Tại buổi giám sát, đoàn đã được nghe đồng chí Lê Thị Thêm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin báo cáo kết quả thực hiện Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020.
Đ/c Lê Thị Thêm - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin báo cáo tình hình thực hiện Đề án
Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2014 – 2020 được HĐND huyện thông qua tại Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân huyện A Lưới. Qua 02 năm triển khai thực hiện, đến nay, đề án đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số huyện nhà.
Văn hóa vật thể: Toàn huyện có trên 140 nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó đã khôi phục được 15 nhà Rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ tu, 01 nhà Moong truyền thống của dân tộc Pa Cô; xây dựng 01 Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc và 01 Trung tâm Thông tin Du lịch cấp huyện; 01 Trung tâm trưng bày hiện vật văn hóa và hiện vật chiến tranh; 01 Trung tâm Trưng bày hiện vật A Bia; 01 trung tâm trưng bày hiện vật A So; Đã phục dựng lại một số khu nhà Piing truyền thống dân tộc Pa cô tại làng Ân Trieng, xã Hồng Trung. Làng A Năm xã Hồng Vân. Làng A Tia 2, xã Hồng Kim. Nhà Ping dân tộc Cơ tu tại làng Kâr So, xã Hương Lâm.
Văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống tiêu biểu được thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như Ariêu Aza, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, mừng nhà mới...Đã chỉ đạo 05 làng tổ chức lễ hội A Da truyền thống nhân dịp ngày Đại đoàn kết toàn dân 18/11....Dân ca, dân nhạc, dân vũ được quan tâm sưu tầm và phục hồi. Các loại nhạc cụ dân tộc vẫn được sử dụng trong các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Đã sưu tầm, phát triển, biểu diễn 15 thể loại dân ca.
Văn hóa ẩm thực: hiện nay đã và đang được cán bộ, nhân dân bảo tồn và phát huy trong các bữa ăn hàng ngày và trong các dịp lễ cưới hỏi, ma chay, lễ hội truyền thống khác của dân tộc như: Các món ăn truyền thống được chú trọng trong khâu chế biến đúng bản sắc riêng, để tiếp đãi khách quý, thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong ẩm thực của vùng cao A Lưới.
Về việc cưới, việc tang và lễ hội: Đã dần ngăn chặn, đẩy lùi một số hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Khá nhiều gia đình, cặp vợ chồng trẻ đã hãnh diện mang trang phục truyền thống trong ngày cưới của mình.Tình trạng tổ chức tang lễ kéo dài nhiều ngày, ăn uống linh đình đã giảm bớt. Thôn, tổ dân phố đã quan tâm phối hợp với gia đình thành lập Ban tang lễ, tổ chức lễ theo nếp sống văn minh và phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc.
Bảo tồn lễ A riêu ping, A za, A riêu Car... theo quy trình tổ chức lễ truyền thống và thực hiện đúng hướng dẫn về việc cưới, tang và lễ hội của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch.
Nhìn chung, trong 2 năm triển khai hoạt động Đề án …đã thực hiện đúng theo nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết số 03/2014/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân huyện A Lưới về việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020. Ước đạt các nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết số 03/2014, thực hiện đạt trên 40%;
Đ/c Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Hải – Phó Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá cao công tác triển khai thực hiện đề án của Phòng Văn hóa và Thông tin và đề xuất một số giải pháp để Phòng Văn hóa và Thông tin thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu thực hiện trong thời gian tới.
Đ/c Hồ Thị Lan Hương - Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện kết luận tại buổi làm việc