Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và Huyện A Lưới nói riêng; được tổ chức ngày bầu cử vào thời điểm đang tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI vừa kết thúc thắng lợi. Toàn huyện đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của huyện, Đại hội XVI của tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần củng cố, xây dựng chính quyền nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; các nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương để mọi người hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân nhằm lựa chọn bầu những người có đủ tiêu chuẩn, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả.
2. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, chủ trì, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao, UBND các xã, thị trấn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, cổ động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử nhằm làm cho ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.
3. Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm làm cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu rõ hơn về nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản liên quan đến công tác bầu cử để mọi công dân, cơ quan, tổ chức tham gia vào công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
4. Công an huyện có phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, xung yếu, nắm chắc tình hình ở cơ sở; phát hiện, giải quyết kịp thời mọi hành vi gây rối, phá hoại của các loại tội phạm. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại, lợi dụng bầu cử để gây rối. Chú ý các địa bàn trọng điểm và tăng cường công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối các điểm niêm yết danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên và khu vực bỏ phiếu trên địa bàn toàn huyện.
5. Các Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn có kế hoạch phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát chống xâm nhập, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
6. Ban Chỉ huy Quân sự huyện có kế hoạch chỉ đạo lực lượng dân quân ở các xã, thị trấn; tự vệ cơ quan tăng cường tuần tra, kiểm soát, trực và bảo vệ cơ quan an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử.
7. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đảm bảo kinh phí phục vụ kịp thời cho cuộc bầu cử theo kế hoạch được giao; hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra chặt chẽ nhằm thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích và hiệu quả.
8. Thanh tra huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban bầu cử huyện hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với những người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo luật định; tham mưu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau ngày bầu cử.
9. Phòng Nội vụ có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác bầu cử theo luật định; theo dõi tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện công tác bầu cử ở các địa phương để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban bầu cử huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh đúng thời gian quy định.
10. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chuẩn bị các điều kiện về vật chất và kỹ thuật phục vụ bầu cử; phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự huyện có biện pháp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và tại các địa điểm bỏ phiếu, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn và tiết kiệm; xây dựng phương án dự phòng đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp có kế hoạch triển khai thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
12. Quá trình triển khai công tác bầu cử phải kết hợp chặt chẽ với việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và chuẩn bị tốt cho các sự kiện văn hóa, các ngày kỷ niệm lớn khác trong cùng thời điểm trên địa bàn huyện.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả triển khai về UBND huyện (qua phòng Nội vụ huyện) để theo dõi, chỉ đạo chung./.