Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Huyện A Lưới với Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Ngày cập nhật 15/03/2017

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn huyện A Lưới, đến nay đã thực sự trở thành phong trào văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn huyện. Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng huyện ngày càng văn minh, sạch đẹp; làm khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương, sẵn sàng san sẻ, trợ giúp các trường hợp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống.

Trong thời gian qua, BCĐ phong trào “TDĐKXDĐSVH” huyện A Lưới đã tập trung chỉ đạo các cơ quan đơn vị, làng, thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng với 5 nội dung cơ bản là: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xoá đói giảm nghèo; Xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; Xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; Xây dựng môi trường văn hoá sạch - đẹp - an toàn; Xây dựng các thiết chế văn hoá - thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - thể thao cơ sở và 7 phong trào cụ thể như:

1. Phong trào thi đua yêu nước, biểu dương “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến

Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”. Trong thời gian qua, nhiều phong trào tiếp tục được phát động mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đoàn thể, mọi cơ quan, đơn vị. Điển hình là các phong trào thi đua: “Người tốt, việc tốt”; “Dạy tốt, học tốt”; “Thực hiện chương trình dân số gia đình trẻ em – sức khỏe”; “Lao động giỏi trên mặt trận Nông, Lâm, Ngư nghiệp”; “Rèn luyện Y đức”; “Thanh niên làm theo lời Bác”; “Thi đua quyết thắng”; “Thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy trong lực lượng Công an nhân dân”; “Phát huy truyền thống vẻ vang anh Bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong Hội Cựu chiến binh”; phong trào thi đua xây dựng người cán bộ “Trung thành, tận tụy, gương mẫu, sáng tạo” và “Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn”; thi đua “Hai giỏi trong Công nhân viên chức – Lao động”...

Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội tiêu biểu như: Bà Mai Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt may thổ cẩm thị trấn A Lưới, đưa dệt Zèng vươn tầm ra Thế giới; ông Văn Đình Quế, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thôn Quảng Vinh, xã Sơn Thủy; hộ gia đình Trần Minh Xuông, xã Hồng Hạ (phát triển kinh tế giỏi), bà Lê Thị Thủy, Nông dân lao động sản xuất kinh doanh giỏi xã Hương Lâm; hộ gia đình ông Hồ Văn A Crước, thôn A Chi, xã A Roàng phát triển cao su, chăn nuôi; hộ gia đình ông Hồ Xuân Thiêng, thôn Cơ Lênh, xã Nhâm điển hình trong giữ gìn văn hóa dân tộc (làm nỏ, sử dụng nỏ); ông Tô Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Xuân Hồng; ông Hồ Bách Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đã có nhiều cống hiến trong ngành Y tế huyện nhà; ông Nguyễn Tân, UVTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện và ông Nguyễn Quốc Cường, UVTV, Phó Chủ tịch UBND huyện đã có nhiều giải pháp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; bà Hồ Thị Bé, Giáo viên Trường Tiểu học Hồng Kim và ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo có nhiều thành tích cống hiến cho ngành Giáo dục huyện nhà...

2. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh – Gia đình văn hóa

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là một nội dung quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng làng, thôn, tổ dân phố, cơ quan đơn vị văn hóa. Ban chỉ đạo các cấp đã tập trung triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực gia đình; ban hành các văn bản về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình và đã thu được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục truyền thống, đạo đức nhân ái, tình nghĩa thủy chung của dân tộc, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng huyện nhà phát triển toàn diện, bền vững.

Đến nay, toàn huyện có 11.957/12.551 hộ gia đình đã đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95,26%. Trong đó, đã được xét công nhận danh hiệu gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa có 10.517/12.551 hộ gia đình, đạt 83,97%.

3. Phong trào xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư

Phong trào xây dựng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa là một phong trào xã hội rộng lớn, đúng ý Đảng, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Do vậy, trong những năm qua phong trào tiếp tục phát triển mạnh mẽ và thường xuyên, trở thành phong trào sôi nổi và được quần chúng nhân dân hưởng ứng thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư.

110/110 làng, thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 100%. Trong đó, có 99/110 làng, thôn, tổ dân phố đã được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 90%; có 35 làng, thôn được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn II, đạt 31,81%.

Nhiều xã có tỷ lệ 100% số làng, thôn được Ủy ban nhân dân huyện công nhận danh hiệu đạt tiêu chuẩn văn hóa như: A Ngo, Nhâm, Bắc Sơn, A Roàng, Hương Lâm, Hương Phong, Hồng Quảng, Hồng Thái.

06/21 xã, thị trấn đã đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt tỷ lệ 28,57%. Trong đó, có 02 xã đã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 9,52%.

4. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa

Xây dựng và công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị không ngừng được triển khai tốt và có hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị chú trọng xây dựng môi trường làm việc và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tích cực về nhiều mặt, chấp hành tốt nội quy, quy chế làm việc tại cơ quan, đơ vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đoàn kết nội bộ, có tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, có ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động cao.

Đến nay, có 117/132 cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn huyện đăng ký xây dựng văn hóa đạt 88,63%. Trong đó, có 82/132 cơ quan, đơn vị trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 62,12%; 39 đơn vị đã được công nhận giai đoạn II, đạt 39,54%.

Số trạm Y tế đã đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa có 14/21 đơn vị, đạt tỷ lệ 66,66%. Trong đó có 02 đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 9,52%; có 19 cơ quan UBND xã, thị trấn đã đăng ký xây dựng cơ quan xã văn hóa, đạt 90,47%, trong đó có 03 đơn vị đã được công nhận đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa, đạt 14,28%;

5. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

Đây là phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 5 năm 1995, hiện đang được tiếp tục triển khai thực hiện rộng khắp ở các khu dân cư trên địa bàn toàn huyện, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết và chương trình mục tiêu phát triển KT-XH của huyện, thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, các quy ước, hương ước của làng, thôn, tổ dân phố. Thực hiện tốt nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội và kỷ niệm ngày truyền thống … lồng ghép nội dung cuộc vận động với các phong trào về phòng chống tội phạm, ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường. 100% khu dân cư tổ chức tốt Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân.

Công tác chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách và các hộ nghèo luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong huyện quan tâm. Kịp thời thăm hỏi, động viên tinh thần và trao quà tết cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách...

Vận động quyên góp ủng hộ giúp đỡ hội viên nghèo, người tàn tật để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, các hoạt động an sinh xã hội như hiến máu nhân đạo, xây dựng quỹ nhân đạo và từ thiện ... Nổi bật là các mô hình hoạt động cụ thể, thiết thực, như: Liên đoàn Lao động huyện với Quỹ “Vì Công nhân lao động nghèo” thăm và tặng quà, hỗ trợ xây nhà cho Công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng’’,“Người có giúp ngư­­ời khó”; Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động hội viên ủng hộ xây dựng quỹ hỗ trợ gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn về nhà ở; Hội Cựu Thanh niên xung phong với phong trào “Cựu Thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế giỏi”, xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa”; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi huyện chủ động phối hợp triển khai tốt chương trình “Khơi nguồn nhân ái” vì người tàn tật và trẻ em mồ côi giai đoạn 2012-2015. Hội Nạn nhân chất độc da cam/DIOXIN với chương trình “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”…   

6. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”

Được phát động rộng khắp ở các cấp, các ngành, đến cán bộ và nhân dân tham gia tích cực, tiếp tục tạo nên không khí sôi động, vui tươi lành mạnh trên địa bàn huyện, chủ yếu tập trung vào các hoạt động như: Bóng đá, bóng chuyền; cầu lông, bóng bàn, đi bộ. Đến nay, số người tham gia tập thể dục thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 29,22%, Số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt tỷ lệ 26,44%.

- Hàng năm, phòng Văn hóa và Thông tin đã tổ chức các giải thi đấu như: Giao hữu bóng chuyền mừng Đảng, mừng Xuân; Giải bóng chuyền truyền thống của huyện; Giải Cầu lông truyền thống; Giải Bắn nỏ, cà kheo, kéo co, leo cột; Giải Bóng đá huyện A Lưới; Giải bóng bàn, …

Nhìn chung, phong trào hoạt động thể dục thể thao trong tầng lớp nhân dân đã đi vào nề nếp, trở thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu của đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Một số xã có phong trào hoạt động tốt như: Thị trấn A Lưới, Nhâm, A Ngo, A Roàng, A Đớt.

7. Phong trào học tập, lao động sáng tạo

Phong trào khuyến học được các cấp, các ngành quan tâm mở rộng. Phong trào khuyến học ở các làng văn hóa được nhân dân và các tổ chức đặc biệt quan tâm, đa số các làng văn hóa, khu dân cư trên địa bàn huyện đã xây dựng quỹ khuyến học và hoạt động có hiệu quả. Hàng năm, các phong trào được phát động mạnh mẽ, sâu rộng và sôi nổi trong từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng, không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, huy động nguồn lực trí tuệ phục vụ cho xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Qua đó, nhiều tập thể và cá nhân điển hình về học tập và lao động sáng tạo đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị biểu dương, khen thưởng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở huyện A Lưới đã thực sự đi vào chiều sâu và ngày càng được nâng cao về chất lượng, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Qua đó đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền; góp phần quan trọng làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình, mọi tổ chức xã hội, tạo nền tảng tinh thần của xã hội, tạo môi trường tốt để mỗi người được hưởng thụ giá trị văn hóa dân tộc; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

DT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.479.714
Truy câp hiện tại 96.718