Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Dung - Giám đốc Sở Y tế tỉnh thừa Thiên Huế, ông Khom Lăn Vi Chích - Phó Sở Y tế tỉnh Salavan nước CHDCND Lào, ông Xôm Nức Kum Man Phi Be - Phó Phòng Y tế huyện Sá Muội, nước CHDCND Lào cùng đại diện các cơ quan, đoàn thể liên quan, các Trạm quân dân y, các đồn biên phòng Hồng Vân, A Đớt và lãnh đạo các xã biên giới.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong những năm qua, bệnh sốt rét ở Việt Nam đã được khống chế và đẩy lùi, thu hẹp dần phạm vi lưu hành bệnh sốt rét, chúng ta đã thực hiện thành công mục tiêu phòng chống sốt rét trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2011 cả nước giảm được 33,33% số người chết sốt rét và 16,04% số người mắc sốt rét so với cùng kỳ năm 2010, không có dịch lớn sốt rét lớn xảy ra.
Năm 2011, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các hoạt động của dự án phòng chống sốt rét đã được triển khai thực hiện tại 32 xã, thị trấn với 199 thôn bản thuộc 2 huyện A Lưới và Nam Đông. Với nguồn kinh phí 1.485.835.755 đồng được cấp cho các hoạt động dự án, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp cùng 2 huyện dự án triển khai thực hiện 4 mục tiêu nâng cao việc tiếp cận và sử dụng các biện pháp phòng chống sốt rét hiệu quả, nâng cao việc tiếp cận và sử dụng chẩn đoán, điều trị sốt rét hiệu quả, tăng cường giám sát và giải quyết dịch sốt rét và nâng cao năng lực của Chương trình Quốc gia phòng chống sốt rét.
Tại địa bàn huyện A Lưới, trong năm 2011, tình hình sốt rét diễn biến theo chiều hướng tích cực, đạt được nhiều chỉ số theo yêu cầu và mục tiêu của Dự án: Tất cả các chỉ số về sốt rét đều giảm hơn so với năm 2010; số bệnh nhân sốt rét giảm 31,58%; số ký sinh trùng sốt rét giảm 5,88%; không có sốt rét ác tính, tử vong hay dịch sốt rét xảy ra. Công tác phối kết hợp giữa 2 nước Việt Nam – Lào nói chung và của 03 huyện A Lưới – Ka Lừm, Tù Muội, nói riêng trong công tác phòng chống sốt rét những năm qua cũng đã có những kết quả nhất định.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, bệnh sốt rét vẫn là mối đe doạ và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Nhiều vấn đề chuyên môn, kỹ thuật như ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, muỗi kháng hoá chất, sự phục hồi muỗi truyền bệnh ở các vùng đã ngừng các biện pháp can thiệp, cùng với mầm bệnh luôn có trong cộng đồng là nguyên nhân lan truyền tự nhiên tại chỗ. Bên cạnh đó, sự biến động về dịch tể sốt rét, giao lưu ngày càng nhiều vào các vùng sốt rét lưu hành, sinh thái môi trường bị thay đổi. Đặc biệt khu vực miền núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa là khu vực trọng điểm sốt rét lưu hành, tỷ lệ mắc chết cao hơn các khu vực khác trong toàn tỉnh; di biến động dân cư khó kiểm soát do nguyên nhân như dân đi rừng, ngủ rẫy, di cư tự do, giao lưu biên giới…; kinh tế xã hội vùng sốt rét còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Các yếu tố có tính bền vững như công tác xã hội hoá phòng chống sốt rét, sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế. Mạng lưới y tế cơ sở luôn là vấn đề then chốt để phát huy và duy trì thành quả trong công tác phòng chống sốt rét. Nhưng ở những xã vùng sâu, vùng xa thì hiệu quả hoạt động của đội ngũ y tế cơ sở chưa cao; kiến thức chuyên môn hạn chế; công tác quản lý đối tượng chưa được chặt chẽ; một phần do đặc điểm địa bàn phức tạp; ý thức của người dân còn hạn chế, và với chất lượng các biện pháp kỹ thuật như điều trị bệnh nhân, phun tẩm hoá chất diệt muỗi chưa được thường xuyên, một số cơ sở còn xem nhẹ công tác giám sát dịch tễ, quản lý ca bệnh, chưa phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ tuyến cơ sở.
Hội nghị chống bệnh sốt rét huyện biên giới tỉnh Thừa Thiên Huế lần này được tổ chức nhằm mục đích đánh giá tình hình sốt rét khu vực biên giới và cách phòng chống; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phòng chống sốt rét biên giới và phòng chống sốt rét cho nhóm di dân biến động khu vực biên giới; thảo luận kế hoạch hợp tác, phối hợp phòng chống sốt rét cho nhân dân khu vực biên giới.
Đ/c PGS.TS Nguyễn Dung - Giám đốc Sở y tế phát biểu
Hội nghị đã được nghe các báo cáo về tình hình sốt rét cũng như công tác phòng và chống sốt rét tại khu vực biên giới giữa huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Tù Muội, tỉnh Xalavan, huyện K’Lừm tỉnh Sê Kong nước CHDCND Lào. Phát biểu của ông Nguyễn Dung – giám đốc Sở Y tế và ông đã nhấn mạnh những vấn đề nổi cộm trong công tác PCSR khu vực biên giới được đặt ra là làm thế nào để quản lý được đối tượng giao lưu tự do qua lại biên giới, các đối tượng mang mầm bệnh sốt rét, mạng lưới y tế cơ sở vẫn còn thiếu và yếu, hoạt động truyền thông chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch UBND huyện cũng đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, các Đồn Biên phòng, UBND các xã, thị trấn tăng cường phối hợp cùng với ngành y tế chỉ đạo, hệ thống tổ chức phòng chống sốt rét tại địa phương, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác phòng chống sốt rét, tăng cường công tác tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng; củng cố và xây dựng mạng lưới y tế thôn bản, quan tâm công tác quản lý y tế tư nhân, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống sốt rét. Giảm mắc, không để tử vong, không để dịch sốt rét xảy ra.
Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu
Để giải quyết các vấn đề này, các đại biểu đã thống nhất một số giải pháp như: cần tăng cường sự hợp tác trao đổi kinh nghiệm về PCSR giữa hai tỉnh Salavan, Sê Kong và tỉnh Thừa Thiên Huế để cập nhật thông tin về tình hình sốt rét và PCSR; tuyên truyền về sốt rét và hệ thống loa truyền thanh của xã; tăng cường hợp tác với y tế tư nhân tại các tỉnh và các Công ty có các dự án khu vực biên giới để có biện pháp bảo vệ nhân dân. Hai bên mong rằng trong thời gian tới, trên tinh thần quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống và hợp tác ở tuyến biên giới, việc phát hiện và phòng chống sốt rét giữa 2 tỉnh nói chung và khu vực biên giới nói riêng sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, phục vụ lợi ích cho cộng đồng dân cư, thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.