Những năm qua, Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020” (Đề án) được triển khai thực hiện đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới, tạo điều kiện thuận lợi đểphát triển văn hóa, du lịch công đồng. Các lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống được bảo vệ, tôn tạo và phát huy...
Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu và hợp tác về văn hóa được mở rộng, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn huyện.
Qua 06 năm triển khai thực hiện Đề án, đã khôi phục được 15 nhà Roong Tà Ôi, 3 nhà Gươl Cơ Tu, 01 Târ đah Pa Cô. Xây dựng 05 nhà Văn hóa xã tại các xã Hồng Bắc, A Ngo, Phú Vinh, Trung Sơn và Lâm Đớt; mở 03 lớp điêu khắc; 02 lớp sửa chữa nhạc cụ; 04 lớp đan lát thủ công mỹ nghệ...thu hút trên 100 học viên và nghệ nhân truyền dạy tham gia; Mở 12 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ thu hút được trên 200 học viên tham giavà trên 57 nghệ nhân truyền dạy. Thành lập trên 60 đội văn nghệ dân gian của các làng văn hóa. Chuyển thể các bài hát từ lời Việt sang lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, từ lời Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sang lời Việt. Thực hiện thành công Đề tài “Dịch chuyển lời 20 ca khúc viết về Đảng, Bác Hồ và ca ngợi quê hương A Lưới” nhằm phát huy truyền thống văn hóa, cốt cách đồng bào các dân tộc, đưa văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội;
Trong quá trình thực hiện Đề án, đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và phát triển du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các làng du lịch cộng đồng ở A Hươr – Pa E (xã Quảng Nhâm), A Ka1 (xã A Roàng), A Nôr (xã Hồng Kim), các nhà hàng và tại một số điểm du lịch sinh thái như: Suối A Lin, Thác A Nôr, suối Pâr le ... Các hoạt động du lịch khởi sắc, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm của du khách, đã từng bước nâng tầm vị thế du lịch của huyện. Dịch vụ du lịch, lưu trú từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trong và ngoài huyện, đồng thời đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện hiện có 13 điểm du lịch và 04 nhà nghỉ, khách sạn (với 100 buồng phòng, 200 giường), 07 homestay, 03 Làng văn hóa du lịch cộng đồng và 11 nhà hàng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch .... Các điểm du lịch sinh thái Parle, A Nôr, làng du lịch cộng đồng tại xã A Roàng, Hồng Hạ, Hồng Kim ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch. Công tác hỗ trợ xúc tiến quảng bá du lịch A Lưới ngày càng phát triển, thu hút đông du khách đến tham quan. Xác định du lịch phát triển sẽ góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn, duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người A Lưới. Vừa qua, huyện đã xây dựng nhiều phương án hỗ trợ phát triển cácHomestay tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng và một số hộ gia đình tại xã Hồng Kim, Hồng Hạ, A Roàng và Quảng Nhâm nhằm phát huy tiềm năng du lịch đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương… Ngày càng nhiều chương trình du lịch gắn với văn hóa người bản địa thu hút sự quan tâm của du khách. Sản phẩm du lịch truyền thống độc đáo mang đậm đà bản sắc vùng cao.
Trong quá trình thực hiện Đề án đã tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống như: Lễ hội A Da, A Riêu Car, tục Đi Sim, tục sinh hoạt dân gian dưới nước; các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ; các trò chơi dân gian; các loại dược liệu quý dùng để xông răng, gội đầu; ẩm thực... của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịchtại các làng du lịch cộng đồng, các homestay, điểm du lịch sinh thái....
Trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục xây dựng Đề án "“Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số" giai đoạn 2021 - 2025 trên cơ sở đạt được, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể. Tiếp tục xây dựng và phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Nhân dịp này, UBND huyện đã tặng giấy khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.