Niềm thương tiếc khôn nguôi
Đến với A Lưới, chúng tôi được giao lưu với các già làng, trưởng bản đến từ huyện A Lưới. Họ đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc của mình khi được mang họ Hồ và tình cảm kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già của dân tộc.
A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế giáp với nước bạn Lào. Nơi đây không những nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng gan góc, quật cường, mà còn ghi dấu ấn với tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Những người "giữ lửa" cho đồng bào có niềm tin son sắt vào Ðảng, Bác Hồ chính là các già làng, trưởng bản.
Già làng Hồ Hoài Nam (dân tộc Cơ Tu) đến từ xã Hồng Hạ, huyện A Lưới cho biết: "Hồi đó, chúng tôi chưa hề được nhìn thấy Bác Hồ dù chỉ qua hình ảnh, nhưng biết Bác là lãnh tụ vĩ đại. Bác Hồ rất thương đồng bào A Lưới. Đồng bào mình sống khổ lắm, toàn ăn củ mài, củ mì thay cơm; không có muối ăn nên phải đốt cỏ tranh ăn thay muối, không có rìu rựa phát rẫy, không có thuốc chữa bệnh, không biết chữ... Lãnh tụ Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc, vẫn trăn trở bằng mọi cách không để đồng bào phải thiếu, đói. Muối, vải, dụng cụ lao động, thuốc kháng sinh từ miền Bắc đã vượt Trường Sơn trong bom đạn, thậm chí phải "đi vòng" qua nước bạn Lào để chuyển đến đồng bào A Lưới". Ký ức của một người đã từng đi qua bao thăng trầm của cuộc đời ấy vẫn không bao giờ quên những năm tháng chiến tranh ác liệt và tình yêu vô bờ bến của Bác Hồ dành cho dân, cho nước.
Cũng theo già làng Hồ Hoài Nam, từ thời kháng chiến chống Pháp, tấm lòng của Bác Hồ đã in đậm trong tâm trí nhân dân các dân tộc A Lưới. Muối Cụ Hồ, gạo Cụ Hồ là hạt muối, hạt gạo nghĩa tình và Bộ đội Cụ Hồ là hình ảnh đẹp, gần gũi và thân thương. Chính vì vậy, trong ngày tổ chức lễ truy điệu Bác, cán bộ và nhân dân các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Pa Hy, Tà Ôi… ở A Lưới đã tự nguyện mang họ Bác Hồ như một lòng thành kính sâu sắc đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Làm theo lời Bác dạy, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới đã nguyện một lòng đi theo cách mạng, không tiếc xương máu, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Nhiều gia đình cả vợ, chồng và các con đều tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí ra tiền tuyến đánh Mỹ.
Thực tế, việc đồng bào tự nguyện mang họ Hồ đã vượt qua khuôn khổ luật tục của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Bởi khi thay tên, đổi họ, các gia đình phải làm lễ cúng Giàng và khi Giàng đồng ý mới được phép. Luật tục bao đời ấy đã ăn sâu vào máu thịt đồng bào, nhưng khi Bác qua đời, bà con không sợ Giàng bắt tội, mà tất cả một lòng nguyện đổi họ theo Bác với lòng tôn kính sâu sắc.
Đối với già làng Hồ Văn Rài, ngày 3-9-1969 là một ký ức không thể nào quên khi ông và bà con A Lưới lặng người khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Bà con rất buồn, vì thương nhớ Bác. Bà con đã tổ chức lễ truy điệu Bác trong 7 ngày và tình nguyện đổi họ của mình sang họ Hồ.
Trong dòng hồi tưởng, già làng Hồ Văn Rài xúc động: "Tôi đi làm cách mạng từ nhỏ. Khi lớn lên, toàn bộ tình cảm tôi dành cho Đảng, Bác Hồ. Đến khi Bác mất, tôi thấy như mất một người cha, người ông. Không có gì để bù đắp công ơn trời biển của Bác thì tôi đã lấy họ Hồ đặt họ cho mình. Tôi làm cách mạng, các con, các cháu tôi đều làm cách mạng, truyền thống cách mạng của gia đình nên tất cả mang họ Bác Hồ".
Nguyện sống và làm theo lời Bác dạy
Nghệ nhân ưu tú nghề dệt Dèng Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới luôn tự hào khi được mang họ Hồ. Bà cho biết, trong nhà đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới đều có bàn thờ Bác Hồ. Mỗi năm, các gia đình vẫn tổ chức cúng Bác như thờ cúng cha mẹ, tổ tiên mình. Hiện nay, ở các bản làng trên quê hương A Lưới, các thế hệ cháu con vẫn được người già nhắc nhở về công ơn trời biển của Bác với đất nước, non sông.
Trong tim mỗi người dân A Lưới vẫn hằn in “điều ham muốn tột bậc” của Bác là làm cho nước nhà độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Thấm sâu lời Bác dạy, người già, người trẻ ở A Lưới đang ra sức phấn đấu, học tập, lao động để xây dựng cuộc sống ấm no. Riêng với nghệ nhân Hồ Thị Hợp thì đang gắng sức lo tạo việc làm, giúp bà con, đặc biệt là các phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định từ nghề dệt Dèng truyền thống. Bà đã không tiếc công sức băng rừng, lội suối đến từng nhà, vận động từng phụ nữ tham gia khôi phục nghề dệt zèng trước nguy cơ mai một. Bà cũng đầu tư tiền bạc, công sức sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, họa tiết mới rồi hướng dẫn chị em làm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Cùng với sự nỗ lực của bà Hồ Thị Hợp, Dèng Tà Ôi đã xuất hiện trên các sân khấu thời trang trong và ngoài nước, tham gia các Festival nghề truyền thống, có mặt trên thị trường may mặc hiện nay, được nhiều nước ở châu Âu, châu Á, đặc biệt là Nhật Bản ưa thích. Cũng nhờ đó mà cuộc sống của bà con dân tộc Tà Ôi ở A Lưới đang đổi thay từng ngày.
Theo bienphong.com.vn