Các hình thức truyền thông được áp dụng khá đa dạng, phù hợp với từng đối tượng như: truyền thông trực tiếp tại hội nghị, tư vấn tại cộng đồng, thăm hộ gia đình. Truyền thông gián tiếp thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh của huyện, xã, thị trấn; phát tờ rơi, khẩu hiệu, in ấn pa nô, áp phích, kẻ vẽ biển tường với các nội dung về đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình xã, phường cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,...
Nhằm xã hội hóa công tác dân số, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như: UBMTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... cùng tích cực vào cuộc, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho cán bộ, công chức, người lao động, phụ nữ, nam giới, vị thành niên, thanh niên và mọi tầng lớp người dân tại địa phương... Phối hợp với Công an huyện, Phòng VH-TT tổ chức truyền thông lưu động vào dịp kỷ niệm ngày Dân số thế giới 11/7, Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thành lập đội lưu động KHHGĐ để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho hàng nghìn lượt người trong các đợt chiến dịch truyền thông. Phối hợp với Đài TT-TH huyện xây dựng nhiều phóng sự truyền hình tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS, sức khỏe vị thành niên cho học sinh từ khối 7 đến khối 12 trên địa bàn huyện.
Tại một buổi tuyên truyền
Các mô hình, đề án đang phát huy hiệu quả nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông. Việc duy trì hoạt động của nhiều mô hình, đề án như đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình xã, phường cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã trang bị cho đối tượng vị thành niên, thanh niên những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai an toàn và góp phần nâng cao chất lượng dân số... Tuyên truyền cho chị em phụ nữ những kiến thức về làm mẹ an toàn, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản, các yếu tố nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh... Thực hiện chương trình sàng lọc sơ sinh, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện phối hợp với Trung tâm Y tế tiến hành lấy mẫu máu gót chân cho nhiều trẻ sơ sinh. Động viên người cao tuổi vận động con cháu, dòng họ thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Lãnh đạo huyện và các cơ quan chuyên môn chỉ đạo tại cơ sở
Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các ban, ngành, đoàn thể. Năm 2015, công tác dân số - KHHGĐ huyện nhà đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức 104,8(%). Xây dựng thành công 17 cụm dân cư đạt 02 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên được UBND huyện khen; 5 cụm dân cư đạt 03 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên được UBND tỉnh khen và thưởng theo quy định. Tỷ suất sinh 19,3%o giảm 0,1%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,53% giảm 0,01% ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 11,07%; tảo hôn giảm 3 trường hợp; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 71% tăng 1%.
Ghi nhận những thành tích đó, nhân dân và cán bộ huyện A Lưới được Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, UBND tỉnh, UBND huyện tặng nhiều giấy khen các loại vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ, nhiều cá nhân được Tổng cục Dân số - KHHGĐ tặng kỷ niệm chương “vì sự nghiệp dân số”.