Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Giải phóng A So 11/3/1966
Ngày cập nhật 04/03/2021

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, song ký ức của những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn in đậm trong trái tim, khối óc của mỗi người dân miền Tây Thừa Thiên Huế. Đây là địa bàn có tầm chiến lược quan trọng, là nơi án ngữ hành lang phía tây, nơi trung chuyển vận tải sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam chi viện cho chiến trường; là nơi địa bàn hiểm trở, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, địch tập trung xây dựng các cụm căn cứ A So, A Co, A Lưới, đặc biệt là căn cứ A So. Chúng tập trung lực lượng gồm hơn một tiểu đoàn bộ binh, được trang bị vũ khí hiện đại, kết hợp với căn cứ A So - A Lưới tạo thành thế co cụm liên hoàn, vững chắc án ngữ hành lang giao thông của ta. Địch ra sức ngăn chặn vùng giáp ranh, rải chất độc hóa học, tập trung đánh phá miền núi, tổ chức càn quét quy mô dài ngày, bao vây phá hoại kinh tế đồng bào miền núi với âm mưu giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Quân và dân A Lưới bước vào cuộc chiến đấu mới.

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ chuyển sang giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chúng đưa quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trực tiếp thực hiện chiến tranh xâm lược ở Việt Nam.

Trong hoàn cảnh địch đánh phá ác liệt vào vùng rừng núi và đường hành lang 559 của ta. Sư đoàn 325B thuộc quân đoàn II Bộ quốc phòng được giao trực tiếp phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm A So. Tháng 12/1965 sư đoàn 325B hành quân lên đường. Từ ngã ba La Hạp (gần trụ sở chính quyền huyện Sá Muội, tỉnh Salavan, nước bạn Lào ngày nay) vào khu vực A So phải trải qua địa hình núi cao, vực sâu hiểm trở, việc tiếp tế hậu cần hết sức khó khăn. Mặt khác, địch bố trí nhiều lực lượng bộ binh đánh phá, ngăn chặn, đồng thời chúng sử dụng tối đa lực lượng xe tăng, máy bay lên thẳng đổ quân càn quét, lùng sục các cơ sở cách mạng của ta. Đặc biệt căn cứ A So đóng nơi biệt lập, rất khó cho ta về bố trí lực lượng trinh sát nắm tình hình.

Trước tình hình đó chúng ta chủ trương quân chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích trinh sát nắm chắc tình hình, xây dựng lực lượng chuẩn bị hậu cần bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi. Kế hoạch sử dụng lực lượng, triễn khai đội hình hợp đồng tác chiến: Trung đoàn 95 có nhiệm vụ tăng cường toàn bộ hỏa lực đảm nhiệm tiêu diệt cứ điểm A So, trung đoàn 101 được bố trí ở khu vực A Co, Tà Bạt sẵn sàng chi viện cho trung đoàn 95 và đánh địch đổ bộ đường không đến cứu viện cho A So và đánh địch tháo chạy về phía bắc. Trung đoàn 88 chặn đứng ở ngã ba La Hạp gần trục đường giao liên sẵn sàng đánh quân địch đổ bộ đường không. Quân chủ lực phải tạo ra “quả đấm” chính của chiến dịch. Bộ đội địa phương và dân quân, du kích các xã đánh phối hợp tạo ra 3 mũi giáp công, tạo thế bao vây cô lập địch với phương châm tác chiến là “bí mật, bất ngờ, đột phá”.

Sau gần 3 tháng chuẩn bị về lực lượng, hậu cần, kế hoạch và quyết tâm chiến đấu, đúng 05 giờ sáng ngày 10/3/1966 hỏa lực của ta đã nổ phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch. Bộ Tư lệnh mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn cối 120 ly, ĐKZ - 75 và các phân đội cối 82 - 60 ly đồng loạt tập kích hỏa lực bắn phá công sự địch, áp đảo đối phương đã làm cho tinh thần của địch hoang mang lo sợ. Đến 18 giờ 10/3/1966, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định cho trung đoàn bộ binh 95 và các đơn vị địa phương được tăng cường phối hợp, bất ngờ nổ súng tấn công trực diện chiếm lĩnh trận địa. Lần đầu tiên chúng ta tác chiến, tấn công một căn cứ điểm kiên cố, chướng ngại vật dày đặc, trước sự chống đỡ quyết liệt của địch, nhưng với tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí, các chiến sĩ sư đoàn 325B, bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên quyết đánh địch, bám trụ từng tấc đất, người này ngã, người khác đứng lên tạo điều kiện cho các phân đội thọc sâu đánh chiếm trung tâm. Không chịu được trước sức mạnh hỏa lực, tinh thần chiến đấu của Bộ đội ta, một bộ phận quân địch tháo chạy lên phía bắc hòng thoát bằng trực thăng đã bị trung đoàn 101 tiêu diệt và bắt sống. Tin vui thắng trận loan nhanh, bộ đội địa phương, dân quân du kích các quận 1, quận 3, quận 4 và các xã Hồng Hạ, Hồng Quảng, Hồng Bắc, Hương Lâm thi đua truy lùng bắt sống tù binh, giúp Bộ đội thu dọn chiến trường. Đến 10 giờ ngày 11/3/1966, ta đã tiêu diệt toàn bộ căn cứ, làm chủ trận địa, cứ điểm A So hoàn toàn được giải phóng.

Chiến thắng A So ngày 11 tháng 3 năm 1966 có ý nghĩa như phát súng lệnh khởi đầu cho việc mở rộng các tuyến hành lang từ hậu phương lớn miền Bắc để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu Nước. Với chiến thắng A So, quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế đã đập tan lá chắn mạnh nhất của địch ở phía bắc quân khu I và vùng I chiến thuật, giáng một đòn chí tử vào âm mưu chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở khu vực miền núi Trị Thiên, đẩy quân Mỹ - Ngụy vào thế cô lập, mở toang cánh cửa cho việc tiến quân vào chiến trường miền Nam. Với chiến thắng oanh liệt đó, quân dân ta có điều kiện mở rộng vùng giáp ranh, chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc tổng tiến công Mậu thân 1968 và là bước chuẩn bị cho chiến dịch đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1969, sau khi đồng bào nghe Đài tiếng nói Việt nam phát bản tin đặc biệt thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Với niềm tiếc thương vô hạn đối với vị Lãnh tụ kính yêu - Người cha già dân tộc và để ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, nhiều gia đình đã tiến hành để tang, lập bàn thờ riêng. Điều đặc biệt mang dấu ấn lịch sử sâu đậm đó là nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới đã lấy họ của Bác làm họ của chính mình. Đây là một việc làm xưa nay hiếm đối với đồng bào các dân tộc, chứng tỏ rằng sức mạnh, lòng tin của đồng bào đối với Bác là hết sức to lớn.

Chiến thắng A So đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế như một mốc son chói lọi, miền núi Trị Thiên hoàn toàn được giải phóng.

Có được thắng lợi này trước hết là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Khu uỷ Quân khu Trị Thiên, Quân uỷ và Mặt trận dân tộc giải phóng 3 quận miền núi, đã lãnh đạo nhân dân phát huy tốt tinh thần đoàn kết, ý chí tiến công cách mạng, “một tấc không đi, một ly không rời”, thà hy sinh tất cả để giành độc lập cho dân tộc. Sự kết hợp chặt chẽ, gắn bó giữa 3 thứ quân, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích là sức mạnh vô địch để làm nên chiến thắng; là bài học quí giá về sử dụng lực lượng trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Sau thất bại tại cứ điểm A So, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu chiến lược khống chế phong trào cách mạng, ngăn chặn đường mòn Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 1966 – 1972 ở vùng đất này đế quốc Mỹ đã tập trung hỏa lực không quân, đổ quân càn quét ồ ạt hàng chục tiểu đoàn bộ binh chiếm đóng các cứ điểm A Bia, Kooh Ca Va, A Noong, A Túc, A Lau … chúng đã sử dụng các phương tiện vũ khí tối tân như pháo đài bay B52, máy bay chiến đấu các loại, xe tăng, pháo binh. Chúng tập trung đánh phá suốt ngày đêm, trút xuống hàng triệu tấn bom đạn các loại, rải hàng chục triệu lít chất độc hoá học, thiêu huỷ hàng trăm ngàn hec ta rừng nguyên sinh, huỷ hoại toàn bộ sự sống của thiên nhiên, tàn phá toàn bộ cơ sở sản xuất hoa màu của đồng bào ta, hàng nghìn người chết chóc, hy sinh vì bom đạn và chất độc hoá học, trong đó có những gia đình, dòng họ của đồng bào các dân tộc ở đây đã bị xoá sổ, và hiện nay có hàng nghìn người phải chịu ảnh hưởng, bị nhiễm chất độc đi-ô xin.

Tội ác của đế quốc Mỹ là vậy, song đồng bào các dân tộc A Lưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù có đốt cháy cả dãy trường sơn chúng ta cũng quyết dành cho được độc lập”; “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, không có gì quí hơn độc lập tự do”. Đồng bào các dân tộc A Lưới cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đoàn kết quân dân như cá với nước, quyết tâm đánh giặc cứu nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, thực hiện khẩu hiệu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tiêu biểu như nữ anh hùng Kăn Lịch, Kăn Đơm, Kăn Tréec…

Kế thừa và phát huy chiến thắng lịch sử A So, quân và dân miền Tây Thừa Thiên Huế đã dồn sức người, sức của cùng với cả tỉnh, cả nước tham gia tổng tấn công nỗi dậy Mậu Thân 1968 và chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.503.243
Truy câp hiện tại 116.437