Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Nhìn lại hoạt động tiếp xúc cử tri để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới
Ngày cập nhật 20/08/2016
Một buổi tiếp xúc cử tri tại xã A Ngo

Tiếp xúc cử tri (TXCT) và liên hệ với cử tri là một hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND. Làm tốt công tác tiếp xúc cử tri sẽ góp phần giải quyết các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của người dân (cử tri), giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Từ trước đến nay, hoạt động tiếp xúc cử tri trên địa bàn huyện đã được thực hiện nghiêm túc. Mọi vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị đều được tổng hợp, phân loại và chuyển tới cấp có thẩm quyền nghiên cứu, giải quyết. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu và công tác tiếp xúc cử tri đã đi vào nề nếp, cơ bản đã được thực hiện bảo đảm đúng quy định, chú ý cải tiến nội dung, phương thức tiếp xúc cử tri, đối tượng tiếp xúc… Qua đó, thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời cho cử tri.

Đa số đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở địa bàn ứng cử, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tiếp xúc kết hợp với khảo sát thực tế, để nắm chắc tình hình cử tri phản ánh Thường trực HĐND. Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đại biểu HĐND đã tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đối với cử tri, thông qua tiếp xúc của đại biểu đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động này, mong muốn được gặp gỡ để trao đổi, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của mình với các đại biểu mà mình tín nhiệm bầu ra. Hầu hết công tác tổ chức tiếp xúc cử tri đều đảm bảo an toàn, trật tự, thể hiện sự dân chủ, bình đẳng, công khai và thẳng thắn giữa cử tri với đại biểu.

Địa điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, huyện thường được tổ chức tại hội trường UBND các xã, thị trấn; đại biểu HĐND cấp xã được tổ chức ở địa bàn thôn, tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Số lượng cử tri tham gia mỗi buổi ít nhất 10 -15 cử tri, nhiều nhất có khoảng 40 - 50 cử tri, bình quân đạt khoảng 50 - 55% so với số lượng dự kiến.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng đổi mới, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp ít nhiều vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri. Một số đại biểu HĐND không thể nắm bắt, thu thập hết ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Các cuộc TXCT thường chỉ được tổ chức trước và sau kỳ họp, TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực còn hạn chế. Một số đại biểu chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chưa thật sự quan tâm, đầu tư để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri. Kỹ năng tiếp xúc cử tri của một số đại biểu còn hạn chế. Phương pháp tiếp xúc cử tri chưa có sự linh hoạt, cách thức trình bày báo cáo còn thiếu sinh động, lôi cuốn. Có đại biểu còn thiếu kinh nghiệm, chưa làm chủ được diễn đàn tiếp xúc cử tri, nhất là trong việc xử lý các tình huống phát sinh. Việc giải trình, tiếp thu ý kiến của cử tri của một số đại biểu và cơ quan chức năng ở địa phương còn lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, một số đại biểu chưa quan tâm tổng hợp thông tin về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị để thông báo tới cử tri, nên có ý kiến lặp lại nhiều lần…

Việc mời, thông báo, thông tin đến cử tri về các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp chưa được thực hiện tốt. Mặc dù ở một số nơi có giao đến Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố thông báo, có nơi phân bổ số lượng cho từng đoàn thể mời nhưng thiếu kiểm tra đôn đốc. Một số cử tri không quan tâm, thờ ơ, chỉ có một số cử tri liên quan đến việc bức xúc quyền lợi cá nhân thì mới tham dự. Việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri có lúc chưa thoả đáng, có nhiều ý kiến chậm giải quyết hoặc ghi nhận là chủ yếu. Bên cạnh đó trách nhiệm của đại biểu trong việc đôn đốc, giám sát việc trả lời giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri chưa cao, trước khi tiếp xúc cử tri đại biểu chưa quan tâm nắm bắt tình hình nơi tiếp xúc để chuẩn bị hoặc mời các phòng, ban có liên quan cùng tham dự. Đa phần các đại biểu HĐND chưa sử dụng quyền của đại biểu để yêu cầu giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri theo Luật định, chủ yếu ghi nhận đây là nguyên nhân chính dẫn đến ngày càng có ít cử tri tham gia.

Một buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội

Để nâng cao hơn nữa chất lượng của hoạt động tiếp xúc cử tri, thời gian tới, thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Trong các đợt tiếp xúc cử tri tại các địa phương, cần phân công hoặc mời lãnh đạo các phòng ban của huyện, cán bộ chủ chốt của địa phương tham dự để nắm bắt tình hình, trao đổi, giải trình trực tiếp, nhằm tạo sự gần gũi giữa chính quyền với nhân dân, hạn chế tổng hợp những ý kiến không cần thiết. Tăng cường thông báo trên hệ thống truyền thanh của địa phương hoặc thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể về tầm quan trọng trong việc TXCTHàng năm, nên tổ chức và duy trì sơ kết công tác phối hợp 3 bên giữa Thường trực HĐND, UBND và Thường trực Ủy ban MTTQVN trong công tác phối kết hợp tổ chức tiếp xúc cử tri. Đồng thời, sau mỗi đợt tiếp xúc cử tri nên họp để rút kinh nghiệm. Căn cứ vào nội dung từng kỳ họp để lựa chọn hình thức, địa điểm và thành phần cử tri tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri cho phù hợp và có hiệu quả. Tại mỗi điểm tiếp xúc phải có sự tham gia của lãnh đạo chủ chốt địa phương, cấp huyện và một số phòng, ban chuyên môn để lắng nghe, nắm tình hình, qua đó trao đổi và trực tiếp trả lời kiến nghị của cử tri.

Việc thực hiện TXCT đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu, không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc với cử tri, đại biểu còn phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu; Ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được giải thích rõ ràng. Không chỉ là “ghi nhận” và chuyển kiến nghị tới các cơ quan hữu quan, đại biểu phải đeo bám, giám sát đôn đốc cho đến khi vấn đề được giải quyết thỏa đáng để trả lời cử tri trong những cuộc tiếp xúc sau. Vấn đề nào đòi hỏi thời gian hoặc chưa có điều kiện giải quyết, cần giải thích rõ, không từ chối, né tránh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động TXCT. Coi trọng việc phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đúng địa chỉ, khi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đồng thời phản ảnh đầy đủ, chính xác ý kiến, kiến nghị của cử tri đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Những ý kiến thuộc trách nhiệm của địa phương thì tổng hợp chuyển cho địa phương giải quyết và trả lời cho cử tri. Việc phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ giúp cho việc giải quyết ý kiến, kiến nghị nhanh hơn, chính xác hơn, góp phần tạo dựng lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Thủ trưởng các phòng, ban nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận và giải quyết tích cực các ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền; đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Một buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND dân huyện khu vực và đại biểu HĐND xã tại xã A Ngo

Tiếp xúc cử tri là hoạt động đặc trưng, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp và là một hoạt động mang tính bắt buộc được quy định trong nhiều văn bản pháp luật nước ta. Hiệu quả của công tác TXCT phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng TXCT của đại biểu HĐND các cấp, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Hà Thiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 28.701.605
Truy câp hiện tại 22.275