Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người thầy thuốc hết lòng vì dân bản
Ngày cập nhật 27/02/2011

Tôi gặp bác sĩ Thanh Hoa khi chị vừa dự “Diễn đàn toàn cầu về nhân lực y tế lần II” trở về. Không kịp nghỉ ngơi, chị tiếp tục khám bệnh cho bà con. “Mình đi công tác khá lâu, để bà con chờ đợi khám bệnh tội nghiệp lắm”. - Thanh Hoa nói. Dù trong hoàn cảnh nào, Thanh Hoa cũng luôn coi việc khám chữa bệnh cho người dân là quan trọng hơn tất cả. Người bác sĩ giàu y đức này bất cứ ai ở A Đớt cũng biết.  

 

Hết lòng với người bệnh

Chị Kăn Lễ ở thôn Liên Hiệp, xã Hương Lâm vẫn còn nhớ mãi lần chuyển dạ sinh con vào đêm trời tối năm 2002. Sau 3 lần sinh nở không thành, lần này chị vẫn sinh ở nhà, do bị băng huyết, chị Kăn Lễ có nguy cơ không thể vượt qua lưỡi hái của tử thần. Ngày ấy, chị Hoa còn là y sĩ, một mình trong đêm tối đã đạp xe, băng rừng kịp thời cứu sống cả 2 mẹ con bà. Khi chị Hoa đến, chị Kăn Lễ đang ngất lịm bên đứa bé mới sinh, người bê bết máu, rốn và nhau thai vẫn còn quấn chặt cơ thể người mẹ. Chị Hoa một mình vừa tiêm thuốc trợ sức, vừa cắt rốn, bóc nhau thai, hô hấp, ủ ấm cho em bé. Sau 3 tiếng giành giật với tử thần, khi hai mẹ con chị Kăn Lễ được cứu sống cũng vừa lúc chị Hoa lả đi vì mệt. “Nếu không có chị Hoa thì hai mẹ con tôi đã bị ma nó bắt đi mất rồi”.
 
9 năm trôi qua, chị Kăn Lễ vẫn còn xúc động kể về câu chuyện được chị Hoa cứu sống khi chúng tôi đến thăm. Bây giờ, bé Nguyễn Thị Hương Ly, con gái chị Kăn Lễ được chị Hoa cứu sống năm nay đã học lớp 4, luôn dành tình cảm cho Thanh Hoa như người mẹ đã sinh ra mình.
 
Có lần, bác sĩ Hoa bị gãy chân phải bó bột. Đúng hôm đó, sản phụ Ploong Thị Hồng trở dạ. Chị Hoa phải nhờ chồng chở đến trạm y tế xã. Chị phải chờ từ 4 giờ chiều đến 2 giờ sáng ngày hôm sau sản phụ mới sinh. Khi vừa đỡ đẻ xong, chưa kịp nghỉ ngơi và đang chia vui với sản phụ vì sinh được quí tử, đột nhiên người mẹ ra máu dữ dội, chị Hoa cứ lê cái chân đau từ góc này sang góc khác để lấy thuốc, bông băng thực hiện cầm máu. Vừa cấp cứu cho bệnh nhân, vừa gọi xe cứu thương từ trung tâm y tế huyện. Đúng 4 giờ sáng, sản phụ qua cơn nguy kịch, chị Hoa một mình chống nạng ra về. Cậu bé trai gặp may ấy giờ đã 4 tuổi, gặp bác sĩ Hoa là gọi “Mẹ Hoa”một cách trìu mến.
 
Mẹ con chị Kăn Lễ và Ploong Thị Hồng chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà nữ bác sĩ này đã cứu mạng trong suốt 16 năm khoác trên mình chiếc áo bờ lu trắng. Không kể giờ giấc, bất chấp thời tiết, mưa, nắng, lúc nào người dân cần là bác sĩ Hoa có mặt. Chưa bao giờ, chị nhận một đồng tiền công từ người bệnh. Ngược lại, chị còn bỏ tiền túi để giúp người dân nghèo khổ, dù gia đình chị vẫn chưa khá giả. Chị Hồ Thị Phúc ở xã A Đớt còn nhớ mãi ngày chị ốm nặng, suýt chết, chị Hoa không chỉ thuê xe cấp cứu chở chị đi bệnh viện huyện, còn cho cả tiền ăn trong những ngày điều trị. Có gia đình khó khăn về kinh tế, chị đã mua gà, vịt giúp gia đình phát triển chăn nuôi. 
 
Tốt nghiệp trung cấp y, nhận nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Hương Lâm, rồi tiếp tục học đại học trở thành bác sĩ, trở về quê hương làm việc, được phân công làm Trưởng trạm Y tế xã A Đớt. Bất kỳ ở đâu, nữ bác sĩ này đều được dân địa phương tin yêu, quí mến.
 
Chuyên môn đẩy lùi hủ tục
 
Nữ bác sĩ người dân tộc Katu Hồ Thị Thanh Hoa, 38 tuổi Trưởng trạm Y tế xã A Đớt, A Lưới là một trong 2 cán bộ y tế trên toàn quốc vinh dự được dự “Diễn đàn toàn cầu về nhân lực y tế lần II do Liên minh toàn cầu Nhân lực Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Giải thưởng Công chúa Mahiđol (Thái Lan), cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Nhật Bản đồng tổ chức tại Thái Lan từ ngày 25 đến 29/1-2011, là 1 trong 12 cán bộ y tế cơ sở của thế giới vinh dự được nhận giải thưởng cao quí do Liên minh toàn cầu Nhân lực Y tế trao tặng. Chị cũng là người được vinh dự nhận giải thưởng Đặng Thuỳ Trâm 2008- giải thưởng dành cho cán bộ y tế 10 tỉnh miền Trung có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhiều lần lên A Lưới, tôi vẫn thường nghe nhắc đến cụm từ “Pa Tang”, nhưng không hiểu được nghĩa của nó. “Có nghĩa là vùng đất chết, theo cách gọi của đồng bào nơi đây. Do hậu quả của chiến tranh, vùng đất quê mình khổ lắm. Người dân vẫn sống một cuộc sống khó khăn và lạc hậu. Vì thế, mình giúp được bà con điều gì thì cố mà làm”. Chị Hoa nói. Trong khi nền y học ngày càng phát triển mạnh mẽ, ở quê chị mỗi khi đau ốm không ít người dân vẫn duy trì phong tục cổ hủ là cúng Giàng. Vận động bà con đến khám ở trạm y tế không phải là điều dễ dàng. Phải thuyết phục họ bằng hiệu quả của điều trị bệnh. Chẩn đoán bệnh chính xác. Điều trị khỏi các bệnh sốt rét, xuất huyết, tiêu chảy và các bệnh thông thường. Xử lý cấp cứu những ca băng huyết cứu sống nhiều người đã đem lại niềm tin cho người dân địa phương với cán bộ y tế, với Trưởng trạm y tế Hồ Thị Thanh Hoa. Ngoài công tác khám chữa bệnh cho bà con tại trạm xá, bác sĩ Hoa còn thường xuyên xuống tận thôn bản, đến từng nhà dân giải thích vận động người dân xoá bỏ những tập tục lạc hậu, những thói quen xấu ảnh hưởng đến sức khoẻ và tuyên truyền cho họ cách giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh. Một điều ít người biết là bác sĩ Hoa đã bỏ khá nhiều công sức để biên soạn các nội dung tuyên tuyền về sức khoẻ, kế hoạch hoá gia đình, nếp sống gia đình bằng các thứ tiếng của người dân tộc để người dân dễ nhớ, dễ thuộc.
 
A Đớt là xã biên giới, là vùng nhạy cảm, luôn có nguy cơ dịch sốt xuất huyết và các bệnh khác đặc biệt là bệnh sốt rét. Phòng chống bệnh sốt rét là một trong những chương trình ưu tiên hàng đầu của Trạm y tế A Đớt, bác sĩ Thanh Hoa lại gồng mình trước trách nhiệm nặng nề, xuống cùng nhân viên y tế thôn bản hướng dẫn bà con ngủ phải bỏ màn, tẩm màn bằng hoá chất diệt muỗi; người dân trước khi đi vào rừng hoặc đến những nơi đang có bệnh rốt rét phải uống thuốc dự phòng. “Làm sao biết người dân vào rừng hoặc đến địa bàn sốt rét để phát thuốc dự phòng cho họ?” - Tôi hỏi bác sĩ Hoa. “Nhờ vào lực lượng y tế thôn bản. Tôi duy trì chế độ giao ban thường xuyên với y tế thôn bản và phân công việc cụ thể nên đã làm tốt công tác dự phòng”. Bác sĩ Hoa trả lời.
 
Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã A Đớt cho biết: “Hiện nay, xã có 80% người dân khám bệnh và trên 70% sản phụ sinh con tại trạm y tế, trên 60% số hộ gia đình có nhà vệ sinh… đặc biệt trong 5 năm qua, xã không có dịch bệnh xảy ra. Đó là nhờ những nỗ lực của cán bộ y tế, trong đó có công lớn của bác sĩ Hoa”. Còn bác sĩ Thanh Hoa thì “tiết lộ”: Chị có thời gian để giúp được bà con dân bản là nhờ chồng chị, anh Hồ Sỹ Thang, anh đã giúp chị nuôi dạy con trong suốt những năm chị học đại học ở Huế bằng đồng lương ít ỏi của mình, lương công nhân ngành giao thông, thậm chí kể cả vay ngân hàng. Sau khi chị ra trường, làm trạm trưởng, anh lại tiếp tục phụ giúp chị việc nhà để chị có điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
 
Những thành tích của chị đã được nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh biểu dương trực tiếp tại cuộc gặp mặt cán bộ y tế cơ sở xuất sắc tiêu biểu ở miền núi đầu năm 2009 tại Hà Nội. Giờ đây, những việc làm đầy ý nghĩa của chị lại tiếp tục được tôn vinh tại Diễn đàn toàn cầu về nhân lực y tế lần II, trước 1.200 đại biểu của 54 nước. Đây cũng là động lực để bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng sâu.

 

 

Theo Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.453.343
Truy câp hiện tại 73.700