Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phát huy nghề dệt zèng của người Tà Ôi
Ngày cập nhật 06/03/2013
Phụ nữ bên sản phẩm thổ cẩm

A Lưới luôn tự hào bởi những truyền thống anh hùng của chính mảnh đất, con người nơi đây. Văn hóa cùng đồng hành âm thầm trầm mình trong dòng chảy của đời sống chính họ và in đậm rõ nét văn hóa của người bản địa, nét văn hóa ấy đã tồn tại trong ý thức bảo tồn giá trị văn hóa tộc người; đó là về các giá trị văn hóa được thể hiện trong chính ngôn ngữ, chữ viết, văn học nghệ thật, văn hóa ẩm thực, kiến trúc phong tục lối sống của đồng bào và rõ nhất đó là sự biểu hiện trong nghề thủ công truyền thống - nghề dệt thổ cẩm của tộc người Tà Ôi ở huyện A Lưới. 

Nghề dệt thổ cẩm của người Tà ôi đã ra đời từ rất lâu, đến bây giờ cả những người cao niên trong các làng cũng không còn ai nhớ rõ nghề này đã có từ khi nào, chỉ biết rằng nó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mà trong đó vai trò người mẹ là vô cùng quan trọng bởi khi có con gái lớn đến tuổi đôi mươi đều phải biết dệt những tấm zèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại. Nghề dệt dèng đã tồn tại và song hành cùng với bao biến cố thăng trầm của thời gian, con người đã mang trong mình dáng vẻ của một văn hóa vùng Trường Sơn. Nét độc đáo, lộng lẫy của gam màu chủ đạo đen - đỏ đã tô thắm làm đậm nét hơn giá trị đặc trưng của văn hóa tộc người ở vùng núi phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo chị Căn Thoại - Tổ trưởng tổ Dệt zèng xã A Đớt, một người đã gắn bó với nghề này hơn 35 năm nay cho biết: “Nghề dệt dèng là một nghề được người mẹ truyền lại cho con gái, ai cũng phải học dệt dèng, bởi nghề này không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Cô dâu về nhà chồng phải dệt được tấm dèng đẹp để tặng người trong gia đình nhà chồng, đó còn là thuớc đo vẻ đẹp của những cô gái…”. Tổ hợp dệt dèng của xã A Đớt được đầu tư bở dự án NAP vào năm 2004 với hơn 38 thành viên của nhóm. Đến năm 2012 thành viên nhóm dệt dèng đã tăng thêm với gần 62 người. Từ hoạt động hợp tác này, đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ trong xã. Mỗi năm, nhóm dệt của xã đã bán hàng qua các đầu mối tiêu thụ tại các quầy, shop tại Hà Nội, các điểm như Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam.

Nhóm dệt Zèng đã bán được ở mức thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng. Riêng các gia đình tự dệt thì tự lo khâu tiêu thụ, chủ yếu được bán tại các xã lân cận và các vùng huyện bạn như huyện Đắkrông, Hướng Hóa tỉnh Quảng trị, huyện Tây Giang, Đông Giang, tỉnh Quảng Nam...

Từ những điều được quy ước từ xa xưa, các cô gái hiểu được muốn được đánh giá tốt về phẩm hạnh của người phụ nữ thì trước tiên phải dệt được tấm dèng đẹp, thể hiện sự khéo tay, sự cần cù, tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ.Tất cả được gửi gắm trong những tấm dèng, là sự thể hiện tâm hồn của họ qua từng chi tiết của hoa văn, gam màu được chính họ pha chế, tạo thành tấm dèng đầy sắc màu và lộng lẫy.

Mỗi sản phẩm thổ cẩm làm ra đều gửi gắm trong đó tình yêu lao động và ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no đầy đủ. Những đường nét, màu sắc và hoa văn này đều được các nghệ nhân dày công tìm tòi, sáng tạo từ những hình tượng được khắc họa trong thiên nhiên như cây cỏ, hoa lá và cả những muông thú, loài chim quý. Điều này thể hiện sự gần gũi thân thiện sự hòa quyện giữa cảnh vật trong tự nhiên với con người. Đó còn thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng nhưng cũng hết sức khoáng đạt, rắn rỏi như chính tâm hồn người dân vùng miền núi gửi gắm trong mỗi tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo độc đáo này.

Sản phẩm thổ cẩm chủ yếu được các chị, các mẹ dệt để phục vụ cho nhu cầu trong sinh hoạt. Đối với phụ nữ, zèng dùng để may áo, váy trang phục thổ cẩm, ngoài ra được sử dụng may các loại khăn, túi đeo, các loại nịt, mũ .. Có vẻ sản phẩm dành cho phụ nữ được sáng tạo nhiều chủng loại đa dạng phong phú hơn so với trang phục của người đàn ông (chỉ có tấm vải thổ cẩm để choàng trên người và thổ cẩm - vải Khố).

Trung bình mỗi tấm vải dèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 150.000 -500.000 đồng, có loại thì đến gần 2 triệu đồng, tùy theo sự lựa chọn của khách hàng (thường loại có cườm trang trí đẹp mắt giá cao hơn). Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn thiện, người phụ nữ Tà Ôi đã bỏ công sức dệt từ khâu chuẩn bị sợi, lên khuôn và dệt vải phải mất đến cả tuần, nhất là vải dèng có hạt cườm thì các chị thêu dệt khá công phu, kỳ công, tỷ mỉ hơn cả.

Với điều kiện khá thuận lợi về nguồn nhân lực chủ yếu là người bản địa được thừa hưởng nghề truyền thống đã có từ lâu với có tay nghề cao của các nghệ nhân thổ cẩm cùng với sự say mê, nhiệt tình lao động sáng tạo của họ thì nghề dệt thổ cẩm ở A Lưới ngày càng phát triển với những sản phẩm phong phú, đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng không chỉ trong nội địa mà còn được quảng bá bán ra thị trường rộng hơn. Các dịp hội chợ, triển lãm của cấp tỉnh, khu vực và trong nước. Các Tổ hợp dệt Thổ cẩm trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia vào hoạt động này, được nhiều người biết đến, đã quảng bá được sản phẩm văn hóa độc đáo của các dân tộc A Lưới.

Mặc dù chưa phải là mặt hàng đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con các dân tộc nhưng từ việc bán thổ cẩm này cũng đã góp phần rất lớn trong thu nhập cho các gia đình ở vùng bản xa xôi của huyện A Lưới. Các chị là người nghệ sỹ tài hoa biết dệt những tấm dèng rực rỡ sắc màu .. Để có đầu ra cho sản phẩm, trong gia đình được phân công người đàn ông có nhiệm vụ đem sản phẩm này đến các xã trong huyện để bán. Ngoài ra, thổ cẩm còn được tiêu thụ tại các vùng lân cận như các huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), Đăkrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) tạo nguồn kinh tế đáng kể cho gia đình mình.

Với những lợi thế từ nghề thủ công truyền thống của đồng bào nhằm tạo thu nhập cho người dân và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của tộc người Tà Ôi thì trong thời gian tới, rất cần có nhiều hơn nữa những lớp tập huấn về nghề dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề cho chị em, cùng sản phẩm truyền thống ngày càng chất lượng, đạt độ tinh xảo mang tính thẩm mỹ cao, thu hút người tiêu dùng nội địa và vươn rộng hơn nữa ra thị trường quốc tế.

Trong cái lạnh của mùa xuân đang tràn về trên khắp núi rừng với hoa Pier pang, hoa Ta vai đang đua cùng sắc xuân. Các chàng trai cô gái cùng những bộ trang phục thổ cẩm sặc sỡ hoa văn, dập dìu trong nắng ấm, tạo cảnh sắc của thiên nhiên, con người nơi đây thêm nồng nàn và tràn đầy nhựa sống. Một mùa xuân thật sự đang về trên vùng cao A Lưới ...

Pa Côh Thêm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.523.265
Truy câp hiện tại 4.047