Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyện một cán bộ làm "dân vận" ở bản làng Kăn Te
Ngày cập nhật 15/10/2014

Dù tuổi đã gần 80 nhưng già làng Đặng Văn Nguyên (người dân tộc Cơ Tu) ở bản Kăn Te, xã Hồng Thượng (A Lưới, Thừa Thiên - Huế) vẫn chung sức cùng bà con xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp. Ông trở thành cán bộ "dân vận" mẫu mực cùng những việc làm thiết thực…

Già Nguyên ngày trước là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy và Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện A Lưới. Nhưng khi nhắc đến những chức vụ này, khiêm tốn bảo: "Cái cốt yếu là mình có giúp được dân bản đủ gạo ăn, thoát được cái nghèo, cái khổ hay không mà thôi. Cán bộ nhận nhiệm vụ người dân giao mà không làm tròn thì...". Ông bỏ lửng câu nói, đưa mắt nhìn mông lung ra cánh rừng trước nhà. Lát sau, ông kể: Năm 16 tuổi, ông đã theo chân các chú, các bác trong bản để làm du kích địa phương. Năm 25 tuổi, ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Chiến tranh kết thúc, mình cùng nhiều anh em trở về địa phương để xây dựng bản làng. Lúc ấy là năm 1976, cả vùng đất Hồng Thượng này bị bom đạn cày xới ngổn ngang. Ấy thế mà nhờ có sức người, vùng đất hoang xưa nay đã phủ kín màu xanh của bạt ngàn cà phê, lúa nước và ngô sắn", chất giọng rắn rỏi đậm chất lính cụ Hồ, già Nguyên tâm sự.

Khi về lại bản Kăn Te sau chiến tranh, ông cùng vợ là bà Lê Thị Hợi tẩn mẩn nhặt từng quả bom, đạn còn sót lại ở 12 hố bom lớn nhỏ trong vườn, không quản nắng mưa, khai hoang vỡ hóa trồng các loại cây ngô, cây sắn. Năm 1978, khi huyện A Lưới có chủ trương cải tạo đất và xây dựng các công trình thủy lợi để trồng lúa nước nhằm giải quyết vấn đề thiếu lương thực, ông và các cán bộ xã đã đích thân đến từng nhà, hướng dẫn bà con cách rà phá bom, mìn an toàn để lấy đất sản xuất. Và, cái "nghề dân vận" đã bén duyên với ông từ đó. Ngoài việc nhặt bom, khai hoang được 9 sào đất trồng lúa nước, vợ chồng ông còn trồng được 2,5 rừng keo tràm và cải tạo thêm mảnh đất rộng hơn 2ha để làm trang trại chăn nuôi gia súc và trồng chuối, ngô... ở vùng núi phía Tây xã Hồng Thượng. Thương bà con dân bản trong thôn chưa có đất canh tác dẫn đến thiếu ăn, ông bàn với vợ cắt một số mảnh đất của gia đình để chia cho các hộ dân; đồng thời tham gia học tập các mô hình làm ăn phát triển kinh tế để chia sẻ "bí quyết" làm giàu cho bà con dân bản…

Trước chủ trương xây dựng nông thôn mới của Nhà nước, dù tuổi đã cao nhưng già Nguyên vẫn cùng các cán bộ xã tích cực đi vận động người dân trong thôn, xã cùng hiến đất vườn để làm đường bê tông, xây nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ đó, Kăn Te là thôn duy nhất trên toàn xã xây dựng được nhà văn hóa cộng đồng bằng gỗ 100% và đúng với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Cô…

Ông Nguyễn Hữu Văn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thượng, nhận xét: "Già Nguyên đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân Kăn Te chấp hành tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan để ổn định cuộc sống. Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp đất đai hay khiếu kiện nào...". Còn già Nguyên tâm sự: "Mình đã 53 tuổi Đảng, bản thân được phong tặng 10 huân, huy chương các loại, cùng nhiều bằng khen của các cấp về thành tích "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhưng đôi chân vẫn chưa muốn ngơi nghỉ. Đến khi nào dân bản giàu có hết và không cần đến mình nữa thì mình sẽ bỏ cái nghề... làm “dân vận” này!"

Theo http://cand.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.364.699
Truy câp hiện tại 72.418