Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bác Hồ gửi thư nhân ngày khai trường
Ngày cập nhật 04/09/2011

Hằng năm cứ đến ngày khai giảng năm học mới, nhiều thế hệ thầy cô giáo, học sinh chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ. Vì Người đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một di sản tinh thần to lớn và vô giá, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trong vốn quý di sản tinh thần ấy, có tình cảm đặc biệt của Bác dành cho ngành giáo dục và sự thấm thía đến ngỡ ngàng về những tư tưởng lớn, những quan điểm cốt lõi, đậm chất phương Đông nhưng hiện đại của Người về giáo dục con người. Khi nhìn nhận về vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách con người, Bác Hồ khẳng định: Con người sinh ra vốn sẵn tính thiện về sau trở thành người tốt hay người xấu, thiện hay ác phần lớn là do được giáo dục tốt hay không tốt.

Câu thơ Bác viết: “Thiện,ác nguyên lai vô định tính

                             Đa do giáo dục đích nguyên nhân”

Nghĩa là:

“Hiền dữ đâu phải là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên”

(Nam Trân dịch)

Bác lại nói thêm:“Óc những người trẻ tuổi sạch như tờ giấy trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy, sự học trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên”. Một năm học mới lại về, chúng ta cùng nhau suy ngẫm những lời căn dặn của Bác đối với đội ngũ giáo giới, học sinh và nền giáo dục nước nhà. Một mảng lớn của những lời căn dặn và trăn trở đó của Bác đối với ngành giáo dục lại được tập trung trong những bức thư Bác gửi cho giáo viên, học sinh, sinh viên nhân dịp khai trường.

Như chúng ta đã biết, cho dù bận trăm công nghìn việc nhưng lúc nào Bác Hồ của chúng ta vẫn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Trước năm 1945, khi cả dân tộc ta đang đắm chìm trong nô lệ, mặc dù bôn ba ở hải ngoại nhưng Bác vẫn nắm chắc được thực trạng đen tối của giáo dục nước nhà, đó là: nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người,…10 trường học thì có 1500 đại lý rượu, hoặc:“Dân chúng đang đòi hỏi phải có trường học, mà hiện nay trường học đang thiếu một cách tệ hại. Mỗi năm, cứ đến ngày khai trường các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường. Và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đày vào cảnh ngu dốt chỉ vì không có đủ trường sở cho chúng đi học”([1]).

Ngày 02.09.1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, đã đánh dấu một bước phát triển mới của dân tộc Việt Nam. Sau khi độc lập được khẳng định thì cũng chính là lúc Bác Hồ của chúng ta hết sức quan tâm đến giáo dục. Tháng 9.1945 Bác Hồ đã có thư gửi các học sinh, vì là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp từng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Từ giờ phút này trở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Bác viết:“Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”([2]).

Trong bức thư này, Bác đã coi mình như người anh lớn để hòa mình cùng các em, các cháu học sinh nhằm thể hiện tình cảm ruột thịt để khuyên bảo các em học hành, giáo dục truyền thống yêu thương nòi giống tổ tiên, giữ gìn giang sơn gấm vóc mà ông cha ta đã dày công tạo dựng. Và điều tha thiết của Bác là mong sao Việt Nam sánh vai được với các cường quốc năm châu, Bác đã đặt hy vọng rất lớn ở các em học sinh.

Và thực tế đó cho thấy, học sinh Việt Nam ngày nay đã thực hiện được ước mơ của Bác, đã có hàng trăm giải thưởng lớn có uy tín tại các kì thi quốc tế mà đoàn học sinh, sinh viên Việt Nam đã giành được và đem vinh quang về cho Việt Nam.

Sự kiện nhà Toán học Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh nền toán học nước nhà sau khi nhận được giải thưởng Fields, giải thưởng danh giá cho lĩnh vực toán học thế giới. Giải thưởng Fields mà Giáo sư Ngô Bảo Châu đạt được không chỉ có ý nghĩa ở Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn trong khu vực và thế giới. Việt Nam là một đất nước nghèo, không có truyền thống về khoa học, về Toán lại được giải thưởng Fields. Nó đã chứng minh, nếu có cách làm đúng thì những người từ vùng lạc hậu như đất nước chúng ta cũng có thể đạt được đỉnh cao trong khoa học. Đó là ý nghĩa sâu sắc đối với quốc tế.

Ngay sau khi năm học đầu tiên của nước Việt Nam mới được bắt đầu thì để chống lại tình trạng thất học, ngày 04.10.1945, Bác Hồ đã định hướng là phải nâng cao dân trí, Bác mong muốn mọi người Việt Nam phải biết đọc, biết viết nên:“Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ…vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ chưa biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”. Với những hình thức chống nạn thất học nói trên đã tạo ra được một xã hội học tập mà ngày nay các loại hình giáo dục đào tạo được mở ra như Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên và trình độ dân trí nước ta ngày càng được nâng cao.

Trên Báo Nhân dân số 600, ra ngày 24.10.1955 dưới bút danh C.B có bài gửi các em học sinh với những lời nhắn nhủ nhân dịp ngày mở trường:“Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc…

Đối với các em, việc giáo dục gồm có:

- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công.

Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm.

Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.

Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có lợi ích chung”([3])

Lời nhắn nhủ như trên của Bác đều quán xuyến việc giáo dục kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 môi trường giáo dục là Nhà trường, gia đình và xã hội, và chính từ 3 môi trường này lại có nhiệm vụ giúp các em hoàn thiện nhân cách, trí tuệ, sức khỏe, tính tình.

Ngày 31.10.1955 Bác Hồ có Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và Nhi đồng nhân dịp các trường bước vào năm học mới:“Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng, dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân”([4]).

Theo Bác cần loại bỏ cái dở trong giáo dục mà tiếp lấy và xây dựng cái hay, cái tốt của nền giáo dục truyền thống dân tộc để phục vụ lại Tổ quốc và phục vụ nhân dân. Lúc nào Bác cũng đặt vận mệnh và xây dựng Tổ quốc lên trên hết, nhân dân trên hết.

Vì đã từng là học sinh Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, rồi là học sinh Trường Quốc Học - Huế từ tháng 9.1907 đến tháng 5.1908, sau đó dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết) từ tháng 9.1910 đến tháng 2.1911. Tại đây thày giáo Nguyễn Tất Thành dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, giáo dục tinh thần yêu nước cho học sinh nên Bác Hồ đã thấy và hiểu rõ vai trò của nhà trường và học sinh có mối quan hệ chặt chẽ như thế nào đối với xã hội. Cho nên tính nhân văn ở những bức thư gửi cho học sinh trong những năm khai trường là làm thế nào để có một nền giáo dục được ích nước, lợi dân.

Tiếp đến ngày 20.09.1956, nhân dịp năm học mới, Bác Hồ đã có thiếp mừng năm học mới, nội dung của bức thiếp ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một tình cảm sâu xa của Bác đối với thế hệ học sinh và giáo viên. Lúc nào Bác cũng mong muốn học sinh, giáo viên, phụ huynh phải làm các việc sau: “Bác mong các cháu học sinh thi đua học hành, kính thầy yêu bạn và tiến bộ nhiều.

Tôi mong các giáo viên thi đua dạy bảo cho các cháu mau tiến bộ.

Tôi mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp”([5]).

Năm học 1960 - 1961, ngày 31.08.1960, Bác lại có thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, khẳng định:“Năm học này là năm kết thúc kế hoạch 3 năm và bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Văn hóa giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng, văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà…Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động và sản xuất”([6]).

Năm học 1963 - 1964, trong Thư gửi các thầy giáo và học sinh, Bác đã dành tâm huyết gửi lời chúc đến các thầy cô giáo cùng học sinh với quyết tâm dạy tốt, các cháu học tốt và động viên nhà trường sẽ đẩy mạnh thi đua “Hai tốt” để số cháu học giỏi sẽ nhiều hơn thế nữa.

Những năm cuối đời, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Bác vẫn luôn theo dõi từng bước đi của nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Năm học 1968 - 1969 là năm học mà Bác đã gửi bức thư cuối cùng cho ngày khai trường. Ngày nay, đọc lại bức Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới ngày 16.10.1968, Bác đã thể hiện nội dung bức thư bằng việc khen ngợi những cố gắng trong việc thi đua dạy tốt và học tốt, bảo đảm an toàn cho thầy và trò, làm cho đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tiến bộ. Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng và cũng do thầy trò vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Vì chiến tranh leo thang, đế quốc Mỹ vẫn còn ngoan cố, cách mạng nước ta còn phải khắc phục nhiều khó khăn gian khổ để đạt thắng lợi hoàn toàn. Vì vậy, Bác nhắc nhở các cô, các chú và các cháu mấy điều sau đây: “…Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sang nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao phó, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vẫn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật.

Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lí đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn.

Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang.

Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó.

Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”([7]).

Mong muốn cuối cùng của Bác là mong chờ những thành tích mới của các cô, các chú và các cháu học sinh.

Một văn bản thiêng liêng trong sự nghiệp cách mạng của Người, ngoài những lời căn dặn tâm huyết thì trong Di chúc của mình Bác đã viết:“Điều mong nuốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”([8]). Để thực hiện được những điều Bác viết trong Di chúc đó cũng chính là nhắc nhở nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh phải ra sức cố gắng dạy và học thật tốt, nhà trường - gia đình và xã hội phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để xây dựng nên một xã hội học tập.

Với 7 bức thư, thiếp chúc mừng năm học mới được thể hiện dưới dạng thư gửi, bài báo, với các bút danh khác nhau của Bác, cho chúng ta thấy được mong muốn của Bác đối với trường học như thế nào? Và theo đó, ngành giáo dục chúng ta đang tiến hành cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì những bức thư Bác Hồ gửi nhân ngày khai trường càng đáng nên nhân rộng để học tập trong những môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Văn học để giúp giáo viên và học sinh hiểu sâu hơn về tư tưởng giáo dục của Người.

          Ngày nay, một năm học mới bắt đầu, chúng ta lại được Chủ tịch nước thay mặt Đảng và Chính phủ gửi thư chúc mừng khai giảng năm học mới nhằm động viên khích lệ tinh thần dạy và dạy của thầy và trò. Mỗi năm học đều có chủ đề riêng, kế hoạch nhiệm vụ riêng. Trách nhiệm nặng nề đặt lên vai nhà quản lí giáo dục, đội ngũ giáo viên và sinh viên, học sinh.

Qua những bức thư đó cho chúng ta thấy được rằng: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, tất cả các tỉnh, thành phố đều đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học đều tăng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Phong trào thi đua:"Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã huy động được các lực lượng xã hội cùng chung tay thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh...Toàn ngành giáo dục tiếp tục quyết tâm thực hiện cuộc vận động:“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Mỗi thầy cô giáo hãy thực sự là một tấm gương sáng về đạo đức và tự học; hãy dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất, góp phần chuẩn bị năng lực cho học sinh, sinh viên vào đời. Tiếp tục triển khai cuộc vận động:“Hai không” với 4 nội dung, đã đạt kết quả tốt, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ. Thực hiện tốt chủ đề năm học:“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tiếp tục thực hiện cuộc vận động:“Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đất nước ta đang cần có nhiều hơn nữa những trí thức, lao động có trình độ, có tâm, đức, có kỹ năng và bản lĩnh hội nhập. Giáo dục đào tạo có vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của ngành, đặc biệt là việc thực hiện kết luận 242 - KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và phương hướng phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2020.

Trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước ta đang cần nhiều trí thức và lao động có tay nghề, có kỹ năng, có bản lĩnh và hoài bão cống hiến vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ này, ngành giáo dục luôn giữ vai trò nòng cốt. Xã hội mong ngành giáo dục đào tạo, các thầy giáo, cô giáo phấn đấu nỗ lực hơn nữa, tâm huyết với nghề, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý và trong giảng dạy.



[1]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 154.

[2]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 4. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 32, 33.

[3]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 75.

[4]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 80.

[5] : Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 8. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 251.

[6] : Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 190.

[7]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 403, 404.

[8]: Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. NXB CTQG, Hà Nội, 1996, trang 512.

Tập tin đính kèm:
KP
Ý kiến bạn đọc
rất là hay
Người gửi: vũ nguyễn ngọc dương; Thời gian: 30/10/2023 21:18
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.507.947
Truy câp hiện tại 120.473