Tại buổi Lễ, đồng chí Lê Thanh Nam - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, nhấn mạnh: xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, thế và lực của cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên, Tỉnh ủy quyết định xây dựng miền núi Thừa Thiên thành căn cứ địa cách mạng, phát huy địa bàn miền núi để củng cố và phát triển phong trào cách mạng toàn tỉnh. Nhưng ở miền núi lúc này, nhằm trực tiếp đánh phá và ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam, đồng thời để bảo vệ miền Nam, trước sự tiến công của Quân giải phóng, Mỹ ngụy tiến hành xây dựng đồn bốt công sự kiên cố đóng quân ở A Lưới, A Năm, A Co, A So ….. khắp thung lũng A Lưới để kìm kẹp đồng bào các dân tộc A Lưới, tách đồng bào ra khỏi cán bộ cách mạng nằm vùng. Chúng bắt dân làm đường, chặt cây làm đồn, chúng tiến hành dụ dỗ, mua chuộc đồng bào làm tay sai cho chúng để tố cáo cán bộ cách mạng, nếu ai không nghe lời chúng khủng bố tra tấn dã man, đã gây ra bao nỗi oán thán trong đồng bào các dân tộc A Lưới. Xuất phát từ yêu cầu đó, Đảng ủy đã chọn làng A Đeeng Pâr Ruung làm địa điểm tổ chức Hội nghị trưng cầu dân ý, bàn việc chống Mỹ cứu nước của các dân tộc toàn miền Tây Thừa Thiên. Bởi vì do vị trí địa lý nằm sát biên giới Việt - Lào, giáp với Quảng Trị… cách xa vị trí của địch, cộng với truyền thống yêu nước của làng A Đeeng từ trong kháng chiến chống Pháp dù bị nhiều lần đốt làng nhưng không bao giờ khuất phục. Sau một thời gian chuẩn bị, Hội nghị được tổ chức vào tháng 7/1958, diễn ra trong thời gian 7 ngày, thành phần đại biểu tham dự gồm 150 già làng, trưởng bản các dân tộc miền núi Thừa Thiên. Hội nghị lấy chủ đề: “Thương dân yêu nước đứng lên làm cách mạng”. Sau 7 ngày thảo luận nóng bỏng, sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đã đi đến thống nhất các nội dung như: Một là, các dân tộc miền núi cam kết thực hiện lời dạy của Bác Hồ đoàn kết xóa bỏ mọi mặc cảm giữa các dân tộc anh em, thực hiện bình đẳng với các dân tộc trong nước; cùng nhau xóa bỏ hiểm nghi giữa làng này và làng khác có ảnh hưởng đến phong trào quần chúng. Hai là, một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh ác liệt làm cách mạng đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Cam kết trung thành với Đảng với Bác, thề đấu tranh sống chết với kẻ thù, kiên quyết không đầu hàng khai báo, không đi lính, không làm tay sai cho địch. Ba là, xóa bỏ các phong tục tập quán lâu đời hạc hậu có hại cho chiến đấu, cho sản xuất, đời sống nhân dân. Xóa bỏ tệ nạn ép buộc phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam, nữ, nam nữ thanh niên tự do hôn nhân và gia đình. Bốn là, toàn thể đồng bào các dân tộc từ già trẻ, gái trai không quản ngại hy sinh tập trung đánh Mỹ Diệm đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Ra sức động viên nhân tài, vật lực, sức người, sức của ủng hộ kháng chiến nhanh chóng thắng lợi. Hội nghị đã tổ chức làm lễ tuyên thề gọi là “Moot câr hot, Koat pâr nai”, thề từ đây các dân tộc miền Tây đoàn kết sống chết có nhau với Đảng với Bác Hồ “Cu cheet mâhr âmboh, Ânsoh mâr ângko”. Đồng thời Hội nghị đã trồng Cây Đa lưu niệm tại Làng A Đeeng Pâr Ruung làm dấu hiệu lời thề đoàn kết quyết tâm thực hiện 4 nội dung cam kết ở trên. Thành công của Hội nghị Diên Hồng có sự đóng góp rất lớn của nhân dân làng A Đeeng. Nhân dân đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm và vinh dự của mình để bảo vệ Hội nghị, bảo vệ đại biểu, đặc biệt chú trọng công tác phòng gian bảo mật, tự nguyện nhường nhà cửa, đóng góp lương thực thực phẩm, huy động hàng chục người làm công tác hậu cần phục vụ, liên lạc canh gác đảm bảo cho Hội nghị diễn ra an toàn. Chính từ làng A Đeeng là nơi khởi nguồn phong trào cách mạng toàn miền Tây Thừa Thiên.
Trước đó, tại tại làng A Đeeng - xã Bắc Sơn Huyện ủy đã tổ chức Lễ trồng cây Đa (I Ri), tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới diễn ra Lễ dâng hoa, dâng hương tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới đan xen với các chương trình biểu diễn, tiết mục văn nghệ chào mừng của huyện.
Ngoài ra, thời gian qua các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Hội nghị Diên Hồng được nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn đã tổ chức hưởng ứng kỷ niệm với hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức tọa đàm, gặp mặt; tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân tham gia; xây dựng băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ… thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, các thế hệ lão thành và nhân dân có công vun đắp, xây dựng quê hương.
Một số hình ảnh hoạt động