1. Công tác triển khai thực hiện
- Tiếp tục thực hiện tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm theo Chỉ thị 13/CT-TTg.
- UBND huyện ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 17/4/2020 về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020, kèm theo Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020 và Hướng dẫn chi tiết triển khai kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2020. Thực hiện công tác kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện từ ngày 15/4/2020 đến 15/5/2020
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm VSATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm: Tiêu chảy cấp, thương hàn, ngộ độc thực phẩm… trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
- Tăng cường giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm và giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn nhằm góp phần hạn chế ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.
2. Kết quả thực hiện
2.1 Lĩnh vực Y tế
Tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra: 21; Trong đó: Số đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện: 01; Số đoàn kiểm tra tuyến xã: 20.
Tổ chức kiểm tra liên ngành trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020 từ ngày 15/4/2020 đến 15/5/2020. Qua kiểm tra, tuyên truyền trực tiếp, nhìn chung các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và có đầy đủ các thủ tục hành chính như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, giấy tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm,… hầu hết các cơ sở nhập các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá và bảo quản hàng hóa theo đúng quy định. Bên cạnh đó có một số cơ sở vẫn chưa chú ý đến khâu nhập hàng và sắp xếp hàng hóa… vẫn còn tình trạng bày bán các mặt hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác… Đoàn liên ngành đã tiến hành lập biên bản nhắc nhở và tiêu hủy số hàng hóa nói trên.
2.2. Lĩnh vực Nông nghiệp
Tiếp tục triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương rà soát, các cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT.
Nguồn nước tưới đảm bảo an toàn, không sử dụng nước bị ô nhiễm, nước thải để rửa, sơ chế sản phẩm.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách; tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc; nhãn thuốc trước khi sử dụng.
Vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bón được thu gom trong các vật chứa kín, đúng nơi quy định để chờ xử lý hoặc tiêu hủy tránh gây ô nhiễm cho sản phẩm và khu vực sản xuất.
Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuốc BVTV nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn trong sử dụng.
Tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật; thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y tại lò giết mổ gia súc tập trung, các chợ theo kế hoạch của đoàn kiểm tra liên ngành.
Phối hợp kiểm tra liên ngành VSATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020
2.3. Lĩnh vực Công thương
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP thuộc ngành Công thương.
- Phối hợp kiểm tra liên ngành VSATTP trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020.
3. Tồn tại và hạn chế
- Các cơ sở vi phạm chủ yếu là về trang phục cho người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm (không mang găng tay, không có trang phục bảo hộ....); vệ sinh môi trường nơi sản suất chưa đảm bảo; một số cơ sở kinh doanh vi phạm hàng hóa hết hạn sử dụng do trong quá trình bảo quản không kiểm tra thường xuyên.
- Công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ sở sản xuất chế biến theo mùa vụ, kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố gặp rất nhiều khó khăn. Việc xử lý vi phạm với các đối tượng này còn hạn chế, chủ yếu là cảnh cáo, nhắc nhở, chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe.