Đối tượng áp dụng gồm: các di tích được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) trên địa bàn 9 huyện, thị xã và thành phố Huế; Các cơ quan, tổ chức, địa phương được giao trực tiếp quản lý, phối hợp quản lý di tích (Danh mục 123 di tích và phân cấp quản lý di tích nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế - Phụ lục I).
Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả, tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tham gia vào công tác chống xuống cấp di tích (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế); Xây dựng kế hoạch chi tiết và phân kỳ đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo quản di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết trên cơ sở hiện trạng xuống cấp của di tích, trong đó:
Giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 66 di tích: 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 33 di tích cấp tỉnh; hoàn thành công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích;
Giai đoạn 2026 - 2030, tiến hành bảo quản, tu bổ, phục hồi cho khoảng 57 di tích: 26 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh.
Về chính sách hỗ trợ được chia thành các nhóm gồm:
a) Nhóm các di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích lịch sử cách mạng, lịch sử lưu niệm sự kiện (hoặc loại hình khác nhưng gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh); di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và có giá trị khảo cổ tiêu biểu; di tích lịch sử lưu niệm (danh nhân) cấp quốc gia và gặp khó khăn trong việc huy động xã hội hóa; di tích khảo cổ; Làng cổ Phước Tích: Hỗ trợ 100% kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với các di tích.
b) Nhóm các di tích thuộc quyền sở hữu tài sản của cộng đồng dân cư; di tích có tính chất tâm linh (di tích lịch sử ngành nghề truyền thống; di tích lịch sử, lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật là đình, chùa, đền, miếu, phủ thờ; di tích lịch sử lưu niệm (danh nhân) cấp tỉnh) và gặp khó khăn trong việc huy động xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo tổng mức đầu tư như sau:
Tổng mức đầu tư dưới 2 tỷ đồng: Hỗ trợ 50%.
Tổng mức đầu tư từ 2 tỷ đến 5 tỷ: Hỗ trợ 70%.
Tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng: Hỗ trợ 80%.
c) Nhóm các di tích thuộc quyền sở hữu tài sản của cá nhân, gia đình, dòng tộc (từ đường, nhà thờ họ) và không thuộc nhóm đối tượng di tích nêu tại mục a, mục b, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước theo tổng mức đầu tư như sau:
Tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng: Huy động 100% xã hội hóa.
Tổng mức đầu tư từ 01 tỷ đến 5 tỷ: Hỗ trợ 30%.
Tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đến 10 tỷ đồng: Hỗ trợ 50%.
Tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng: Hỗ trợ 70%.
d) Hỗ trợ nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo mức dự toán kinh phí sau khi đã cân đối trừ nguồn hỗ trợ của Trung ương và nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước (nếu có) như sau:
Hỗ trợ 100% kinh phí còn lại từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh để thực hiện các dự án chống xuống cấp di tích tại 2 địa phương miền núi, khó khăn là huyện A Lưới và huyện Nam Đông;
Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích với mức dự toán kinh phí từ 200 triệu đồng trở xuống do ngân sách cấp huyện chủ động đảm bảo; dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích với mức dự toán kinh phí trên 200 triệu đồng do ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
Riêng tại địa bàn huyện A Lưới, có 10 điểm di tích nằm trong danh mục tu bổ, tôn tạo, trong đó có 05 điểm di tích sử dụng vốn đầu tư công.
(Có phụ lục chi tiết đính kèm)