Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đồi Băm Thịt bây giờ
Ngày cập nhật 05/05/2014
Chị Kăn Huệ hướng dẫn du khách lên Đ

Đồi A Bia (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế) mang trong mình bao trầm tích của những câu chuyện hào hùng và bi thương của thời chiến tranh chống Mỹ.

Trách nhiệm với bản làng

Trong câu chuyện xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại nơi vùng đất lịch sử A Bia (trong chiến tranh còn có tên gọi là đồi Băm Thịt), qua lời giới thiệu của anh Lê Văn Sinh, Phó Bí thứ Đảng ủy xã Hồng Bắc, chúng tôi có dịp gặp chị Kăn Huệ (SN 1980, ở bản Lê Ninh) đang làm hướng dẫn viên tình nguyện dưới chân đồi A Bia. Ngồi trò chuyện cùng Huệ, mới biết cách nghĩ, cách làm chân chất nhưng đầy trách nhiệm của những người con đối với địa danh lịch sử này.

Chị kể, tốt nghiệp trung học phổ thông, khi quê hương mình còn nhiều khó khăn, con đường lên đại học dường như con quá xa vời đối với chị. Rồi internet về bản làng, chị bắt đầu có cơ hội tìm hiểu thêm về môn lịch sử, môn học vốn yêu thích của Huệ từ thời phổ thông.

Chị Huệ nhớ lại: “Có lần dưới Phòng Văn hóa huyện điện lên, bảo có khách du lịch nước ngoài và cả trong nước muốn tham quan địa danh đồi A Bia, cả xã cứ “dấm dúi” nhau cử người ra làm người dẫn đoàn. Ai cũng ngại vì mình có làm “hướng dẫn viên” bao giờ đâu. Cái khái niệm “hướng dẫn viên” còn xa lạ lắm. Cứ ngập ngừng mãi cuối cùng mình đành thử".

Đó là lần đầu tiên Kăn Huệ phải làm hướng dẫn viên. Chị nhớ mãi một ngày nắng như đổ lửa, con đường quanh co dẫn lên đồi A Bia dù được bê tông hóa nhưng cũng làm đoàn người cảm thấy nhức mắt.

Lên đến nơi, bỏ xe dưới chân đồi, bắt đầu từ đây, du khách phải chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567 m để lên đến đỉnh. Nhiều khách nước ngoài trong và ngoài nước mệt lả nhưng họ vẫn cứ đi được là nhờ câu chuyện (thông qua người phiên dịch) của Kăn Huệ. Bằng cách nói chuyện có duyên, vốn kiến thức trang bị khá đầy đủ của mình, chị đã làm du khách hiểu hơn về A Bia, về địa danh A Lưới.

Chị kể câu chuyện về người anh hùng Cu Lói, là một người con của bản làng Hồng Bắc. Trong trận giao tranh trên đồi A Bia năm 1969 với giặc Mỹ, đã lập nhiều chiến công. Trong trận đánh cuối cùng, anh hùng Cu Lói hy sinh. Khi kể đến đây, nhiều du khách trong và ngoài nước cứ bị cuốn hút bởi câu chuyện. Nhất là du khách phương Tây, càng khâm phục hơn sự dũng cảm và kiên cường của đồng bào.

Không chỉ là những câu chuyện chính sử, Huệ còn tìm hiểu ở già làng, người lớn tuổi, những câu chuyện dân gian, truyền miệng liên quan đến địa danh A Bia để kể cho du khách cùng nghe.

Chị bảo: “Mình làm vì trách nhiệm là con em với bản làng thôi. Chứ mỗi tour như thế, Phòng Văn hóa huyện "bồi dưỡng” cho mình 50 nghìn đồng, tính ra không đủ tiền xăng".

Chia sẻ một chút về nghề nghiệp, Huệ cho hay, ngoài kiến thức, không phải một hướng diễn viên nào cũng chinh phục được gần một nghìn bậc cấp lên đỉnh A Bia. Bằng chứng là rất nhiều hướng dẫn viên, người dẫn đoàn chuyên nghiệp, khi đến A Bia phải dừng giữa chừng, "bỏ rơi’’ du khách vì không đi tới nổi.

Anh Lê Văn Sinh cho hay, bao năm qua dù xã không có lương để trả nhưng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của mình, Kăn Huệ đã giúp đưa hình ảnh quê hương Hồng Bắc, đặc biệt là đồi A Bia, ra với du khách trong và ngoài nước. Để làm được việc đó, không chỉ có kiến thức, sức khỏe mà cần cả một tấm lòng nữa.

Đường cày đầu tiên

Dưới chân đồi A Bia, dấu vết chiến tranh đã lùi xa, thay vào đó là những ruộng lúa nước xanh mướt. Gặp người khai sinh cây lúa nước ở Hồng Bắc, chúng tôi ghi lại được câu chuyện mấy chục năm trước với cảm xúc vui mừng khó tả của thôn dân khi đặt luống cày đầu tiên.

Dẫn chúng tôi ra ruộng lúa, ông Lê Minh Rói (60 tuổi, thôn Lê Ninh), nói về cây lúa nước một cách say sưa như cán bộ nông nghiệp thực thụ. Đó là những tháng ngày cây lúa nước lần đầu tiên đưa lên A Lưới.

 

Ông Lê Minh Rói nói về kỳ tích đưa cây lúa nước lên Hồng Bắc

Ông Rói nhớ lại: “Từ xưa, bà con dân bản chỉ biết làm lúa rẫy, với hạt Ra Zư nổi tiếng thơm ngon. Nhưng làm lúa rẫy thì phải nhờ trời, năm giáp hạt không đầy vài a chói. Năm 1977, cách trồng lúa nước đầu tiên được đưa về xã Hồng Quảng. Lúc đó, già làng Quỳnh Nót (thôn Pa Đu) là người hướng dẫn dân bản trong xã trồng. Ông Nót có chuyến ra Bắc học kỹ thuật trồng cây lúa nước rồi về tự khai hoang trồng thử".

Lúc đó, ông Rói là thanh niên trong xã, được cử về học cách trồng cây lúa nước ở Hồng Quảng. Ròng rã mấy tháng trời ghi chép, học hỏi từ cách gieo giống, cày ải, chế tạo lưỡi cày, ủ phân…, ông trở về thôn Lê Ninh, họp dân bản nói về cách trồng lúa nước.

Thung lũng nơi gần ba ngọn suối A Rê, A Túc, A Ta được khai hoang. Phát đốt trong mấy tháng trời nhìn lại vùng đất 3 ha rộng mênh mông. Dân bản phải chặt cây chế tạo lưỡi cày. Đưa ống tre dẫn nước từ suối đổ về để cày ải.

Cán bộ nông nghiệp huyện đưa giống, trâu về bản. Ông Rói nhớ mãi một buổi sáng mùa xuân đầu năm 1978, khi dân bản tập trung bên khe A Túc, ông Rói là người đi đường cày đầu tiên, bà con rất phấn khởi. Cứ một buổi cày bằng 10 người cuốc.

Ông Lê Văn Hoa (thôn Lê Lộc 1), một "cộng sự” với ông Rói nhớ lại buổi sáng lịch sử: “Khi ông Rói dùng roi điều khiển con trâu, ấn đường cày đầu tiên, dân bản đều tròn xoe mắt. Lúc đó bà con mới biết cái cục sắt rèn bén thế, trâu kéo sẽ đỡ hơn sức người cả nghìn lần. Và cũng lần đầu tiên, bà con mới biết thế nào là thủy lợi, dù chỉ là những ống tre sơ khai".

Hạt lúa nước đã thay đổi dần nhận thức của dân bản Lê Ninh, để rồi từ 3 ha lúa khai hoang đầu tiên với 20 hộ dân trồng, phong trào trồng lúa nước được nhân rộng toàn xã. Công đoạn ngâm giống, xuống giống cũng được ông Rói tận tình chỉ bảo cho dân bản Lê Ninh.

Một thời kỹ thuật ngâm giống “một sôi hai lạnh” như đã trở thành câu khẩu hiệu để sản xuất. Ông Rói nhớ lại, cách ngâm giống hồi đó làm khá đơn giản, bỏ giống ngâm vào cái A Te (vật dụng đựng nông sản), đậy lá chuối xung quanh, sau 2-3 ngày là đem đi gieo được. Rồi cách ủ phân chuồng, lần đầu tiên dân bản cũng được thấy. Thời đó gần như nhà nào cũng có hố ủ phân chuồng phục vụ SXNN.

Vựa lúa đầu tiên thành công ngoài mong đợi, vì hồi đó rất ít sâu bệnh. Lương thực được đáp ứng đầy đủ. Những mùa giáp hạt giờ đã là quá vãng khi đến nay, đã có hơn 100 ha lúa nước trong xã được trồng, đảm bảo nguồn lương thực cho địa phương.

Ông Quỳnh Tàn, một trong 20 hộ tiên phong trồng lúa nước ngồi nhẩm tính: “Trồng lúa nước hồi đó được mấy chục a chói, đã giải quyết được 6 tháng lương thực cho từng hộ gia đình. Chưa bao giờ một thứ cây trồng mà dân bản kỳ vọng nhiều như thế".

Được dân bản tín nhiệm, mấy chục năm làm cán bộ, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đến nay ông Rói đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc. Khi ngồi ở ghế cán bộ rồi, ông vẫn trở về với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ những khó khăn qua từng vụ mùa.

Nói như ông Rói, không phải mình tài giỏi gì, mà hồi đó, sau chiến tranh, đói quá cái đầu gối phải bò. Mình là đảng viên, phải là người đi trước.

Theo Nongnghiep.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.510.071
Truy câp hiện tại 122.274