Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bác Hồ với ngày Thương binh Liệt sỹ
Ngày cập nhật 25/07/2011

Ngày 27/7/1947, trong bức thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “ Ngày thương binh toàn quốc”, Bác Hồ đã đánh giá cao vai trò của các chiến sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong số các chiến sĩ này, có những người đã chịu thiệt thòi mất mát một phần cơ thể để đổi lấy hòa bình, cho nên Bác đã xem “ Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đó chịu ốm yếu… Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh dũng ấy ”(*).

Và Người khẳng định: “ Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Vâng theo lời dạy của Bác, đất nước ta ngày nay từ Trung uơng đến địa phương luôn luôn có những hành động thiết thực trong việc đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thể hiện đạo lí tốt đẹp của người Việt Nam .

Bác Hồ đánh giá rất cao công lao, thành tích của các thương binh, liệt sĩ, gia đình quân nhân những cá nhân và gia đình có công với cách mạng đã: “ Làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”. Người nói : “ Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước, nay đã bị thương mà còn mong mỏi đi đánh giặc. Các chiến sĩ thực xứng đáng với Tổ quốc. Và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”. Hoặc, Bác là người đã đề ra công tác thiết thực Giúp đỡ gia đình các chiến sĩ bị nạn tháng 3 năm 1947 như sau: “ Chúng tôi chỉ đề nghị các chiến sĩ cứu quốc, các địa phương, các anh em bộ đội đóng tại các làng hãy điều tra xem nơi mình có bao nhiêu gia đình có con em tử trận hay bị thương, rồi bảo nhau đến làm giúp. Ví dụ: gánh nước, kiếm củi, lợp nhà, tát nước, cào cỏ, xới ngô, xới đỗ, đến mùa thì gặt hái…”.

Qua lời chỉ bảo này cho chúng ta thấy được rằng, Bác là người rất gần gũi với dân, với các công việc làm thường nhật mà người dân thường làm. Điều này đã thể hiện rõ tư tưởng nhân nghĩa ở Bác. Trong Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ (23.9.1947), Bác Hồ đã thể hiện một sự nhân nghĩa lớn lao hơn đó là: “ Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn”. Cụm từ “ Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ…” thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự canh cánh nỗi lòng của riêng Bác, và với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, vừa chứa đựng cái chung và cái riêng của một con người, thấm đẫm nhân nghĩa, đã thôi thúc thêm tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ miền Nam.

Bác là người luôn dùng những lời lẽ thân thiện để viết thư động viên an ủi những thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ. Những lời lẽ này chứa chan giá trị nhân đạo, là liều thuốc trấn an tinh thần đối với các chiến sĩ thương binh và người thân của họ. Trong lời kêu gọi trong ngày Thương binh, tử sĩ 27.7.1948 và Thư gửi anh em Thương binh và bệnh binh ( 7. 1948), Người viết: “ … đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi. Nhân dịp này tôi xin thay mặt anh em thương binh và gia đình tử sĩ cảm ơn đồng bào.

Tôi cũng thay mặt Chính phủ gửi lời thân ái an ủi anh em thương binh và gia đình tử sĩ và hứa rằng Chính phủ luôn luôn tìm cách săn sóc các bạn”,“ Chắc các dồng chí không khỏi phân vân. Nhưng không, các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”. Để động viên đồng bào và chiến sĩ vượt qua muôn vàn khó khăn để giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, Bác viết: “Ngày trước, với xương máu của chiến sĩ và sức đoàn kết của đồng bào mà chúng ta tranh được Độc lập. Thì ngày nay, cũng với xương máu của chiến sĩ và sức đoàn kết của đồng bào mà chúng ta kháng chiến để giữ vững nền độc lập” (8.1949). Là người lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng ở Bác luôn hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, luôn có trách nhiệm vì đồng bào chiến sĩ, Bác luôn kính cẩn, nghiêng mình trước linh hồn các liệt sĩ mà hứa rằng: “ Toàn thể quân và dân Việt Nam kiên quyết noi gương anh dũng của các liệt sĩ, kiên quyết đánh tan giặc thực dân cướp nước, để tranh lại độc lập và thống nhất thật sự cho nước ta” (Hiệu triệu nhân ngày kỉ niệm Kháng chiến toàn quốc 19.12.1949).

Đối với Bác, cho dù ở nơi đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào, khi  nghe tin các chiến sĩ của ta bị thương hoặc tử trận, Bác liền viết thư động viên, chia buồn, an ủi. Trong Thư gửi anh em thương binh Mặt trận Lê Hồng Phong, Bác đã viết: “ Riêng các anh bị thương, do sự chăm nom của các thầy thuốc và các khán hộ, một số lớn anh em thương binh đã lành mạnh, trở về bộ đội. Còn các chú đang cần ở lại y viện, tôi gửi lời thân ái an ủi các chú và chúc các chú mau trở lại mạnh khỏe, để đi đánh giặc lập công...” ( 1.4.1950). Lời động viên chúc sức khỏe để đi đánh giặc lại được Bác nhắc đến trong Thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê ( 20.09.1950): “ Đảng, Chính phủ, đồng bào đều biết ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành mạnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”. Bên cạnh đó, lại tùy theo tình hình thực tế và sức khỏe của các thương binh, Bác lại có những lời an ủi động viên khác một cách kịp thời:“ Các chú đã anh dũng xung phong giết giặc. Nay bị thương tạm nghỉ ít lâu. Bác gửi lời thân ái chúc các chú mau khỏe, để sẽ đánh giặc nữa và dặn các chú cứ yên lòng dưỡng bệnh cho mau lành mạnh, chớ vội xin trở ra mặt trận” ( Thư gửi các Thương binh tại Mặt trận Trung du và Đông Bắc. Tháng 2.1951).

Mặc dù bận trăm công nghìn việc, song Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến các thương binh mà nhất là đối với những thương binh hết nghĩa vụ ở chiến trường. Để cho những thương binh trở về lại địa phương có nơi ở mới, có cuộc sống mới, ổn định tinh thần, Bác căn dặn: “ Mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã chung sức phá vỡ một số đất mới để giúp thương binh.

         Chính quyền, đoàn thể và đồng bào trong xã tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. hoa lợi sẽ để nuôi thương binh.
         Tùy theo số ruộng đất trích được, mượn hoặc khai khẩn được, mà đón nhiều người hoặc ít người thương binh về xã. Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ, như học may, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, việc bình dân học vụ trong làng…” ( Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh về việc đón thương binh về làng ( 7.1951)).
Qua đó cho chúng ta thấy rằng, ở Bác luôn luôn có sự chở che, bao dung những con người bị thiệt thòi. Chính những sự việc và hành động trên sẽ góp phần làm cho thương binh tự tin vào nhân dân vào đất nước. Một năm sau, ngày 27.7.1952 trong Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, một lần nữa Bác căn dặn đồng bào: “ Nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với chiến sĩ bị thương, bị bệnh, không nên coi đó là một việc “ làm phúc”,…”, Bác lại dặn dò anh em thương binh, bệnh binh rằng: “ Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lí “ công thần”, coi thường lao động, coi thường kỉ luật, chớ bi quan chán nản, phải luôn luôn cố gắng”.
Tháng 7 năm 1953, thông qua Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh, Bác gửi một tháng lương của mình và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu Bác, nhờ chuyển cho anh em thương binh kèm theo lời chào thân ái của Bác. Việc làm này của Bác là muốn chia sẻ một phần khó khăn thiếu thốn với các thương binh. Bác rất mong muốn họ được no đủ và sớm hòa đồng với nhân dân địa phương trong tăng gia sản xuất.
Qua nhiều năm thực hiện chủ trương đón thương binh về làng, Bác luôn luôn quan tâm theo dõi sát sao, kịp thời động viên nhắc nhở các tổ chức đoàn thể, các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Cũng trong Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh nhân dịp ngày Thương binh (27.7.1954), Bác có mấy lời đối với các đoàn thể ở xã: “…nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sĩ. Thế là rất tốt. Đó là một cách để tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sĩ đã có công giữ nước, giữ làng. Song việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mỗi người trong xã đều cần tùy theo khả năng mà tham gia”. Đối với các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ thì “ Cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào, cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng ra vẻ “công thần””. Ước mong lớn nhất của Bác là làm sao những thành tích và kinh nghiệm quý báu ở các xã cần phải nhân rộng kịp thời để các xã khác noi theo, để đời sống thương binh, bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sĩ được từng bước nâng cao.
Ngày 27.7.1956, trong Thư gửi cụ Vũ Đình Tụng, bộ trưởng Bộ Thương binh, Bác đã khẳng định một lần nữa về những cống hiến của thương binh: “ Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Bác cũng đã nhắn nhủ anh em thương binh, bệnh binh rằng: “ Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Khi ở trại thì anh em nên thi đua học tập và công tác. Lúc ra trại, thì nên hăng hái tham gia công tác sản xuất ở địa phương, ở cơ quan”.
Lúc nào và bao giờ Bác cũng dùng những lời lẽ nhắn nhủ sóng đôi giữa đồng bào với thương binh và giữa thương binh với đồng bào. Bởi lẽ, ở nơi Bác luôn có sự dung hòa giản dị để cho mọi người sống trong cộng đồng dễ hòa hợp. Đó là một nét lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong thời gian miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1955 - 1960) từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác Hồ vẫn luôn đề cao vai trò của những người thương binh trong không khí chung đó, Bác nói: “Từ ngày hòa bình lập lại, anh em đã cố gắng nhiều và có nhiều thành tích trong học tập và tăng gia sản xuất. Đã có người được bầu là chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, cán bộ gương mẫu…
Bác mong những anh em thương tật nặng thì yên tâm an dưỡng. Các anh em khác thì tùy khả năng của mình, hăng hái tham gia sản xuất trong các tổ đổi công và hợp tác xã” (Thư gửi anh em Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ (7. 1958)). Và “ Trong năm qua, các gia đình liệt sĩ và anh em thương binh, bệnh binh đã đóng góp khá nhiều vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc” (27.7.1959).
Bác rất vui mừng khi nhìn thấy những thành quả kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc phát triển, mà trong đó nhiều tập đoàn sản xuất của thương, bệnh binh, các cá nhân thương, bệnh binh đã đem hết sức lực và khả năng của mình để tăng gia sản xuất và góp phần xây dựng đất nước.
Điểm nổi bật ở nơi Bác là những tư tưởng, tình cảm vĩ đại của Người không chỉ thể hiện trên những lời kêu gọi mộc mạc, chân thành, giản dị, xúc động lòng người, mà còn thể hiện bằng cả những cử chỉ, hành động cự thể hằng ngày đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Hiện nay, cả nước ta đang phát động phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh” thì những lời lẽ, tư tưởng, tình cảm của Người đối với các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ  trở nên quý giá đã tác động tích cực đến cuộc sống của nhân dân. Và thông qua những điều đó mà các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã phấn đấu rèn luyện, xứng đáng với lời khen tặng của Bác “ Tàn mà không phế”.
---------------------------

    (*): Những trích dẫn trong bài lấy từ sách: Hồ Chí Minh với Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1987.

Tập tin đính kèm:
KP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.512.387
Truy câp hiện tại 124.240