Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới tăng cường công tác sưu tầm hiện vật lịch sử cách mạng
Ngày cập nhật 25/07/2014
Ghế ngồi máy bay của Mỹ

Cùng với các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… du lịch lịch sử cũng là một thế mạnh của huyện A Lưới trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. 

A Biah là tên một quả đồi không lớn trên dãy Trường Sơn thuộc địa phận xã Hồng Bắc, huyện A Lưới cách trung tâm thị trấn khoảng 5km theo hướng Tây Bắc, cách thành phố Huế khoảng 75km về hướng Tây. Tại địa danh này, tháng 5 năm 1969, sau thất bại nhục nhã trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới là một trọng điểm. Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân gồm lực lượng 13 tiểu đoàn (trong đó có 8 tiểu đoàn Mỹ, 5 tiểu đoàn ngụy) kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ, mưu đồ hòng đẩy cơ quan Bộ Chỉ huy, bộ đội ta ra sát biên giới Việt - Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Biết trước âm mưu của địch với quyết tâm tiêu diệt quân thù ngay từ đầu, trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 đã phối hợp nhịp nhàng cùng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích miền Tây đã tổ chức chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 1500 tên, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, Tướng hai sao Mô - Đi - Sơn bị thương nặng. Chiến thắng A Bia là nguồn cổ vũ lớn cho quân và dân ta, làm kinh hoàng, chấn động dư luận nước Mỹ, đồi A Bia như báo chí phương Tây phản ánh đó là tử địa, đồi thịt băm, nỗi khiếp sợ của binh lính Mỹ.

Đồi A Bia còn có tên gọi khác là Đồi Thịt Băm. Trận Đồi Thịt Băm là tên gọi của trận chiến giữa Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) với Quân đội Mỹ từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969 ở Thừa Thiên (nay thuộc Thừa Thiên-Huế). Trận chiến nổ ra khi Hoa Kỳ tập trung lực lượng gần 2.000 quân dưới sự yểm trợ mạnh của hỏa lực phi pháo để đánh chiếm quả đồi (núi A Bia, phía Mỹ gọi là Cao điểm 937) do 2 tiểu đoàn QĐNDVN chiếm giữ. Trận đánh diễn ra chủ yếu bằng bộ binh: quân Mỹ leo lên đồi cao tấn công đối phương. Các đơn vị QĐNDVN cũng ra sức cố thủ dựa vào địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt. Dù được yểm trợ mạnh bởi pháo binh và không quân, các cuộc tấn công của Mỹ đã nhiều lần bị đẩy lùi bởi sự phòng ngự có hiệu quả của phía QĐNDVN. Ngọn đồi này sau trận đánh đã được lính Mỹ gọi là "Đồi Thịt Băm" - Hamburger Hill, như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ. Theo Samuel Zaffiri, tác giả của cuốn Hamburger Hill, quân Mỹ đã chiếm được ngọn đồi sau 10 ngày chiến đấu với số thương vong lên tới 72 người chết và 372 bị thương và lại phải bỏ vị trí này một tháng sau đó (Theo http://vi.wikipedia.org).

Hiện nay, UBND huyện đang tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật lịch sử về trận đánh đồi A Biah năm 1969 để du khách mỗi lần đến nơi này sẽ có thêm cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về trận đánh thảm khốc năm xưa

Ngay từ giữa tháng 6/2014 Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với UBND xã Hồng Bắc tiến hành kiểm tra, khảo sát diện tích đất tại hai bên đường lên điểm du lịch đồi A Biah để trồng rừng cảnh quan và bảo vệ rừng nguyên sinh. Vận động nhân dân phục chế lại những loại vũ khí thô sơ của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới như Tâm bóc, Tu ho, A Choh, Prung…các loại bẫy bắt thú rừng: Kaal lo, Siing, Viet, Kar nooiq…bố trí hai bên đường lên đồi A Biah để giới thiệu cho du khách. Với những loại vũ khí thô sơ này và ý chí kiên cường cách mạng, quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng vận động nhân dân xã Hồng Bắc hiến tặng hiện vật lịch sử cách mạng

Bên cạnh đó, UBND huyện đã vận động nhân dân đóng góp, hiến tặng các sản phẩm văn hóa vật thể, các hiện vật lịch sử trong trận đánh tại đồi A Biah của đồng bào các DTTS sưu tầm được để trưng bày tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số và tại nhà chờ đường lên đồi A Biah. Những hiện vật này được nhân dân xã lưu giữ qua nhiều thế hệ. Một số bà con dự định sẽ bán lại hiện vật với giá từ 500.000 đến 1000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo UBND huyện về tận địa phương, gặp gỡ bà con để vận động hiến tặng. Bà con đã đồng ý hiến tặng tất cả các hiện vật sưu tầm được cho huyện để UBND huyện lưu giữ và trưng bày.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin, hiện nay, đoàn khảo sát của huyện đã sưu tầm được khá nhiều hiện vật có giá trị từ nhân dân liên quan đến chiến dịch Đồi A Biah như: Ống pháo sáng, Ki gô, Bi đông, Hộp tiếp đạn, Hộp điện thoại 15W, Ống đạn Rocket, Xẻng, Cuốc, Cu Vơ, Vỏ bon tấn còn nguyên màu sơn, Thép gai, Bom bi, Đầu bom cối, Vỏ bom tạ, Vỏ cánh máy bay, Nắp cửa máy bay, Đầu pháo, Thang trực thăng, Mìn sáng, Gùi, Ka Ria, A Đêng, A Nốc bắt cá, Ty let, ghế máy bay Mỹ….

Thời gian tới đây, việc tổ chức sưu tầm hiện vật sẽ tiếp tục được huyện A Lưới đẩy mạnh thực hiện không chỉ ở điểm di tích lịch sử A Biah mà còn ở tất cả các điểm di tích lịch sử trên địa bàn. Những hiện vật này sẽ là biểu tượng minh chứng cho tinh thần đấu tranh, lòng yêu nước nồng nàn, quả cảm của các thế hệ đồng bào dân tộc trước đây.

Một số hình ảnh về hiện vật lịch sử đã được sưu tầm:

Đầu đạn E Tê

Đồ đựng thức ăn của Mỹ

Ghế ngồi máy bay của Mỹ

Mũ của lĩnh Mỹ có nhiều dấu đạn bắn

Hà Thiên
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.512.837
Truy câp hiện tại 124.624