Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn chính quyền số, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy quản lý nhà nước trên địa bàn huyện
Ngày cập nhật 22/12/2022

Để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với chính quyền số hướng đến nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu:

1. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành thực thi công vụ. Xây dựng các kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các kế hoạch, đề án của UBND huyện: Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của huyện theo Quyết định số 2655/QĐ-UBND ngày 29/10/2021; Kế hoạch thực hiện cải cách hành chính gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh hàng năm; Chương trình chuyển đổi số huyện A Lưới được phê duyệt tại Quyết định 1185/QĐ-UBND ngày 17/6/2021. Triển khai thực hiện tốt Đề án “Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” và các ứng dụng: Thực hiện bảo hiểm xã hội số, cấp thẻ căn cước công dân, hóa đơn điện tử, xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát, vận hành cơ sở dữ liệu công dân.

- Chủ động xây dựng, hoàn thiện và phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của ngành, đơn vị, địa phương mình với mục tiêu: “4 không” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không tiền mặt) và “một có” (Dữ liệu có chuyển đổi số). Đổi mới phương thức làm việc, phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính quyền điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.

- Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và của UBND huyện, tập trung triển khai, hoàn thiện và khai thác, sử dụng có hiệu quả, đúng tiến độ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đã và đang được triển khai, gồm: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống trang thông tin điện tử; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với triển khai xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 bảo đảm các chức năng theo quy định, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. 

- Tập trung triển khai chuyển đổi số trong dịch vụ công, trước hết là áp dụng e-form (biểu mẫu điện tử), đảm bảo tối thiểu 20% thông tin của công dân, tổ chức được tự động nhập vào e-form khi nộp hồ sơ trực tuyến, làm cơ sở để hình thành, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo hướng từ phân tán đến tập trung. Có các giải pháp khuyến khích công dân, tổ chức tham gia nộp hồ sơ trực tuyến để tiết kiệm chi phí, công sức trong chuyển đổi số.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích những cách làm hay để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán không dùng tiền mặt. Phấn đấu có trên 30% hồ sơ được nộp, giải quyết ở mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên tổng số hồ sơ. Có các giải pháp khuyến khích công dân, tổ chức tham gia nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo năm sau cao hơn năm trước; phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

- Bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cho việc xây dựng Chính quyền điện tử, tạo lập dữ liệu, chuyển đổi số, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp chất lượng, dung lượng đường truyền, hạ tầng cơ sở cấp xã; đảm bảo an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện; kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ Bộ phận Một cửa và bố trí trụ sở, trang thiết bị của Bộ phận Một cửa bảo đảm sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát để bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận Một cửa phải đảm bảo về năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp để thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cho người dân doanh nghiệp; tiến tới thực hiện toàn bộ quy trình tại Bộ phận Một cửa đối với những thủ tục hành chính phổ biến và có số lượng hồ sơ phát sinh lớn.

- Thực hiện công bố thủ tục hành chính, niêm yết công khai thủ tục hành chính kịp thời theo đúng quy định. Chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính. Nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.  

- Triển khai đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận Một cửa cấp xã, bảo đảm thực chất, tránh hình thức; kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá cao trong giải quyết thủ tục hành chính và xử lý nghiêm, thay thế cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định; đề xuất chế độ chính sách, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, làm chủ các ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa.

- Tích cực tham mưu đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, đề xuất việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành... nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của huyện.

- Triển khai và ứng dụng có hiệu quả chữ ký số trong cơ quan nhà nước. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, phần mềm dùng chung của tỉnh trong các cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc trên môi trường mạng.

2. Phòng Văn hoá và Thông tin

- Tích cực triển khai chương trình truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền điện tử của huyện. Tuyên truyền, phố biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, sử dụng ứng dụng Hue-S kết hợp thanh toán không dùng tiền mặt.

- Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Trung tâm Hành chính công tham mưu, đề xuất UBND huyện đầu tư, nâng cấp và duy trì, quản lý các hệ thống thông tin dùng chung và hạ tầng công nghệ thông tin của huyện để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển Chính quyền số; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ và hoàn thiện, áp dụng hệ thống e-form đối với các loại giấy tờ phổ biến của công dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính.

3. Phòng Nội vụ

- Tham mưu UBND huyện ban hành các chương trình hành động, kế hoạch về công tác cải cách hành chính giai đoạn 2022 - 2030 và hàng năm; trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính gắn với xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

- Hoàn thiện công tác cập nhập dữ liệu hồ sơ công chức, viên chức trong toàn huyện. Ưu tiên bố trí trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tham mưu quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn trình độ, năng lực và chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức đảm nhận vị trí việc làm công nghệ thông tin, đảm bảo năng lực triển khai xây dựng Chính quyền điện tử.

4. Phòng Tài chính - Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương tham mưu UBND huyện phân bổ ngân sách xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

- Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn bố trí nguồn kinh phí bảo đảm dịch vụ bưu chính công ích, mua sắm trang thiết bị phù hợp để phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến; ưu tiên thực hiện đầu tư, nâng cấp đường truyền, máy tính, thiết bị cho các đơn vị cấp xã.

5. Văn phòng HĐND và UBND huyện

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND huyện các giải pháp, công nghệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến để đẩy mạnh số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến góp phần vào chuyển đổi số trong dịch vụ công.

- Phối hợp với Bưu điện huyện A Lưới trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm gia tăng số lượng hồ sơ giải quyết trên môi trường mạng; triển khai thí điểm mô hình thu phí, lệ phí trực tiếp, trực tuyến tại Bộ phận một cửa hiện đại cấp xã.

- Trung tâm Hành chính công huyện chủ trì rà soát tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc chức năng nhiệm vụ; theo dõi đôn đốc các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh, đảm bảo đạt chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

6. Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện, Ban biên tập trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan

Thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin để phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp biết và tham gia hưởng hứng quá trình cải cách hành chính gắn với xây dựng, phát triển Chính quyền số, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

7. Phòng Nội vụ, Phòng Văn hoá và Thông tin cùng chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền số và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ tại Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND huyện.

Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện./.

PNV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.292.170
Truy câp hiện tại 11.629