Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hướng dẫn một số nội dung nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức
Ngày cập nhật 13/02/2023

Sở Nội vụ ban hành Hướng dẫn số 214/HD-TCCC ngày 03/02/2023 về thực hiện việc nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức, để thực hiện kịp thời, đúng quy định, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung sau:

I. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31 tháng 7 năm 2013 và sửa đổi, điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nội vụ.

II. CHẾ ĐỘ NÂNG BẬC LƯƠNG THƯỜNG XUYÊN 

1. Điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh

a) Thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên

- Cán bộ, công chức, viên chức nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.

- Cán bộ, công chức, viên chức nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch loại B của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.

b) Các trường hợp được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên:

- Thời gian nghỉ làm việc được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về lao động;

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian nghỉ ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội cộng dồn từ 6 tháng trở xuống (trong thời gian giữ bậc) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Thời gian được cấp có thẩm quyền quyết định cử đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước, ở nước ngoài nhưng vẫn trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị;

- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức tham gia phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự.

c) Thời gian không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên:

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong nước và ở nước ngoài quá thời hạn do cơ quan có thẩm quyền quy định;

- Thời gian bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam và các loại thời gian không làm việc khác không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương

- Thời gian tập sự (bao gồm cả trường hợp được hưởng 100% mức lương của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức tập sự).

- Thời gian cán bộ, công chức, viên chức đào ngũ trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

- Thời gian thử thách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo; trường hợp thời gian thử thách ít hơn thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo thời gian bị kéo dài nâng bậc lương thường xuyên.

- Thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên

a) Đối với cán bộ, công chức

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

b) Đối với viên chức

- Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

- Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

3. Quy định về kéo dài thời gian xét nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức không đạt tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên

Trong thời gian giữ bậc lương hiện hưởng, nếu cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định như sau:

a) Kéo dài 12 tháng đối với các trường hợp:

- Cán bộ bị kỷ luật cách chức;

- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;

- Viên chức bị kỷ luật cách chức.

b) Kéo dài 06 tháng đối với các trường hợp:

- Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

- Viên chức bị kỷ luật cảnh cáo;

- Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng.

c) Kéo dài 03 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách.

d) Trường hợp vừa bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các điểm a, b và c.

Ví dụ: Công chức Nguyễn Thị A đang hưởng lương bậc 6 hệ số 3,99 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Năm 2021, công chức Nguyễn Thị A xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình. Ngày 01/11/2021, công chức Nguyễn Thị A được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách do vi phạm về chuẩn mực đạo đức. Theo quy định, mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 tháng; khiển trách bị kéo dài 06 tháng. Tổng các thời gian bị kéo dài là 12 tháng. Như vậy, công chức Nguyễn Thị A được nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 7 hệ số 4,32 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

đ) Trường hợp bị đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên tính theo hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại điểm a, b, c.

Ví dụ: Công chức Lê Thị B đang hưởng lương bậc 7 hệ số 4,32 kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Ngày 01/5/2021, công chức Lê Thị B được cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách do vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình. Cuối năm 2021, công chức Lê Thị B xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ (do bị kỷ luật vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình). Theo quy định, do bị kỷ luật (cùng một hành vi vi phạm) nên thời gian kéo dài của công chức Lê Thị B là 06 tháng. Như vậy, công chức Lê Thị B được nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 8 hệ số 4,65 kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

e) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên bị kỷ luật Đảng: nếu đã có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật hành chính; nếu không có quyết định kỷ luật về hành chính thì thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng với các hình thức xử lý ký luật hành chính

Ví dụ: Viên chức Võ Thị C là đảng viên, đang hưởng lương bậc 7 hệ số 4,32 kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2019. Ngày 01/01/2022 đã có quyết định xử lý kỷ luật Đảng với hình thức khiển khách do vi phạm về dân số kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, việc thực hiện kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên được tính theo hình thức xử lý kỷ luật Đảng tương ứng (vì bị kỷ luật khiển trách nên kéo dài 03 tháng). Như vậy, viên chức Võ Thị C được nâng bậc lương thường xuyên lên bậc 8 hệ số 4,65 kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.

4. Về thời gian nâng bậc lương thường xuyên

Thời gian nâng bậc lương thường xuyên thực hiện theo quý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương lập thủ tục và danh sách cán bộ, công chức, viên chức (đối với chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và  UBND tỉnh quản lý) được nâng bậc lương thường xuyên gửi về Sở Nội vụ để kiểm tra, thẩm định.

5. Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương thường xuyên:

- Công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị;

- Danh sách trích ngang cán bộ, công chức, viên chức đề nghị nâng bậc lương thường xuyên (theo mẫu số 1);

- Bản sao Quyết định lương hiện hưởng.

Lưu ý: Số lượng gửi hồ sơ 01 bộ bản chính; riêng đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và  UBND tỉnh quản lý gửi 02 bộ (01 bộ bản chính, 01 bộ bản sao). Toàn bộ hồ sơ gửi file pdf và gửi qua phần mềm quản lý văn bản.

III. NÂNG BẬC LƯƠNG TRƯỚC THỜI HẠN DO LẬP THÀNH TÍCH XUẤT SẮC TRONG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ

1. Tiêu chuẩn nâng bậc lương trước thời hạn

Cán bộ, công chức, viên chức được xem xét nâng bậc lương trước thời hạn khi đạt các tiêu chuẩn sau:

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

- Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo,
giáng chức, cách chức.

- Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm
quyền công nhận bằng văn bản.

2. Điều kiện xét nâng bậc lương trước thời hạn

Mức lương hiện hưởng chưa xếp vào bậc lương cuối cùng trong ngạch
hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương
trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường
xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với
thời gian quy định.

3. Tỷ lệ nâng bậc lương trước thời hạn

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong một năm không vượt quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị. Danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền giao biên chế (đối với cán bộ, công chức) hoặc phê duyệt số lượng người làm việc (đối với viên chức) tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

4. Cách tính số người thuộc tỷ lệ được nâng bậc lương trước thời hạn

Cứ mỗi 10 người trong danh sách trả lương (không tính số dư ra dưới 10 người sau khi lấy tổng số người trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị chia cho 10), cơ quan, đơn vị được xác định có 01 người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc.

Lưu ý: Chỉ tính số người trên cơ sở số người trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị (số có mặt), không tính trên cơ sở số biên chế được giao hoặc phê duyệt.

5. Số lần được nâng bậc lương trước thời hạn

Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ

Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A, chuyên viên Sở B, đã được bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ từ bậc 4 hệ số lương 3,33 ngạch chuyên viên (mã số 01.003) lên bậc 5 hệ số 3,66 ngạch  chuyên viên kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Năm 2019, ông A đi thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính và được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002) bậc 1 hệ số 4,40 kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2019. Năm 2020, ông A được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo quy chế của cơ quan, đơn vị nơi ông A công tác thì thành tích này được xét nâng bậc lương trước thời hạn là 12 tháng. Nhưng theo quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ nên ông A chỉ được xét nâng bậc lương thường xuyên từ bậc 1 hệ số 4,40 lên bậc 2 hệ số 4,74 ngạch chuyên viên chính kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.

6. Xác định thành tích đ xét nâng bậc lương trước thời hạn

- Thành tích để xét nâng bậc lương trước thời hạn được xác định theo thời điểm ban hành quyết định công nhận thành tích đạt được trong khoảng thời gian 06 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên và 04 năm gần nhất đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn.

Riêng đối với trường hợp đã được nâng bậc lương trước thời hạn thì tất cả các thành tích đạt được trước ngày có quyết định nâng bậc lương trước thời hạn trong khoảng thời gian (06 năm và 04 năm) này không được tính để xét nâng bậc lương trước thời hạn cho lần sau.

7. Về tiêu chuẩn, cấp độ về lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ

Để có căn cứ xét chọn nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức, đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trao đổi với cấp ủy và ban chấp hành Công đoàn cùng cấp sửa đổi, ban hành “Quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29 tháng 6 năm 2021 của Bộ Nội vụ.

Các đơn vị sau khi ban hành hoặc sửa đổi “Quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức”, đề nghị gửi về Sở Nội vụ để làm cơ sở thẩm định xét nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức.

8. Về thời gian nâng bậc lương trước thời hạn

Thời gian nâng bậc lương trước thời hạn thực hiện theo quý hoặc 6 tháng. Các cơ quan, đơn vị lập thủ tục và danh sách cán bộ, công chức được xét chọn nâng bậc lương trước thời hạn gửi về Sở Nội vụ để kiểm tra, thẩm định và giải quyết theo thẩm quyền phân cấp quy định hiện hành.

9. Hồ sơ đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn:

- Công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị;

- Biên bản họp Hội đồng xét nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị;

- Quy chế về nâng bậc lương trước thời hạn của cơ quan, đơn vị;

- Danh sách trích ngang cán bộ, công chức, viên chức đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn (theo mẫu số 2);

- Bản sao Quyết định công nhận thành tích, Bằng khen, Giấy khen, … của cán bộ, công chức, viên chức được đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn;

- Bản sao quyết định lương hiện hưởng;

Lưu ý: Số lượng gửi hồ sơ 01 bộ bản chính; riêng đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quản lý gửi 02 bộ (01 bộ bản chính, 01 bộ bản sao). Toàn bộ hồ sơ gửi file pdf và gửi qua phần mềm quản lý văn bản.

IV. NÂNG BẬC LƯƠNG TRƯỚC THỜI HẠN KHI CÓ THÔNG BÁO NGHỈ HƯU

1. Cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước; đạt đủ 02 tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2 Mục II Công văn này; chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng (không tính vào tỷ lệ 10% nâng bậc lương trước thời hạn hàng năm của đơn vị) .

2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, vừa thuộc đối tượng được xét nâng bậc lương trước thời hạn khi có thông báo nghỉ hưu, thì cán bộ, công chức, viên chức được chọn một trong hai chế độ nâng bậc lương trước thời hạn.

V. ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP THÂM NIÊN VƯỢT KHUNG

1. Điều kiện thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ:

1.1. Thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức đã có 3 năm (đủ 36 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

 b) Cán bộ, công chức, viên chức đã có 2 năm (đủ 24 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.

1.2. Các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được xác định như các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Điểm b, Khoản 1, Mục II Công văn này.

2. Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung:

- Tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện như hai tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 2, Mục II Công văn này.

- Cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Mục V Công văn này được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị A, đang hưởng lương bậc 9, hệ số lương 4,98, ngạch chuyên viên, mã số: 01.003 từ 01 tháng 9 năm 2018; từ năm 2018 đến năm 2021 bà A luôn đạt đủ tiêu chuẩn để hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung, thì bà A được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 5% của hệ số 4,98ngạch chuyên viên, mã số: 01.003, kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2021.

Sau đó mỗi năm hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thêm 1%. Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2022, bà A được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung 6% của hệ số 4,98 ngạch chuyên viên, mã số: 01.003.

b) Cán bộ, công chức, viên chức quy định sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm có đủ tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

3. Quy định về kéo dài thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức không đạt tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung

Cán bộ, công chức, viên chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức hoặc cách chức thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật thì thời gian để xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bị kéo dài được xác định như các trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên quy định tại Khoản 3 Mục II Công văn này.

4. Về thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung

Thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện theo quý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương lập thủ tục và danh sách cán bộ, công chức, viên chức (đối với chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và  UBND tỉnh quản lý) được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung gửi về Sở Nội vụ để kiểm tra, thẩm định.

5. Hồ sơ đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung:

- Công văn đề nghị của cơ quan, đơn vị;

- Danh sách trích ngang cán bộ, công chức, viên chức đề nghị hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (theo mẫu số 3);

- Bản sao Quyết định lương hiện hưởng.

Lưu ý: Số lượng gửi hồ sơ 01 bộ bản chính; riêng đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và  UBND tỉnh quản lý gửi 02 bộ (01 bộ bản chính, 01 bộ bản sao). Toàn bộ hồ sơ gửi file pdf và gửi qua phần mềm quản lý văn bản.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

Đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh quản lý, Sở Nội vụ tổng hợp và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh vào ngày 30 hàng tháng.

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các Hội; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

2.1. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

2.2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

3. Nếu chậm trễ trong việc thực hiện nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ sẽ xem xét trừ điểm cải cách hành chính trong năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

4. Định kỳ vào quý IV hàng năm, có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) tình hình và những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn số 759/HD-SNV ngày 14/8/2015 của Sở Nội vụ về việc thực hiện một số nội dung nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.

PNV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.431.922
Truy câp hiện tại 54.416