Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cách làm mới của Ban Dân tộc
Ngày cập nhật 16/05/2013
Hội nghị ký kết hợp tác giữa Ban Dân tộc và UBND huyện A Lưới

(TTH) - Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn. Địa bàn hoạt động chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN), với 2 huyện trọng điểm là A Lưới và Nam Đông.

Với vai trò và trách nhiệm, Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên bám cơ sở, nghiên cứu và đổi mới phương pháp công tác để góp phần giúp cho vùng DTTS và MN đạt được các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cũng như Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, nhất là các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Hội nghị ký kết hợp tác giữa Ban Dân tộc và UBND huyện A Lưới

 

 

Về mặt nội dung, việc đổi mới phương pháp công tác được xác định thông qua chỉ dấu “chủ động tìm hiểu, phát hiện hoặc dự báo vấn đề và đề xuất cách giải quyết”. Trên cơ sở đó, bàn bạc thống nhất với huyện để ngay từ đầu xác định vấn đề và phối hợp tìm kiếm giải pháp xử lý các tình huống phát sinh do vấn đề tạo ra. Về mặt hình thức, Ban Dân tộc tiến hành ký kết phối hợp công tác hằng năm với UBND huyện trên cơ sở các nội dung đã được thống nhất lựa chọn để cùng phối hợp giải quyết. Định kỳ hằng năm, 2 bên tiến hành tổng kết đánh giá những việc làm được, chưa làm được để rút kinh nghiệm và tiếp tục ký kết các nội dung phối hợp mới cho năm tiếp theo.

Theo kết quả rà soát các thôn đặc biệt khó khăn và xã khu vực II (vùng khó khăn), khu vực III (vùng đặc biệt khó khăn) của UBND tỉnh trong tháng 3/2013 để trình Trung ương phê duyệt , A Lưới là huyện còn nhiều khó khăn nhất được lựa chọn thí điểm rút kinh nghiệm thực hiện đổi mới phương pháp để giải quyết các mặt công tác ở vùng DTTS và MN.

Mục tiêu của đổi mới phương pháp công tác, thực hiện ký kết phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện A Lưới năm 2013, tạo đà để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mặt công tác trong những năm tiếp theo; giúp huyện tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, tồn tại; dự báo những khó khăn, các vấn đề nổi cộm; những ý tưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị,…; đồng thời, đề xuất những giải pháp trong khuôn khổ quan hệ phối hợp giữa 2 bên và trong phạm vi trách nhiệm tham mưu công tác quản lý nhà nước của Ban Dân tộc; tạo mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin hai chiều giữa Ban Dân tộc và UBND huyện A Lưới trên tất cả mọi lĩnh vực.

Ban Dân tộc cử cán bộ cùng với UBND huyện khảo sát thực địa, tìm hiểu tình hình, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, các cộng đồng dân cư thông qua các phương pháp tiếp cận quan sát thực tế, phỏng vấn người dân và cán bộ có trách nhiệm; làm việc với lãnh đạo huyện để thống nhất các vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong khuôn khổ quan hệ phối hợp giữa Ban Dân tộc và UBND huyện. Hai bên thống nhất ký kết biên bản phối hợp công tác năm 2013.

Về kinh tế

Một là, giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất. Tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất để trồng cây ngắn ngày và đất trồng cây dài ngày để bảo đảm thu nhập tiềm năng ngày càng lộ rõ; nhiều hộ dân (như xã Hồng Quảng) trên thực tế đã tự tìm vùng đất sản xuất mới gắn với xây dựng nhà tạm, lán trại để ở (Xu). Tình trạng này sẽ dẫn đến nguy cơ tái nghèo, thoát nghèo không bền vững, hoặc phát sinh hộ nghèo mới. Vấn đề đặt ra là, đất ở đâu? loại đất gì, diện tích bao nhiêu, có khả năng sản xuất lương thực, trồng cây cao su, trồng rừng kinh tế,… hay không? Đối với các hộ trên thực tế đã “di dân tự do”, từ xã này sang xã khác để tìm đất canh tác, huyện phải đối mặt để giải quyết. Phương án giải quyết bảo đảm tối ưu, và hiệu quả nhất là chủ động rà soát quỹ đất và rừng hiện có trên địa bàn để đề nghị tỉnh phân bổ và quy hoạch sử dụng phù hợp. Cùng với việc trồng rừng kinh tế, việc triển khai ý tưởng trồng cao su là hướng đi đúng nhằm bảo đảm thu nhập tiềm năng làm cơ sở cho thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu. Về điều kiện bên ngoài, cần tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình cao của các sở, ngành liên quan; đồng thời đề xuất tỉnh tạo điều kiện về cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả ý tưởng này. Về điều kiện bên trong, không chỉ chọn đất phù hợp mà còn chọn đối tượng hộ đủ điều kiện để bảo đảm trồng có hiệu quả. Cần nghiên cứu và tổ chức thực hiện triệt để Thông tư số 99/2006/TT- BNN ngày 06/11/2006 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ (TTCP); trong đó, có quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất; Thông tư số 58/2009/TT- BNN ngày 09/9/2009 của Bộ NN&PTNT Hướng dẫn việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp. Đây là chính sách mới của Bộ Nông nghiệp & PTNT, giải quyết ách tắc lâu nay về đưa rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất để cải tạo trồng cây cao su hay trồng rừng kinh tế. Huyện tiến hành giao rừng tự nhiên là rừng nghèo kiệt để nhóm hộ gia đình hoặc CĐDC quản lý và bảo vệ. Đây là điều kiện tiền đề để thực hiện ý tưởng trên. Ngoài việc trồng rừng kinh tế, trồng cao su, cần sớm nghiên cứu xây dựng các mô hình về sử dụng đất dưới tán rừng. Ngoài việc trồng cây mây nước bước đầu thành công và hiện đang nhân rộng, huyện cần chú trong xây dựng các mô hình về chăn nuôi, trồng các loại cây khác dưới tán rừng. Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên, ở những hộ dân được giao rừng tự nhiên là rừng sản xuất.

Hai là, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Rà lại các mô hình kinh tế hộ thành công trên lĩnh vực sản xuất để tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng; gắn với việc đánh giá kết quả thực hiện đầu tư phát triển sản xuất ở một số xã để rút kinh nghiệm chỉ đạo tốt hơn nữa việc lồng ghép các nguồn lực. Việc này tốn kém ít nhưng thường đem lại hiệu quả cao. Trước mắt, chọn các điển hình về trồng cao su, trồng rừng kinh tế, lập vườn, chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo một số mô hình giúp các hộ đặc biệt khó khăn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án sử dụng vốn vay lãi suất thấp theo Quyết định số 54/2012/QĐ -TTg ngày 04/12/2012 của TTCP bảo đảm có hiệu quả, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình.

Ba là, chú trọng phát triển kinh tế hợp tác để đáp ứng đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, nhiều hộ dân đã phát triển trồng cao su, trồng rừng kinh tế, đến nay bắt đầu cho thu hoạch. Việc thu hoạch mủ cao su và rừng kinh tế đã tạo động lực để đồng bào đẩy mạnh hơn nữa trồng cao su hay trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, tồn tại trong lĩnh vực này là, chúng ta quan tâm chưa đúng mức đến giải quyết đầu ra cho đồng bào theo hướng có lợi nhất. Bài toán đặt ra là làm thế nào để hạn chế, khắc phục tình trạng người dân bị ép cấp, ép giá? Để giải quyết bài toán này và những bất cập trong sản xuất nông lâm nghiệp; đòi hỏi khách quan cần có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa những người sản xuất, cần thí điểm một mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, trên cơ sở thực hiện chính sách giao rừng, cho thuê rừng hiện hành để tổ chức sản xuất và hoạt động dịch vụ nông lâm nghiệp.

Về văn hoá – xã hội

- Một là, chú trọng hơn nữa việc thực hiện chương trình đưa thông tin về cơ sở. Kiểm tra chỉ đạo để bảo đảm báo, tạp chí cấp không thu tiền đến kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

- Hai là, ngăn chặn các hủ tục có dấu hiệu “thức dậy”. Khảo sát thực trạng nạn tảo hôn có dấu hiệu phục hồi và nguy cơ lan rộng, để có giải pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu gương tốt; đồng thời, cần rà soát phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm.

- Ba là, xây dựng gia đình văn hóa gắn với thực hiện tiêu dùng hợp lý. Gắn với việc xây dựng một vài điển hình về gia đình văn hoá, để xây dựng mô hình và từng bước tạo phong trào vận động nhân dân làm sập. Sập là đồ dùng đa dụng của gia đình. Đó vừa là kho chứa thóc hoặc chứa đựng của cải, tài sản; vừa có thể thay thế giường ngủ. Trong lúc đồng bào còn nghèo, thóc thu hoạch về không có nơi cất trữ để chuột ăn thì bà con lại mua tủ để đựng đồ; vận động các hộ có điều kiện nên ưu tiên mua sắm bàn ghế dùng vào việc học tập của con em ở gia đình.

- Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín (NCUT). Tiến hành khảo sát đánh giá các tấm gương điển hình của NCUT để phát huy hơn nữa vai trò của họ trên từng lĩnh vực nhằm tổng kết, tuyên truyền nhân rộng.

- Năm là, phục hồi các giá trị truyền thống văn hóa ở của đồng bào DTTS. Xây dựng dự án nhà dài truyền thống bằng vật liệu truyền thống ở địa phương để bảo tồn văn hoá ở của đồng bào từng dân tộc. Trước mắt, năm 2013, huyện xem xét để chọn lập dự án làm nhà truyền thống của 1 dân tộc ở địa bàn của 1 xã có điều kiện thuận lợi nhất, ở địa điểm phù hợp với quy hoạch thiết chế văn hoá ở cơ sở. Phương châm thực hiện “ Nhà nước và cộng đồng dân cư cùng làm”.

Về xây dựng xã điển hình toàn diện của huyện

Huyện thống nhất chọn xã Hương Lâm để phối hợp cùng Ban Dân tộc chỉ đạo điểm điển hình toàn diện gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ban Dân tộc cùng huyện xây dựng cơ chế phối hợp cùng giúp xã tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Ngoài ra, hai bên đã thống nhất cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin và phân công trách nhiệm trong lãnh đạo để đôn đốc theo dõi việc phối hợp tổ chức thực hiện. Làm được những nội dung trên và có sự hỗ trợ tích cực của các sở, ngành liên quan về phương diện chuyên môn, chắc chắn góp phần giúp A Lưới giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững và từng bước phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Võ Văn Dự
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.519.243
Truy câp hiện tại 1.199