Thụ hưởng đầy đủ các chính sách
Huyện A Lưới có 5 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn, bao gồm: Pa Kô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và dân tộc Kinh. Trong những năm qua, đồng bào các dân tộc ở A Lưới luôn nêu cao truyền thống đại đoàn kết, quyết tâm thực hiện định canh, định cư, thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt, từng bước phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Để góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), UBND tỉnh đã có Quyết định số 3051 về việc phê duyệt dự án xoá nhà tạm cho các hộ nghèo huyện A Lưới. Từ đó đến nay, toàn huyện đã xây được 2.663 ngôi nhà mới cho người nghèo có nơi ở ổn định, đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, đã tiến hành giao đất cho các hộ dân trồng mới hơn 6.000 ha rừng, phát triển hơn 600 ha cây cao su; hoàn thành cấp 9.496 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào 20 xã, thị trấn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2.589 hộ nghèo thuộc chương trình 134; giải quyết đất sản xuất cho 1.627 hộ với diện tích 212 ha khai hoang; thực hiện hoàn thành 11 công trình cấp nước sinh hoạt, với 5.944 triệu đồng, đảm bảo chất lượng và cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.
Nhờ chủ động đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, huyện đã tiến hành cấp 35,87 tấn giống lúa; 1,25 tấn ngô; 63.000 cây công nghiệp; 301.000 cây lâm nghiệp; 28.600 con gia súc...; hỗ trợ cho các hộ mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy tuốt lúa với kinh phí 8.686 triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn đầu tư hơn 54.000 triệu đồng cho hàng chục công trình hạ tầng: 14km đường giao thông, 15 trường học, 11 trạm y tế và các công trình phụ trợ... Đến nay, 100% các xã có đường ô tô đến tận trung tâm, các thôn, bản đều có đường giao thông đi lại thuận lợi, góp phần cho phát triển kinh tế, trao đổi hàng hóa.
Đến nay, A Lưới đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,64%, 9 xã đã thoát nghèo. Hơn 70% hộ có xe máy và một số gia đình đồng bào ở đây đã có ô tô riêng. Công tác hỗ trợ cải thiện và nâng cao đời sống của người dân cũng được huyện quan tâm. Học sinh là con em hộ nghèo được hỗ trợ đúng chế độ, góp phần nâng tỷ lệ học sinh huy động đến trường ngày càng cao, đạt trên 90%. Toàn huyện đã có 13 trường đạt chuẩn quốc gia và 14 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,52%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 19,57%. Người dân Pa Kô, Ka Tu, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều trước đây chỉ biết lên nương rẫy, đi rừng, thì nay đã được học hành, đào tạo nghề để lập nghiệp. Không ít chàng trai, cô gái ở các bản, làng đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, thầy giáo, những cán bộ của tỉnh, huyện, xã. Những thạc sĩ, bác sĩ, cử nhân đại học, kỹ sư nông nghiệp là người Pa Kô, Tà Ôi... không còn là điều hiếm, họ đang là chủ nhân để làm đổi thay vùng đất này.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế cho đồng bào, lĩnh vực văn hóa đã được huyện A Lưới quan tâm đúng mức. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực góp phần đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tạo sự phát triển đồng bộ giữa kinh tế với văn hoá, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội. Hiện tại, 21 xã, thị trấn của A Lưới đều đăng ký xây dựng 100% làng, thôn, tổ dân cư đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Các loại hình văn hoá phi vật thể như dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội… và các di sản văn hoá được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Đến nay, huyện đã tổ chức thành lập được các đội văn nghệ truyền thống ở các xã, đại diện cho các dân tộc trong huyện. Cùng đó, huyện tiến hành mời các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại cho thế hệ trẻ những làn điệu dân ca cổ, những điệu múa cổ; truyền lại các nghề truyền thống như dệt Zèng thổ cẩm, đan lát, mộc, rèn, chạm khắc mỹ nghệ… Lĩnh vực văn hoá ẩm thực như cơm lam, rượu cần, rượu đoác, các món ăn đặc sản truyền thống được phổ biến và đã đưa vào phục vụ khách du lịch khi đến tham quan. Các thiết chế văn hoá cũng được chú trọng đầu tư xây dựng, tính đến đầu năm 2014, toàn huyện đã xây dựng được 132 nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục và dựng được 15 nhà rông truyền thống của dân tộc Tà Ôi, 3 nhà Gươl truyền thống của dân tộc Ka Tu và 1 nhà moong truyền thống của dân tộc Pa Kô, 1 nhà sàn du lịch tại trung tâm thị trấn A Lưới.
A Lưới chú trọng bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Công tác kiện toàn bộ máy và đào tạo cán bộ làm công tác văn hoá cũng được cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở rất quan tâm. Tính đến nay, 100% cơ sở có trưởng ban chuyên trách về công tác văn hoá được đào tạo đảm bảo theo yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá ở cả cấp huyện và cơ sở đều tích cực với sự nghiệp văn hoá, được đào tạo đúng chuyên ngành, nên nhiều người có trình độ, tâm huyết với nghề, có nhiều sáng tạo trong việc khai thác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian, góp phần đưa sự nghiệp phát triển văn hoá của A Lưới ngày càng tiến bộ rõ rệt.