Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Lưới tập trung bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số
Ngày cập nhật 15/07/2014

Sự giao lưu văn hóa ngày càng mở rộng, các giá trị văn hóa mới được các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới tiếp thu và sử dụng nhiều hơn, đây là mặt tích cực trong sự phát triển xã hội, nhưng theo đó không ít những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện nhà đang dần bị mất đi.

Số lượng các nhà sàn, nhà dài truyền thống, nhà cộng đồng, nhà mồ của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới ngày càng ít, kiến trúc không còn nguyên bản. Công tác sưu tầm và trưng bày sản phẩm vật thể như công cụ lao động, nhạc cụ, trang phục và hiện vật lịch sử...chưa được quan tâm đầu tư. Vấn đề khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống như dệt zèng, đan lát, điêu khắc...chưa được chú trọng. Các sản phẩm lưu niệm từ dệt zèng chưa đáp ứng thị hiếu của du khách. Trang phục truyền thống chưa được sử dụng thường xuyên trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Chất liệu và mẫu mã chưa phù hợp với xu thế phát triển.

Các lễ hội truyền thống được duy trì tổ chức nhưng quy mô nhỏ lẻ, không mang tính cộng đồng như nguyên bản. Chưa tổ chức định kỳ các lễ hội truyền thống tiêu biểu cấp huyện để bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc.

Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, tục ngữ, câu đố...được lưu giữ chủ yếu trong trí nhớ và truyền miệng ở các nghệ nhân lớn tuổi. Tiếng nói có nguy cơ mai một. Sự biến đổi theo xu hướng đơn giản các lễ vật, lễ nghi trong sinh đẻ, hôn nhân, làm nhà, tang ma một mặt làm cho các nghi lễ bớt rườm rà và tốn kém nhưng mặt khác làm cho phong tục tập quán mang đậm tính nhân văn dần bị mai một, lãng quên...

Xuất phát từ thực trạng đó, Nhiều năm gần đây, UBND huyện A Lưới đã coi trọng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn bằng nhiều việc làm cụ thể như khôi phục nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, Gươl truyền thống của dân tộc Ka Tu, nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô; xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc và Trung tâm Thông tin Du lịch cấp huyện; phục dựng lại một số khu nhà mồ của dân tộc Pa Cô tại xã Hồng Trung, nhà mồ của dân tộc Ka Tu tại xã Hương Lâm...Thực hiện tốt Đề tài “Phân loại, đánh giá giá trị và thí điểm trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể dân tộc thiểu số ở A Lưới”, tổ chức trưng bày tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc nhân dịp 19/5/2013 và Đề tài “Các kiểu kiến trúc nhà cộng đồng, nhà sàn, nhà dài truyền thống”.

Triển lãm các sản phẩm văn hóa vật thể các dân tộc thiểu số A Lưới

Các nghề truyền thống như dệt zèng, đan lát, sữa chữa nhạc cụ…được khôi phục và phát triển ở một số địa phương. Đặc biệt đã hình thành các hợp tác xã dệt zèng và đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, được du khách và các nhà thiết kế thời trang ưa chuộng và quan tâm. Trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc vẫn được sử dụng hằng ngày trong lao động, sản xuất, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng….

Các lễ hội truyền thống tiêu biểu thường xuyên được duy trì và dần khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như Ariêu Aza, Ariêu Piing, Ariêu Car và các lễ hội khác theo chu kỳ sinh trưởng cây trồng và đời người. Đặc biệt năm 2009, Ariêu Car được tổ chức tại trung tâm huyện nhân Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII.

Văn học dân gian và ngôn ngữ các DTTS được quan tâm nghiên cứu. Với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các nước đã sưu tầm và xuất bản “Truyện cổ Tà Ôi” năm 2005, “Truyện cổ Tà Ôi, Ka Tu” năm 2006, “Người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế” năm 2007, “Truyện cổ Pa Cô” năm 2012, “Góp phần tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi”...; chuẩn bị sưu tầm và xuất bản câu đố, ca dao, tục ngữ của các dân tộc. Đã biên soạn và đưa vào giảng dạy tiếng Pa Cô – Tà Ôi cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh; nhiều bài viết về văn hóa các DTTS A Lưới được đăng trên các tạp chí khoa học, văn hóa và văn học nghệ thuật cấp tỉnh và Quốc gia.

Một tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ xã A Roàng biểu diễn phục vụ du khách

Dân ca, dân nhạc, dân vũ được quan tâm sưu tầm và phục hồi. Các loại nhạc cụ dân tộc vẫn được sử dụng trong các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Các trò chơi dân gian được tổ chức trong các lễ hội, ngày hội và Đại hội Thể dục thể thao các cấp, các ngành... Các làn điệu dân ca Ra rooi, Ru con, cha chấp, kâr lơi ..., dân vũ như: Pa dưn Giàng Đăq (Pa Cô), Da dã (Ka Tu), Ân zựt (Tà Ôi)  thường xuyên được biểu diễn, ghi âm và ghi hình để bảo tồn và gìn giữ. Hoàn thành công tác dịch chuyển 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ và quê hương A Lưới từ lời Việt sang lời Pa Cô.

Văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc A Lưới

Văn hóa ẩm thực hiện nay đang được người dân bảo tồn và phát huy trong các bữa ăn hàng ngày và trong các dịp lễ hội, tết. Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến, đúng theo bản sắc riêng, vừa tiếp đãi khách quý, vừa thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của vùng cao A Lưới. Thức uống có rượu cần, rượu đoác, rượu mía…;thức ăn có cơm lam, cháo thập cẩm, Cliĕĕng và các món ăn truyền thống...; các giống lúa đặc sản như: Ra dư, Ku za, Ku chah, A ham được người dân chú trọng nhân rộng diện tích. Đặc biệt tại làng du lịch văn hóa cộng đồng A Hưa – xã Nhâm, A ka – A chi xã A Roàng các món ăn truyền thống được đưa vào phục vụ khách du lịch. UBND huyện có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi một số hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng tổ chức tang lễ kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình đã giảm bớt. Thôn, tổ dân phố đã quan tâm phối hợp với gia đình thành lập ban tang lễ, giúp gia đình tang chủ tổ chức tang lễ theo nếp sống văn minh và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc.

Vừa qua, UBND huyện đã trình HĐND huyện phê duyệt Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020. Đề án được HĐND huyện thông qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND huyện khóa X đã tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để huy động sức mạnh của toàn xã hội thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - PCT UBND huyện thông qua dự thảo Để án để lấy ý kiến góp ý của Thường vụ và già làng tiêu biểu

Theo đó, mục tiêu của Để án là phấn đấu 100% xã có nhà văn hóa truyền thống kết hợp hiện đại (Moong, Roong, Gươl). Chọn 03 xã (01 Tà Ôi, 01 Pa Cô, 01 Ka Tu) để tập trung đầu tư bảo tồn không gian văn hóa truyền thống: bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. 100% xã DTTS bảo tồn, gìn giữ và phát huy các kiến trúc nhà mồ truyền thống; 100% xã DTTS sưu tầm, bảo tồn và trưng bày các sản phẩm văn hóa vật thể tại nhà văn hóa truyền thống địa phương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp và hiến tặng hiện vật. Vận động 100 % người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình vào các ngày lễ cưới, hỏi, Ariêu Aza, Ariêu Piing, Ariêu Car và các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. UBND huyện cũng sẽ tiến hành các hồ sơ, thủ tục cần thiết để đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận dệt Zèng là di sản văn hóa vật thể cấp Quốc gia.

Các Lễ hội truyền thống tiêu biểu sẽ được tổ chức định kỳ ở cấp huyện, xã, thôn và dòng họ như: Ariêu Car, Ariêu Aza, Ariêu Piing…100% tiếng nói của dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới được bảo tồn, gìn giữ và phát huy; tên làng, tên sông, tên núi sẽ được khôi phục. Tuyên truyền, vận động 100% con em là người dân tộc thiểu số nói được tiếng dân tộc mình;

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn và xuất bản chữ viết, tục ngữ, ca dao, câu đố, truyển cổ của các dân tộc thiểu số; xây dựng quy trình tổ chức các lễ hội truyền thống bằng song ngữ Pa Cô -Việt, Tà Ôi - Việt và Ka Tu - Việt. Tiếp tục đề nghị công nhận Ariêu Aza là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sưu tầm tất cả điệu múa, dân ca, nhạc cụ đưa vào tập luyện và biểu diễn thường xuyên để gìn giữ, phát huy và phục vụ công chúng. Phổ biến rộng rãi 20 ca khúc hát về Đảng, Bác Hồ và quê hương A Lưới bằng tiếng Pa Cô tại các xã, thị trấn, cơ quan, trường học.

Lễ cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình. Không thách cưới, kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức tang lễ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hộ tịch, môi trường, y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức việc tang không kéo dài quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ an táng. Cải táng mộ (Ariêu Piing) phải từ 5 năm trở lên sau khi an táng. Đề án cũng đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để các cơ quan, ban ngành liên quan triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển của mỗi xã hội mà văn hóa được xem là nền tảng. Việc phát huy các giá trị văn hóa sẽ có tác dụng làm tăng ý thức, trước hết là của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc và của bè bạn quốc tế đối với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa. Ngược lại, việc bảo tồn sẽ là cơ sở và tạo ra cơ hội có được các giá trị văn hóa để tự hào, để giới thiệu với các dân tộc khác, các quốc gia khác trên thế giới

Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức phát huy có hiệu quả nhất. Không phải ngẫu nhiên du lịch được xem là “cầu nối” giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du lịch. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động. Xuất phát từ thực tế đó, trong những năm gần đây, song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, huyện A Lưới đặc biệt quan tâm phát triển du lịch tại địa phương.

Với những tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng...cùng với việc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại các địa phương, thực hiện tốt Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn  2014 – 2020, chúng ta có thể tin tưởng rằng, cùng với việc thực hiện tốt công tác phát triển du lịch, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của huyện nhà sẽ được giữ gìn và phát huy tốt trong tương lai.

Phạm Thị Liễu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.352.022
Truy câp hiện tại 61.209