2 chú gà, ở giữa nóc có hình đầu trâu.

Nhà truyền thống và sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu

Nhà Guol thường chỉ dành cho trai tráng chưa vợ và là nơi để trực chiến, canh gác. Ngoài ra, đó là nơi họp hội đồng làng, lễ hội, lớp học và là nơi tiếp khách của làng. Chiều cao sàn trước đây thường từ 1 – 1,2 m để tránh trường hợp kẻ thù ẩn nấp ở dưới. Tuy nhiên, các nhà Guol hiện nay có sàn cao hơn (1,8 – 2 m) để thuận tiện cho việc để xe, giã gạo, và các hoạt động khác phía dưới sàn.

Đối với thiết kế và xây dựng nhà Guol, dân làng sử dụng kích thước cơ thể để quyết định hình dáng ngôi nhà và kích thước của vật liệu như chiều dài cột, xà và chiều cao sàn. Ngoài ra, họ có thể sử dụng thước tạm là một thanh gỗ dài (kích thước thanh gỗ này cũng dựa trên kích thước cơ thể) để đo và chọn vật liệu. Module chuẩn thường là dựa trên kích thước cơ thể của người đứng đầu nhóm xây dựng nhà Guol (thường là già làng).

 

Nhà truyền thống của người Tà Ôi:

Tương tự các dân tộc thiểu số sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, làng người Tà Ôi theo kiểu làng tròn, làng phòng thủ, làng hình móng ngựa… công trình công cộng đều xây dựng giữa làng, nhà dân vây quanh nhưng đảm bảo nguyên tắc các cây đòn nóc nhà không có hướng đâm vào nhau. Nhà ở của người Tà ôi là loại nhà sàn tổng hợp, riêng người Pa hi ở nhà đất (có nhà ở riêng và nhà chứa lương thực riêng), nhưng cả nhà sàn và nhà đất đều có mái tròn ở hai đầu hồi nhà và đều có “khau cút”(làm bằng gỗ có hai hình đầu chim cu chéo nhau, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc trên phần mái hồi tiếp giáp với đầu nóc) - đây là đặc điểm để phân biệt ngôi nhà của người Tà Ôi với các dân tộc khác cùng ngữ hệ ở vùng này. Trong gia đình Tà ôi, quyền thừa kế tài sản thuộc về con trai, song sự ưu tiên cho con trai cả chưa rõ, dù anh ta có vai trò chủ trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và luôn được ở gian đầu của ngôi nhà.

Nhà truyền thống và sinh hoạt văn hóa của người Tà Ôi

Trước kia, nhà ở của người Tà Ôi là nhà dài, là ngôi nhà dành cho gia đình lớn. Ngày nay, nhà của người Tà Ôi là nhà sàn ngắn dành cho các gia đình nhỏ. Cấu trúc và không gian ngôi nhà sàn ngắn khá đơn giản. Kiến trúc nhà ở của người Tà Ôi có nhiều điểm giống với nhà rông. Nhà ở của người Tà Ôi là nhà sàn, mái tròn, sàn nhà không cao (khoảng 0,8m - 1m) nhưng hiện nay chiều cao sàn đã được nâng cao (khoảng 1,5m - 2m)  , có hai cầu thang ở hai đầu hồi, cầu thang chính gần với không gian tiếp khách và sinh hoạt chung ở bên phải, cầu thang phụ ở bên trái gầm với bếp lửa. Cầu thang lát bằng gỗ, là một thân gỗ lớn đẽo thành hoặc hai thanh gỗ được đục lỗ rồi xiên các thanh ngang làm bậc cấp.

Nhà truyền thống của người Pa Cô:

Nhà Pa Kô kể cả nhà sàn và nhà đất đều có mái hình mai rùa và đều có sừng trâu ở hai đầu mái, trang trí hình hai đầu chim cu tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hòa của dân tộc. Trung tâm của ngôi nhà là Căn Mòong nơi thờ tự, tiếp khách, hội họp chung của mọi thành viên trong nhà. Diện tích còn lại được ngăn thành từng buồng (a song) chỗ ở và sinh hoạt của các gia đình. Hệ thống cầu thang được bố trí 1 cầu thang chính ở giữa và 2 cầu thang phụ ở 2 đầu nhà sàn.

Nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô thường được dựng bằng nguyên liệu sẵn có như: Khung nhà bằng gỗ, xương mái và sàn bằng tre nứa, mặt sàn, vách bao quanh nhà bằng phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh rất dày. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4 - 5m.

Nhà truyền thống và sinh hoạt văn hóa của người Pa Cô

Gầm sàn cao hơn 1m, trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt gia súc, sau này đã bỏ dần phong tục này. Các cột, kèo thường được đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật và những hoạt động, văn hóa của đồng bào. Có thể nói, nhìn vào nhà dài, người xa lạ cũng có thể hiểu được đôi phần về đời sống của người Pa Cô.

 Nhà sinh hoạt cộng đồng – Ngôi nhà chung của các dân tộc

Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng được thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, các quy định, nghị định. Mang tính truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhẹ nhàng, thông thoáng, đơn giản phù hợp với kiến trúc vùng miền. Công trình được lấy mái dốc làm chủ đạo, mái nhà lợp ngói, các chi tiết cấu tạo đảm bảo hạn chế tác dụng của khí hậu nắng nóng, mưa nhiều của khu vực. Công trình được tạo từ 1 khối cơ bản: Hình Ovan với chiều cao 02 tầng hợp lý về hình khối, giao thông…. Hành lang của công trình được bố trí ở sảnh chính và hai bên tạo thành một hệ thống giao thông mạch lạc và thuận tiện khi sử dụng. Thiết kế mặt đứng công trình mang dáng vẻ nhà sinh hoạt cộng đồng chung cho đồng bào dân tộc thiểu số, bên ngoài hành lang và trên các mảng tường trang trí những hình tượng diễn ra hàng ngày gắn liền với sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số như hình những con vật thân quen, đầu trâu, tượng các trai làng múa hát cùng những thiếu nữ, ảnh những lễ hội đâm trâu, săn bắt thú rừng, ở giữa nhà có một cột cái vững chắc tượng trưng cho linh hồn của làng, trên đỉnh mái hai đầu nóc có gắn hình 2 chú gà, ở giữa nóc có hình đầu trâu,… mọi hình ảnh tạo nên một mô hình kiến trúc truyền thống của đồng bào.

Các hoạt động lớn của Làng sẽ được tổ chức tại "Ngôi nhà chung" của các dân tộc

Hiện nay, huyện A Lưới đang xây dựng Đề án quy hoạch chi tiết Làng văn truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới với quy mô 30ha với các hạng mục tiếp tục xây dựng trong năm 2024 là nhà ở truyền thống của các dân tộc. Những năm tiếp theo sẽ xây dựng hạng mục: quảng trường trung tâm, khu làng nghề, bến thuyền, bảo tàng dân tộc học, khu nhà mồ, ruộng lúa để tái hiện lại vòng đời của con người, của cây lúa, tái hiện lại những nghề truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ … Những hoạt động văn hóa đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa vật thể và phi vật thể của quốc gia cần phải giữ gìn và phát triển.

Hi vọng rằng, Làng văn hóa sẽ trở thành một biểu tượng sống động cho sự đa dạng văn hóa và là niềm tự hào của toàn huyện, là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời là cầu nối gắn bó cộng đồng dân cư và góp phần vào sự phát triển bền vững của huyện A Lưới.

 

Thiên Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.284.601
Truy câp hiện tại 16.309