A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế giáp với nước bạn Lào. Nơi đây không những nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng gan góc, quật cường, mà còn ghi dấu ấn với tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Những người "giữ lửa" cho đồng bào có niềm tin son sắt vào Ðảng, Bác Hồ chính là các già làng, trưởng bản.
Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Lịch - người vinh dự được 7 lần gặp Bác Hồ, là con em của đồng bào Pa Cô sống tại miền Tây Thừa Thiên Huế. Trong những năm 1965 – 1968, bà đã chỉ huy đại đội nữ dân quân đồng bào dân tộc đánh trả nhiều trận càn ác liệt của Mỹ ngụy để bảo vệ bản làng và vùng hành lang đường mòn Hồ Chí Minh tại A Lưới. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1967, Bộ Tư lệnh chiến trường đã quyết định chuyển bà ra miền Bắc để chữa bệnh. Trong thời gian điều trị, nghỉ dưỡng tại Hà Nội, bà được các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt được Bác Hồ đến thăm hỏi động viên và tặng quà. Bà nhiều lần được Bác Hồ cho đón đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác căn dặn: “Làm được anh hùng đã khó, song giữ được nó khó hơn. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy vai trò của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn mà dừng tại chỗ... Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn” Ngày 10/8/1968, bà Kăn Lịch vào thăm Bác và xin được trở về quê hương để chiến đấu, Bác Hồ đã dặn dò, động viên và theo ước nguyện thiết tha của bà là luôn được nghe tiếng nói của Bác, Bác Hồ vô cùng xúc động và đã tặng cho Bà Kăn Lịch chiếc radio mà Bác vẫn dùng hàng ngày để nghe tin tức trong nước và thế giới. Đồng thời Bác căn dặn phải dùng chiếc đài để tuyên truyền vận động bà con đồng bào ra sức đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và hăng hái chiến đấu giải phóng và bảo vệ quê hương. Chiếc radio này được bà trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và hiện đang được trưng bày tại đây.
Già làng Hồ Hoài Nam (dân tộc Cơ Tu) xã Hồng Hạ vừa được công nhận là Nghệ nhân ưu tú cho biết: "Hồi đó, chúng tôi chưa hề được nhìn thấy Bác Hồ dù chỉ qua hình ảnh, nhưng biết Bác là lãnh tụ vĩ đại. Bác Hồ rất thương đồng bào A Lưới. Đồng bào mình sống khổ lắm, toàn ăn củ mài, củ mì thay cơm; không có muối ăn nên phải đốt cỏ tranh ăn thay muối, không có rìu rựa phát rẫy, không có thuốc chữa bệnh, không biết chữ... Lãnh tụ Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc, vẫn trăn trở bằng mọi cách không để đồng bào phải thiếu, đói. Muối, vải, dụng cụ lao động, thuốc kháng sinh từ miền Bắc đã vượt Trường Sơn trong bom đạn, thậm chí phải "đi vòng" qua nước bạn Lào để chuyển đến đồng bào A Lưới". Ký ức của một người đã từng đi qua bao thăng trầm của cuộc đời ấy vẫn không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt và tình yêu vô bờ bến của Bác Hồ dành cho dân, cho nước.
Cũng theo già làng Hồ Hoài Nam, từ thời kháng chiến chống Pháp, tấm lòng của Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí nhân dân các dân tộc A Lưới. Muối Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ là hạt muối, hạt gạo nghĩa tình và Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh đẹp, gần gũi và thân thương. Chính vì vậy, trong ngày tổ chức lễ truy điệu Bác, cán bộ và nhân dân các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Tà Ôi… ở A Lưới đã tự nguyện mang họ Bác Hồ như một lòng thành kính sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Làm theo lời Bác dạy, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới đã nguyện một lòng đi theo cách mạng, không tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Nhiều gia đình cả vợ, chồng và các con đều tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến đánh Mỹ. Đồng bào A Lưới nguyện sống và làm theo lời Bác dạy, trong nhà đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới đều có bàn thờ Bác Hồ. Mỗi năm, các gia đình vẫn tổ chức cúng Bác như thờ cúng cha mẹ, tổ tiên mình. Hiện nay, ở các bản làng trên quê hương A Lưới, các thế hệ cháu con vẫn được người già nhắc nhở về công ơn trời biển của Bác với đất nước, non sông.
Trong tim mỗi người dân A Lưới vẫn hằn in tâm nguyện của Bác là làm cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Thấm sâu lời Bác dạy, người già, người trẻ ở A Lưới đang ra sức phấn đấu, học tập, lao động để xây dựng cuộc sống ấm no. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới, Người được coi là hiện thân của cơm no, áo ấm, của độc lập tự do. Với tư chất, cốt cách và đạo đức của Người, cách đây 50 năm, đồng bào các dân tộc ở miền núi Thừa Thiên Huế đã tự nguyện mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của chính mình. Thể hiện niềm tin mãnh liệt, lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, một nét văn hóa độc đáo riêng có của đồng bào các dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế, cũng là một nét đặc thù trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Tình cảm ấy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là cả quá trình cảm hóa kỳ diệu giữa lãnh tụ với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nó bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc, tình cảm thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các dân tộc gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau 50 năm đã đi qua, kể từ khi làm lễ mang họ Bác Hồ, dưới sự lãnh đạo của khu ủy Trị - Thiên trong những năm tháng chiến tranh và Đảng bộ huyện A Lưới sau ngày thành lập huyện (ngày 03/3/1976) đến nay; những người con mang họ Bác Hồ luôn phát huy tinh thần cách mạng, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương A Lưới ngày càng phát triển, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy truyền thống của huyện Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dâncác dân tộc huyện A Lưới, quyết tâm đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Kinh tế tăng trưởng ổn định kéo theo tốc độ đầu tư tăng nhanh, huyện đã tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, chỉnh trang thị trấn và các vùng phụ cận, mở rộng đô thị theo tiêu chí đô thị loại 4 của tỉnh. Đảng bộ huyện A Lưới nguyện đoàn kết, phát huy truyền thống của mảnh đất anh hùng, tiếp tục ra sức thi đua xây dựng quê hương A Lưới phát triển vững về kinh tế, giàu về bản sắc văn hóa, ổn định về chính trị, mạnh về quốc phòng an ninh.
Phát huy tinh thần đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm; trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp huyện A Lưới tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở; xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; tranh thủ và huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.
Sau 50 năm nhưng tấm lòng thủy chung, son sắt của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới mang họ Hồ, luôn ơn Đảng, ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi không bao giờ cạn; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc huyện A Lưới luôn nguyện một lòng vượt qua khó khăn, thách thức phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ cha ông đi trước, lớp con cháu sau này luôn hăng say lao động, chăn nuôi, sản xuất... vươn lên trong cuộc sống; xứng với danh hiệu “Người Pa Cô con cháu Bác Hồ”.