Đến tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Trừ - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hồ Xuân Trăng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện; các thành viên UBND huyện và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc huyện; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Trung ương đóng trên địa bàn huyện và đại diện lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo phòng Tài chính - Kế hoạch đã thông qua Quyết định số 604/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020, với mục tiêu tổng quát: Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đạt tốc độ tăng trưởng cao theo hướng bền vững; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư chiều sâu, sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ thành ngành kinh tế quan trọng; phát triển mạnh công nghiệp tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa. Nâng cấp, phát triển đô thị A Lưới đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Xây dựng xã hội ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao đi đôi với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc. Đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh biên giới, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phấn đấu đến năm 2020, đưa A Lưới thoát khỏi tình trạng nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa A Lưới với các huyện khác trong tỉnh; xây dựng đô thị A Lưới xứng tầm là đô thị động lực phía Tây của tỉnh trong sự gắn kết với hệ thống đô thị Thừa Thiên Huế.
Trong đó nhấn mạnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cần đạt được trong giai đoạn từ nay đến năm 2020:
a) Mục tiêu về kinh tế
- Về tăng trưởng kinh tế (tính theo giá trị sản xuất - giá so sánh 2010): Đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011-2015 đạt bình quân 13-14%/năm; thời kỳ 2016-2020 đạt 16-17%/năm.
- Về cơ cấu kinh tế (theo giá trị sản xuất - giá hiện hành): Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế là Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 29,8%, dịch vụ chiếm 17,2%, nông nghiệp giảm còn 53,0%; duy trì ngành nông nghiệp giữ vai trò kinh tế chủ đạo.
- Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế vẫn là Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ, trong đó nông nghiệp vẫn duy trì vai trò kinh tế chủ đạo, nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên đáng kể; đến năm 2020, tỷ trọng các ngành chiếm tương ứng là 35,0%, 43,0% và 22,0%. Giai đoạn sau 2020, công nghiệp vươn lên giữ vai trò kinh tế chủ đạo.
- Thu nhập/người (theo VA- giá hiện hành): Năm 2015 đạt 12-13 triệu đồng năm 2020 đạt 38-40 triệu đồng.
- Thu ngân sách trên địa bàn: Tăng bình quân 20%/năm trở lên.
b) Mục tiêu về xã hội
- Phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,4%; năm 2020 còn 1,3%.
- Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%; năm 2020 còn dưới 10%.
- Tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, đạt 25-30% vào năm 2015, đạt 40-45% vào năm 2020.
- Hạ tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đến năm 2015 còn 20%; năm 2020 giảm còn 10-12%. Đến năm 2015, có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ huy động trẻ em dưới 5 tuổi đến trường mầm non đạt trên 88%; có 99% học sinh tiểu học, 92% học sinh trung học cơ sở và 77% học sinh trung học phổ thông đi học đúng độ tuổi. Năm 2020, các chỉ tiêu trên đạt tương ứng là 100%, 95%. Đến năm 2015 có 18-20 trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, năm 2020 có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia.
- Đến năm 2015, có 100% số cơ quan, trường học, trên 75% số thôn, làng, tổ dân phố, 70% số gia đình đạt chuẩn văn hóa. Phấn đấu có 3 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 đạt 40% số xã.
- Tăng tỷ lệ đô thị hóa, đến năm 2015 đạt trên 20%, năm 2020 đạt 38-40%.
c) Mục tiêu về môi trường
- Đến năm 2015, tỷ lệ số hộ dùng nước hợp vệ sinh đạt 85%, năm 2020 hầu hết số hộ được sử dụng nước sạch; 80% rác thải trên địa bàn thị trấn mở rộng được thu gom và xử lý; trên 95% hộ gia đình nông thôn có chỗ chôn lấp, xử lý rác thải và có công trình vệ sinh; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
- Các cụm công nghiệp-TTCN đều có công trình xử lý nước thải, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước đô thị A Lưới và thôn xóm.
- Thu gom và xử lý chất thải rắn ở các cụm công nghiệp-TTCN đạt 100%. Tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp mới xây dựng đều áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị làm giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường
- Bảo vệ đa dạng sinh học rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh. Tích cực trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ đạt 80% vào năm 2015 và duy trì trong các giai đoạn sau.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Trăng - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện đã nêu lên những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, như: Phát triển kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng công nghiệp hoá, đã và đang từng bước giải quyết những vấn đề xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, bình quân 13,1%/năm. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế-xã hội huyện A Lưới vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng và yêu cầu phát triển: Chất lượng tăng trưởng chưa cao, kết cấu hạ tầng được đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa; một số vấn đề xã hội vẫn còn tồn tại, như: Tỷ lệ sinh con thứ ba, nạn tảo hôn, bạo lực gia đình; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao…
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt; đồng chí Hồ Xuân Trăng - Chủ tịch UBND huyện, đề nghị các phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc huyện, chính quyền địa phương các xã, thị trấn trên địa bàn huyện: (1) Nghiên cứu kỹ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội A Lưới đến năm 2020, để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, của ngành mình hàng năm và cho cả giai đoạn từ nay đến năm 2020; (2) trên cơ sở quan điểm phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình trọng điểm, các giải pháp chủ yếu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, các cơ quan, đơn vị, các địa phương phải có giải pháp để thực hiện và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, trên có sở đó đạt được và hoàn thành các chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực đã định hướng trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện A Lưới đến năm 2020./.