Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Những điểm mới trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2015
Ngày cập nhật 30/11/2015

Những năm qua, công tác đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa thực sự được quan tâm, chú trọng; việc đánh giá còn mang tính hình thức, nể nang… Điều này đã dẫn đến kết quả đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa sát thực, chưa có tác dụng động viên, khuyến khích người có năng lực cũng như nhắc nhở đối với người kém năng lực.

Theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức những hạn chế trên đã được khắc phục, Nghị định đã có nhiều điểm mới, trước hết là việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ được đưa ra để đánh giá bao gồm cả chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và các nhiệm vụ đột xuất. Nghị định quy định, nếu cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành khối lượng công việc dưới 70% hoặc để chậm tiến độ có thể bị phân loại là không hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, việc đánh giá còn được thể hiện ở tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, muốn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ buộc phải có ít nhất một đề tài, sáng kiến, giải pháp đem lại hiệu quả trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Điểm mới thứ hai là Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 09/6/2015, đã đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến góp ý của tập thể, cấp ủy đảng, công đoàn… chỉ mang tính chất tham khảo. Vì thế, quyền quyết định đánh giá và phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp dưới, kể cả cấp phó sẽ phải do chính người đứng đầu quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định đánh giá, phân loại của mình.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền chi tiết hóa các nội dung đánh giá cho phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm đánh giá sát, đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân do mình phụ trách, quản lý.

Thứ ba, Nghị định lần này gắn trách nhiệm, kết quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người lãnh đạo, quản lý với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị do mình lãnh đạo, quản lý, phụ trách. Việc đánh giá lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình được giao lãnh đạo, quản lý. Theo đó, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ tư, kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, kết quả đánh giá trong 2 năm liên tiếp là căn cứ để đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ, công chức, viên chức kém năng lực, phẩm chất: nếu bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ thì cán bộ có thể bị miễn nhiệm, thôi làm nhiệm vụ, công chức bị cho thôi việc, viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Thứ năm, có sự tương tác giữa người đánh giá và người được đánh giá.

Người đánh giá phải thông báo kết quả đánh giá cho cán bộ, công chức, viên chức. Ngược lại, người được đánh giá có quyền khiếu nại nếu thấy kết quả đánh giá không phù hợp. Việc không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.

Qua đó, Ủy ban nhân dân huyện A Lưới cũng đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện theo tinh thần trên./.

Nguyễn Tuấn - PNV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.353.738
Truy câp hiện tại 62.719