Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
55 năm trận đánh A So lịch sử (11/3/1966 – 11/3/2021)
Ngày cập nhật 09/03/2021

A Lưới là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời nơi đây còn là vùng đất “phên dậu”, căn cứ địa cách mạng của Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ những năm 1957-1959, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm cấu kết chặt chẽ với đế quốc Mỹ, chúng cho xây dựng nhiều đồn bốt ở các vị trí xung yếu trên suốt chiều dài huyện A Lưới, từ A So, A Co ở phía Nam đến Bốt Đỏ, A Lưới ở phía Bắc. Mục đích của địch là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng làn sóng cách mạng từ đồng bằng lên và mối liên lạc giữa các xã trong huyện.

Để thực hiện âm mưu đó, địch tiến hành xây dựng nhiều trại tập trung, dồn ép đồng bào ta vào các ấp chiến lược, hòng cô lập, cắt đứt mọi liên hệ với cách mạng. Song, với tinh thần kiên cường bất khuất, nhân dân các dân tộc huyện A Lưới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Huyện ủy A Lưới đoàn kết một lòng, trước sau giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu. Nhờ đó các phong trào cách mạng chẳng những không bị cô lập, mà từng bước ổn định, duy trì và phát triển mạnh mẽ rộng khắp.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, để đối phó với tình hình trên, năm 1960 đế quốc Mỹ cho mở rộng đồn A So, đồng thời xây dựng một sân bay tại khu vực này, nhằm tăng cường tiềm lực quân sự với sự trợ lực của các phương tiện chiến tranh hiện đại để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta. Nguy hiểm hơn, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai mưu đồ xây dựng Sân bay A So ở xã Đông Sơn, Sân bay A Co ở xã Hồng Thượng, Sân bay A Lưới ở Thị trấn nhằm khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn và ngăn chặn sự lớn mạnh của con đường chiến lược Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào cùng như từ miền Nam ra.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ quân và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới nhất tề nổi dậy đồng khởi, phá ấp chiến lược, tạo ra bước chuyển biến trên cục diện chiến trường có lợi cho ta.

Ngày 6 tháng 3 năm 1966, Trung đoàn 95B thuộc Sư đoàn 325B  được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương và sự tiếp tế lương thực, thực phẩm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đã tổ chức bao vây vị trí A So. Sau 6 ngày liên tục bao vây lấn dũi, địch ở trong đồn lâm vào tình thế khốn quẫn, hoang mang dao động.

Chớp thời cơ, ngày 11 tháng 3 năm 1966 Trung đoàn 95B do đồng chí Vũ Lăng làm Chỉ huy Trưởng, cùng các đồng chí Hoàng Tấn Kiệt, Trần Văn Trân, Thái Bá Nhiệm - Chính Ủy tổ chức trận đánh, đột phá tiến công diệt gọn vị trí A So, ta diệt và bắt gần 1.000 tên địch. Cùng thời gian đó, Trung đoàn 101 nhận nhiệm vụ đón đánh tiêu diệt sư đoàn dù ngụy chi viện ứng cứu A So và bao vây tiêu diệt vị trí A Lưới.

Sau khi quân địch ở các vị trí A So, A Lưới lần lượt bị tiêu diệt, miền núi Thừa Thiên đã hoàn toàn giải phóng, ta ra sức xây dựng củng cố chính quyền, xây dựng các tổ chức quần chúng như Thanh niên giải phóng, Phụ nữ giải phóng, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự của ta, đảm bảo cho hành lang chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày đêm hoat động, làm tròn nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Hòng cứu vãn tình thế quân địch đã sử dụng nhiều thủ đoạn và hình thức khác nhau như dùng máy bay chiến lược B52 ném bom, đánh nghi binh, thả biệt kích, rải truyền đơn chiêu hồi, hù dọa, phản tuyên truyền chiến thắng của ta kết hợp với phao tin chiến thắng của chúng ở các vùng lân cận. Đặc biệt, vào tháng 9 năm 1966, chúng tiếp tục rải chất độc hóa học xuống xã Đông Sơn gây cho ta nhiều tổn thất về người và của. Tuy nhiên, mọi mưu đồ của quân địch đều bị phá sản, ngày càng bộc lộ rõ sự suy yếu và thất bại, phải khuất phục trước ý chí quyết tâm của quân và dân ta.

Lê Thị Thưi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.519.241
Truy câp hiện tại 1.203