Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chuyển đổi cây trồng trong hành lang tuyến điện
Ngày cập nhật 18/06/2021

Bài toán đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, hạn chế các sự cố lưới điện do khai thác rừng trồng ở vùng cao đã có lời giải từ mô hình chuyển đổi cây trồng trong hành lang tuyến (HLT). Đây là hướng đi vừa tạo an toàn, vừa mang tính bền vững.

Hiệu quả kép từ mô hình ở Hương Phong

Kỹ lưỡng bọc từng quả ổi trong diện tích trồng dưới HLT điện, ông Nguyễn Dũng, người dân xã Hương Phong (huyện A Lưới) phấn khởi: “Từ ngày chuyển đổi cây trồng trên diện tích 1.078m2, riêng ổi đã thu hoạch được một lứa, còn cam, chanh cũng đang sai quả. Trước đây trồng keo 5 năm, bán mỗi cây chỉ tầm vài chục nghìn đồng, nhưng ổi thì mỗi năm tới 2 đợt. Đợt mới đây, có cây thu hoạch quả bán được mấy trăm nghìn đồng”.

Công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp, hạn chế các sự cố lưới điện do khai thác các rừng trồng là bài toán nan giải và tốn nhiều công sức của các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, nhất là đối với các địa bàn miền núi. Tuy nhiên, từ việc chuyển đổi cây trồng trong HLT mang lại hiệu quả cũng xem như có lời giải.

Ông Hồ Long, Giám đốc Điện lực A Lưới cho biết, công tác hỗ trợ đền bù dưới HLT điện chủ yếu là phần đất sử dụng, móng cột, những phần đất khác người dân vẫn trồng cây. Tại địa bàn huyện A Lưới, người dân sử dụng đa phần diện tích đất để trồng cây keo tràm với đặc tính cây phát triển nhanh. Đến khi thu hoạch, chiều cao các cây trồng có thể lên đến 30m. Trước ảnh hưởng của thiên tai hoặc khi thu hoạch, cây gãy đổ, dẫn đến nguy cơ gây sự cố lưới điện.

Hương Phong là địa phương đầu tiên của huyện A Lưới áp dụng chuyển đổi cây trồng trong HLT, nhiều người dân lựa chọn trồng chuối kết hợp trồng cỏ cho bò ăn hoặc trồng ổi, cam, chanh xen kẽ. Thực tế mô hình của người dân, lợi ích mang lại đáp ứng được mục tiêu kép.

Theo ông Mai Thanh Bình, người dân xã Hương Phong, cái khó ban đầu khiến nhiều người phân vân là việc trồng keo đỡ mất công chăm sóc, trong khi cây trồng khác lại đòi hỏi nhiều công ở giai đoạn đầu.

Xét về độ an toàn, số liệu từ Điện lực A Lưới minh chứng, năm 2019, xã Hương Phong xảy ra 4 sự cố do vi phạm hành lang lưới điện/30 sự cố về hành lang lưới điện của toàn huyện. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi cây trồng, năm 2020, Hương Phong không xảy ra sự cố về hành lang lưới điện.

Ông Trương Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, địa bàn xã Hương Phong có tuyến đường dây 35kV đi qua và các đường dây 22kV cấp điện cho các xã Lâm Đớt, A Roàng và nước bạn Lào. Đa phần đường dây trước đây đi qua các khu vực rừng trồng keo tràm, nguy cơ xảy ra sự cố an toàn điện rất cao. Qua chương trình tập huấn bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp do Sở Công thương và ngành điện lực, xã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; đồng thời, kêu gọi hỗ trợ người dân mua giống cây trồng phù hợp để thực hiện chuyển đổi; bước đầu, đem lại giá trị kinh tế, giải quyết được bài toán lãng phí nguồn đất trong HLT.

Nên nhân rộng

Hiện nay có các quy định về hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, trong đó Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ (Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện) nhấn mạnh khoảng cách từ bộ phận bất kỳ của cây khi cây bị đổ đến bộ phận bất kỳ của đường dây đối với cấp điện áp đến 35kV là 0,7m (khoản 2, điều 12).

Việc giải phóng hành lang an toàn lưới điện để lại một diện tích đất trống, không sử dụng khá lớn. Trong khi đó, quan điểm của ngành điện là đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của người dân và ngành điện, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế hy vọng có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả như tại xã Hương Phong cũng như địa phương lân cận để hiện thực hóa nội dung tuyên truyền cùng ngành điện chung tay bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Theo ông Hồ Long, ngoài chuyển qua các loại cây ăn quả như chuối, ổi giống thấp, chanh… có thể tìm hiểu thử nghiệm thêm các mô hình như trồng cây ba kích ở Tây Giang, Quảng Nam; cây đót ở Quảng Ngãi, các mô hình kinh tế hiệu quả, có thổ nhưỡng tương đồng A Lưới.

Theo lãnh đạo Điện lực A Lưới và các địa phương trong huyện, sắp tới sẽ phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu, qua đó tạo ra nhiều hướng đi mang lại hiệu quả hài hòa giữa đảm bảo an toàn sản xuất trong HLT điện mà vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

(Theo www.baothuathienhue.vn)

T.T
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.481.266
Truy câp hiện tại 97.987