Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tình hình hoạt động của các Nhà văn hóa trên địa bàn huyện A Lưới
Ngày cập nhật 01/10/2018

Cùng với nhịp độ phát triển của nền kinh tế, trong những năm qua các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện A Lưới được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư cùng với việc phát huy nội lực nhân dân đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay trên địa bàn toàn huyện có 01 Nhà văn hóa Huyện, 6/21 xã, thị trấn có Nhà văn hóa xã, chiếm 28,57% đó là xã: Hương Phong, Sơn Thủy, Nhâm, Hồng Thái, Hồng Bắc, Đông Sơn. (Riêng nhà Văn hóa xã Hương Phong trước đây là nhà văn hóa của Làng thanh niên lập nghiệp bàn giao cho xã và được đầu tư, sửa chữa năm 2016). Đối với xã Bắc Sơn hội trường của UBND xã mới được đầu tư xây dựng khang trang và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất với 200 ghế ngồi. Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố (Nhà sinh hoạt cộng đồng) có 110/110 làng, thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. Trong đó nhà văn hóa thôn là 103 nhà và Nhà văn hóa của Tổ dân phố là 07 nhà. 

Nhà văn hóa là nơi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn. Nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác ở địa phương.

Xác định vai trò của Nhà văn hoá trong xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện, thời gian qua việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hoá được các cấp chính quyền và chính người dân quan tâm thực hiện. Các Nhà văn hóa mới ở các xã, thôn, tổ dân phố được xây dựng khang trang sạch đẹp, trang bị khá đầy đủ bàn ghế, âm, thanh, loa, phông màn…bảo đảm cho việc hội họp và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ của nhân dân. Nhờ có Nhà văn hóa nên việc tổ chức họp dân triển khai các công việc cộng đồng; tổ chức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của các đoàn thể; việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều diễn ra thuận lợi. Qua thực tế đó, minh chứng cho vai trò không thể thiếu của Nhà văn hóa đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là người dân ở các xã, thôn còn khó khắn trên địa bàn huyện ngày càng được khẳng định và phát huy.

Nhà Văn hóa Trung tâm huyện

Mặc dù toàn huyện đã có 06/21 xã, thị trấn có Nhà văn hóa nhưng số lượng Nhà văn hóa xã này vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, thể dục – thể thao, hội họp của người dân. 110/110 làng, thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, đạt 100%. Nhìn chung nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn huyện đáp ứng yêu cầu về diện tích theo Quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định diện tích của Nhà văn hóa thôn đối với khu vực miền núi là 200m2 trở lên) nhưng đa phần các Nhà văn hóa này cơ sở vật chất cơ sở vật chất bên trong như: bàn ghế, âm thanh … hầu như không có, nếu có thì cũng đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Một số nhà văn hóa thôn do xây dựng lâu năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư, xây dựng mới.

Mặc dù Nhà văn hóa giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ và các tầng lớp nhân dân nhưng nhìn vào thực trạng hoạt động trong nhiều năm qua tại các thôn có Nhà văn hóa, cho thấy không ít bất cập và khoảng trống trong việc phát huy hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa ở thôn. Bên cạnh những Nhà văn hoá thôn đã xuống cấp, chắp vá thì vẫn còn một số Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố mới được xây khang trang nhưng tần suất sử dụng thấp, hiệu quả sử dụng không cao, dùng chủ yếu để hội họp dẫn đến việc một năm chỉ có vài lần sinh hoạt, còn lại thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Đội ngũ cán bộ phụ trách Nhà văn hóa không có, thường là trưởng thôn làm kiêm nhiệm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác, vận hành, phát huy chức năng của các Nhà văn hoá thôn.

Nhà SHCĐ thôn Pất Đụt, xã Hồng Quảng

Những năm qua, không thể phủ nhận vai trò tích cực của Nhà văn hóa trong các việc tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao;phong trào xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hoá, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương phát triển. Nhưng để phát huy hiệu quả sử dụng, không để lãng phí các công trình đã đầu tư xây dựng và đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, nhi đồng cần Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, thể thao và du lịch chào mừng các ngày lễ lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn về phát triển đẩy mạnh, phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, văn nghệ dân gian nhằm phục vụ kịp thời, sâu rộng tận các bản, làng vùng sâu, vùng xa trong các dịp lễ, tết, ngày lễ trọng đại của quê hương đất nước, thúc đẩy và  nhân rộng việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Phát triển sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn huyện. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” duy trì và phát triển thường xuyên các môn thể thao truyền thống của các dân tộc thiểu số ở huyện nhà.

Phan Thị Thu Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.469.265
Truy câp hiện tại 87.823