Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới tưng bừng ngày Tết độc lập
Ngày cập nhật 03/09/2014
Quang cảnh mô phỏng toàn bộ hệ thống bản làng người Tà Ôi trước đây

(TTH.VN) - Những ngày này, không khí mừng Tết độc lập rộn ràng trên khắp các bản làng ở A Lưới. Con phố giữa lòng thị trấn nối với các xã lân cận trở nên nhộn nhịp với sắc màu, váy áo của người Pa Cô, Tà Ôi…

Niềm vui còn được nhân lên bởi người dân vui Tết độc lập đúng vào dịp địa phương tổ chức ngày hội văn hoá dân tộc Tà Ôi và các dân tộc xã A Ngo lần thứ nhất diễn ra từ ngày 31 đến 2/9, hứa hẹn nhiều đổi thay trong việc bảo tồn văn hoá của đồng bào nơi đây.

Ngày Tết độc lập, huyện miền núi A Lưới nhộn nhịp với cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu trên từng trục đường dẫn đến các bản, làng. Từ trung tâm huyện lỵ đến các đường làng, ngõ xóm được trang hoàng nhiều biểu ngữ chào mừng, cổ động thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đồng bào đối với sự kiện lớn, đó là dịp kỷ niệm 45 năm đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới mang họ Bác Hồ và 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặt chân đến điểm tổ chức ngày hội văn hoá dân tộc Tà Ôi và các dân tộc xã A Ngo, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của không gian tái hiện đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của một bản làng đồng bào Tà Ôi thời điểm trước những năm 1960. Các ngôi nhà Rông được bà con dựng lại đúng nguyên bản. Mỗi ngôi nhà Rông tượng trưng cho mỗi dòng họ trong làng. Ở giữa làng có một ngôi nhà Rông lớn nhất, đó là nơi sinh hoạt, hội họp, tổ chức các lễ hội, các hoạt động chung của làng.

Anh Hồ Văn Ngoan, Trưởng phòng Văn hoá Thể thao huyện A Lưới bảo rằng, nhà Rông của người Tà Ôi là biểu tượng của cộng đồng, là linh hồn của làng, bản và tộc người. Già làng Quỳnh Hiền (thôn Hợp Thành, xã A Ngo) nói thêm vào: “Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở A Lưới, người Tà Ôi là tộc người phát minh ra nghề dệt Zeèng và lưu truyền đến ngày nay”.

Đang trò chuyện, tiếng trống, tiếng cồng chiêng, khèn bè rộn ràng vang lên. Đó là lúc các hoạt động văn hoá cộng đồng người Tà Ôi được tái hiện. Những điệu múa, lời ca hòa cùng thanh âm của cồng chiêng vang vọng cả núi rừng. Ngay sau đó, các già làng bắt đầu những nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa cầu mong cho dân làng được no đủ, những sản vật trên nương, trên rẫy thu được củ to, hạt đầy.

Các hoạt động văn hóa cộng đồng người Tà Ôi được tái hiện sinh động

Anh A Kơ Cường, trưởng thôn Hợp Thành cho hay: “Những hiện vật dâng cúng chính là những sản vật sản xuất trên nương rẫy của đồng bào cùng những vật phẩm mang tính truyền thống để cầu mong mưa thuận gió hoà, dân làng làm ăn khấm khá, đoàn kết và phát triển...”.

Ở một không gian khác, các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống đảm đương phần việc giã nếp với mè để gói bánh A Dư. Nhịp chày vang lên dội vào vách núi làm không khí thêm rộn ràng, náo nức. Trong mỗi nhà Rông, những lễ vật gồm thịt lợn, thịt gà, bánh trái... được bày biện trên ban thờ tươm tất. Tại phòng khách, những bình rượu cần, rượu đoát dành sẵn để tiếp đãi bà con, bạn bè đến thưởng thức. Phía dưới nhà, các chị, các mẹ trong trang phục truyền thống quây quần giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, lá rừng để gói bánh A Coát, bánh tròn (loại bánh truyền thống của đồng bào) và chuẩn bị các hương liệu, sản vật từ rừng để làm các món ẩm thực rất đa dạng, phong phú như thịt, cá đun ống nứa, cháo thập cẩm, cơm lam, lạp bò... với hương vị rất đặc biệt, riêng có.

Để tái hiện lại không gian văn hoá này, đồng bào cùng nhau dàn dựng, mô phỏng lại toàn bộ cảnh quang bản làng người Tà Ôi trước đây, tái hiện lại các hoạt động văn hoá phi vật thể, các sinh hoạt, lao động sản xuất… Thông qua đó, bổ sung các nhóm hiện vật và hệ thống hoá vào danh sách bảo tồn của cộng đồng. Đồng thời, các làng thống kê, xây dựng các nhóm nghề truyền thống, lập các tổ nghề tự quản để vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống, tăng thêm thu nhập.

Già Quỳnh Hầu, làng Tà Roi bày tỏ: “Rất mong các hoạt động này, không gian này được bảo tồn và phát huy nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá của đồng bào Tà ôi cho các đời sau…”. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng: “A Lưới là nơi hội tụ những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em Pa Cô – Tà Ôi – Ka Tu – Pa Hy – Vân Kiều và Kinh, tạo cho mảnh đất này những giá trị lịch sử văn hóa quý báu, phong phú và đa dạng. Sau những hoạt động này, địa phương sẽ tiếp tục phát huy tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn để phục vụ du khách…”.

A Lưới được xác định là cụm du lịch thứ 3 của tỉnh được đưa vào danh mục dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng số vốn 25 triệu USD (thực hiện từ nay đến năm 2020). Hiện tại, A Lưới đang tích cực phối hợp cùng BQL Dự án du lịch Mê Kông tỉnh đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng tại các xã Hồng Kim, A Roàng và Nhâm; đồng thời, địa phương tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ cho các thành phần kinh tế phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn

 

Một số hình ảnh tại ngày hội văn hoá dân tộc Tà Ôi và các dân tộc xã A Ngo lần I nhân dịp lễ 2/9 năm nay:

Các già làng tiến hành nghi lễ truyền thống được lưu giữ từ ngàn đời

Tái hiện đời sống sinh hoạt gia đình của các dòng họ trong công đồng dân tộc Tà Ôi

Nghề dệt Zeèng ở A Lưới xuất phát từ đồng bào dân tộc Tà Ôi

Tìm hiểu đặc trưng văn hóa của dân tộc Tà Ôi

Du khách thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tà Ôi tại nhà Rông

Theo http://baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.484.248
Truy câp hiện tại 100.367