Căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:
1. Thời gian tiến hành kỳ họp
Thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: "Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm".
2. Việc triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất
a) Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Chủ tịch, Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 triệu tập. Trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập. Trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã) hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) chỉ định Triệu tập viên để triệu tập và chủ toạ kỳ họp thứ nhất cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới.
b) Đối với các địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Triệu tập viên để triệu tập kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân; riêng Triệu tập viên kỳ họp Hội đồng nhân dân phường thuộc quận thì do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương chỉ định. Triệu tập viên được chỉ định thực hiện việc chủ tọa kỳ họp thứ nhất cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới..
c) Cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm a và điểm b mục này ban hành nghị quyết về việc chỉ định Triệu tập viên.
3. Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất
a) Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 hoặc người triệu tập kỳ họp (trong trường hợp khuyết Thường trực Hội đồng nhân dân khóa trước) có trách nhiệm chuẩn bị dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trình Hội đồng nhân dân khóa mới xem xét, quyết định.
Dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân cùng với quyết định triệu tập kỳ họp thứ nhất chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
b) Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, Hội đồng nhân dân có thể tiến hành phiên họp trù bị để quyết định nội dung thuộc chương trình kỳ họp và bàn một số vấn đề liên quan trước khi khai mạc kỳ họp chính thức.
c) Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tiến hành các công việc theo trình tự sau đây:
(1) Khai mạc, thông qua chương trình kỳ họp:
- Chào cờ, cử Quốc ca;
- Chủ tọa đọc diễn văn khai mạc kỳ họp;
- Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân khóa trước hoặc người triệu tập kỳ họp báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân;
- Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp của Hội đồng nhân dân.
(2) Ủy ban bầu cử cùng cấp báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 và báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.
(3) Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo trình tự quy định tại mục 5 của Hướng dẫn này.
(4) Hội đồng nhân dân nghe các báo cáo và thực hiện các nội dung khác (nếu có) nêu tại mục 6 của Hướng dẫn này.
(5) Bế mạc kỳ họp:
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới đọc diễn văn bế mạc kỳ họp;
- Chào cờ, cử Quốc ca.
4. Cách thức quyết định các vấn đề tại kỳ họp thứ nhất
a) Hội đồng nhân dân quyết định biểu quyết bằng giơ tay hoặc biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử đối với các vấn đề sau đây:
- Thông qua chương trình kỳ họp hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp;
- Thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ban dân tộc (nếu có);
- Bầu Ban kiểm phiếu;
- Thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và các nghị quyết khác (nếu có);
- Thông qua nghị quyết về việc tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2016;
- Quyết định các nội dung khác (nếu có), trừ các nội dung nêu tại điểm b mục này.
b) Hội đồng nhân dân quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với các vấn đề sau đây:
- Bầu chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Uỷ ban nhân dân; Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cùng cấp;
- Quyết định các vấn đề khác mà Hội đồng nhân dân xét thấy cần thiết phải dùng hình thức bỏ phiếu kín.
5. Việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân
a) Việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự sau đây:
(1) Bầu Ban kiểm phiếu:
Chủ tọa kỳ họp giới thiệu nhân sự để Hội đồng nhân dân bầu Ban kiểm phiếu. Ban kiểm phiếu có từ ba đến bảy thành viên gồm Trưởng ban và các ủy viên là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thành viên của Ban kiểm phiếu không đồng thời là người có tên trong danh sách để Hội đồng nhân dân bầu các chức danh thuộc thẩm quyền. Trường hợp thành viên Ban kiểm phiếu ứng cử hoặc được giới thiệu ứng cử để bầu giữ một trong các chức vụ nói trên thì Chủ tọa kỳ họp đề nghị thành viên đó rút khỏi Ban kiểm phiếu; Chủ tọa kỳ họp đề nghị Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc bầu bổ sung thành viên của Ban kiểm phiếu.
Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn thủ tục, trình tự bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả bầu các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu. Ban kiểm phiếu hết nhiệm vụ sau khi việc bầu các chức danh đã hoàn thành.
Ban kiểm phiếu xác định kết quả bầu cử của Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc sau đây:
+ Người được quá nửa số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân và được nhiều phiếu hơn thì trúng cử;
+ Trong trường hợp cùng một chức vụ mà nhiều người được số phiếu ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân bầu lại chức vụ này trong số những người được số phiếu ngang nhau. Trong số những người được bầu lại, người được số phiếu nhiều hơn là người trúng cử; nếu bầu lại mà nhiều người vẫn được số phiếu ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
(2) Bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo sự giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu và tiến hành chủ tọa kỳ họp.
(3) Bầu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới.
(4) Quyết định thành lập Ban dân tộc đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (nếu có). Việc thành lập Ban dân tộc được thực hiện theo điểm a mục 7 của Hướng dẫn này.
(5) Bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban của các Ban của Hội đồng nhân dân; Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân (đối với cấp tỉnh) trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới.
Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân (đối với cấp tỉnh) bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi Hội đồng nhân dân kết thúc việc bầu các chức danh nói trên.
Sau khi Hội đồng nhân dân kết thúc việc bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân phát biểu ý kiến trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
(6) Bầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 theo sự giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân khóa mới thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
(7) Bầu Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Uỷ ban nhân dân theo sự giới thiệu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân. Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc giới thiệu người ứng cử vào chức vụ Ủy viên Ủy ban nhân dân phải nêu rõ chức vụ tại cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân hoặc lĩnh vực công tác phụ trách mà người đó dự kiến sẽ đảm nhiệm sau khi được bầu làm Ủy viên Ủy ban nhân dân.
Sau khi Hội đồng nhân dân kết thúc việc bầu các chức danh của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Ủy ban nhân dân phát biểu ý kiến trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân khóa mới thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
Căn cứ vào kết quả bầu của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn tương ứng thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp (trừ Ủy viên phụ trách công an và Ủy viên phụ trách quân sự).
(8) Bầu Hội thẩm nhân dân của Toà án nhân dân cùng cấp (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) theo sự giới thiệu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
(Mẫu phiếu bầu cụ thể tại phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn này).
Khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh nêu ở các điểm (1), (2), (3), (5), (6) và (7) của điểm này, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân tự ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền giới thiệu thì Chủ tọa kỳ họp trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định số lượng, danh sách những người ứng cử vào chức danh đó bằng hình thức biểu quyết giơ tay hoặc biểu quyết bằng hệ thống điện tử.
b) Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử đối với chức danh nêu tại điểm a mục này, Chủ tọa kỳ họp trình Hội đồng nhân dân xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh hoặc nhóm chức danh đó.
c) Việc phê chuẩn kết quả bầu được thực hiện như sau:
(1) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu xong, kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện để phê chuẩn.
(2) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu xong, kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Thủ tướng Chính phủ để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để phê chuẩn.
(3) Hồ sơ đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân gồm:
- Tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ 2016-2021 kèm theo danh sách trích ngang người được đề nghị phê chuẩn;
- Biên bản kiểm phiếu;
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc bầu chức danh nói trên;
- Văn bản đồng ý về nhân sự để bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (cấp tỉnh, huyện, xã) của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ.
- Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-2008/BNV (ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ Nội vụ), Bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân (ban hành kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Thanh tra Chính phủ) của những người được đề nghị phê chuẩn.
(4) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, phê chuẩn; trường hợp không phê chuẩn chức danh nào thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
d) Trường hợp không bầu được các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì thực hiện như sau:
- Trường hợp Hội đồng nhân dân không bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới thì Chủ tọa kỳ họp có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Trường hợp Hội đồng nhân dân không bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa mới có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Trong quá trình thực hiện việc bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân, theo đề nghị của Chủ tọa kỳ họp, Hội đồng nhân dân có thể quyết định tạm dừng kỳ họp thứ nhất để thực hiện công tác nhân sự. Thời gian tạm dừng kỳ họp thứ nhất không quá 05 ngày làm việc.
- Trường hợp Hội đồng nhân dân không bầu đủ các chức danh còn lại của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức danh này có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh đó ngay tại kỳ họp thứ nhất hoặc tại kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân.
6. Các nội dung khác được tiến hành tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân
- Nghe Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Ban hành Nghị quyết về việc tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2016.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Hội đồng nhân dân có thể xem xét và quyết định một số vấn đề khác của địa phương nếu xét thấy cần thiết.
7. Về tổ chức của các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
a) Việc thành lập Ban dân tộc
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2011-2016 có trách nhiệm rà soát, đối chiếu tình hình, đặc điểm của địa phương với các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Nghị quyết số 1130/2016/UBTVQH13 ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nếu thấy địa phương mình đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện nói trên thì trình Hội đồng nhân dân khóa mới ở cấp mình thông qua Nghị quyết thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân.
b) Việc quyết định số lượng và phê chuẩn ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân
- Trên cơ sở số lượng các Ban, chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ban của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến số lượng thành viên, cơ cấu thành phần các Ban của Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân khóa mới xem xét, quyết định bằng hình thức nghị quyết. Mỗi Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã phải có ít nhất là năm thành viên.
- Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Hội đồng nhân dân và số lượng ủy viên của mỗi Ban, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tổng hợp, lập danh sách cụ thể ủy viên của Ban mình để Trưởng ban trình Thường trực Hội đồng nhân dân ra nghị quyết phê chuẩn danh sách ủy viên của từng Ban.
Việc lập và phê chuẩn danh sách ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân dựa trên sự phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, vị trí công tác của mỗi đại biểu, yêu cầu về số lượng, cơ cấu của từng Ban và nguyện vọng của từng đại biểu Hội đồng nhân dân.
c) Việc thành lập tổ đại biểu
Các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Căn cứ đặc điểm, yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành Nghị quyết về thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và chỉ định Tổ trưởng, Tổ phó.
8. Công tác thư ký phục vụ kỳ họp của Hội đồng nhân dân
a) Công tác thư ký phục vụ kỳ họp của Hội đồng nhân dân gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
- Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
- Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đại biểu tại cuộc họp Tổ đại biểu và phiên họp toàn thể;
- Tham mưu cho Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục tại kỳ họp;
- Giúp Chủ tọa kỳ họp cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp.
b) Trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký được quy định như sau:
- Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký phục vụ kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký phục vụ kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký phục vụ kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp xã.
9. Việc ký ban hành nghị quyết, biên bản kỳ họp và báo cáo về kết quả kỳ họp
a) Việc ký ban hành nghị quyết, biên bản kỳ họp và văn bản của Hội đồng nhân dân được thực hiện như sau:
- Các nghị quyết về việc bầu chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các nghị quyết khác (nếu có) do Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ký chứng thực.
- Tờ trình đề nghị phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 ký.
- Biên bản kỳ họp do Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Chủ tọa kỳ họp ký tên.
b) Về việc báo cáo kết quả kỳ họp:
Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn chỉnh hồ sơ kỳ họp Hội đồng nhân dân (gồm các tài liệu phát hành tại kỳ họp, nghị quyết thông qua tại kỳ họp và biên bản kỳ họp) và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ (đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) để báo cáo. Tài liệu trong hồ sơ báo cáo kết quả kỳ họp phải là văn bản chính thức./.