Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Các giải pháp tăng cường Tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số ở A Lưới
Ngày cập nhật 09/11/2011

Giáo dục là một vấn đề luôn nhận được sự quan tâm hết sức đặc điệt ở nước ta. Trong quá trình hội nhập cùng sự phát triển như hiện nay, giáo dục lại càng chiếm vị trí hết sức quan trọng. Nghị quyết TW2 Khóa VIII nêu rõ “Giáo dục cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục nên Đảng và Nhà nước ta luôn tìm cách nghiên cứu, đổi mới đưa ra những hình thức, các biện pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó phải kể đến vấn đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”cho các huyện vùng sâu, vùng xa, miền núi được chú trọng. Ngay từ năm 2005, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế đã có nhiều cuộc hội thảo trao đổi về vấn đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” và đã chỉ đạo đưa vào giảng dạy trong các trường mầm non trên địa bàn miền núi toàn tỉnh.

Miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài dân tộc Kinh còn có dân tộc Cơtu, Bru - Vân Kiều, Tà ôi, Pacô, Pahy. Cư trú chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Nam Đông, A Lưới và rải rác ở xã Hồng Tiến, Bình Thành, Bình Điền, Hương Vân (huyện Hương Trà), xã Phong Sơn, Phong Mỹ(huyện Phong Điền), xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc), xã Phú Sơn, Dương Hoà (Thị xã Hương Thuỷ). Tại đây, phần đông trẻ em dân tộc thiểu số trước khi đến bậcTiểu học thường sử dụng thông thạo tiếng mẹ đẻ, nhưng lại không biết hoặc biết rất ít tiếng Việt. Do vậy, khi học sinh vào lớp Một, các em gặp không ít khó khăn khi học tập, việc giao tiếp và tiếp nhận sự giáo dục bằng tiếng Việt. Có một số em do không sử dụng được tiếng Việt nên rụt rè, ngại giao tiếp, không tự tin nên việc học tập của các em không có hiểu quả.

Muốn khắc phục điều này, trẻ em người dân tộc thiểu số trước khi đến trường ít nhất phải có những hiểu biết ban đầu về tiếng Việt. Vậy ai sẽ giúp các em có những hiểu biết này? Chính là người giáo viên mầm non, các cô là “người mẹ hiền” sẽ giúp các em có những hiểu biết bước đầu này.   

Lý luận dạy học đã khẳng định hoạt động dạy và học trong nhà trường mầm non có quan hệ chặt chẽ với tâm sinh lý của trẻ về ngôn ngữ của trẻ và điều đó được thể hiện ở các yếu tố: Mục đích, nội dung, chương trình và nhiệm vụ dạy học, giảng dạy của giáo viên mầm non là giáo dục ngôn ngữ cho trẻ. Mục đích của công việc này là hình thành bước đầu cho trẻ những năng lực ngôn ngữ như nghe lời nói và phát âm, khả năng sử dụng từ ngữ, các kiểu câu tiếng Việt và đặc biệt là nói năng mạch lạc trong giao tiếp và học tập. Ngoài ra, trẻ cũng được chuẩn bị một số kiến thức sơ đẳng và thói quen cần thiết để học ở lớp Một.

Các yếu tố trên chịu chi phối rất lớn của tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn và các truyền thống phong tục tập quán của cư dân. Do đó, nó đòi hỏi quá trình dạy học ở mầm non có tính sư phạm cao, sự cộng tâm và tình yêu thương đối với trẻ thơ “cô giáo như mẹ hiền”. Trong sự tác động qua lại giữa giáo viên và các cháu với yêu cầu đặt ra phải phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, có nhiều yếu tố tham gia vào quá trình dạy học đó là:

+ Người giáo viên là người bạn, là người mẹ của trẻ, luôn xem trẻ là trọng tâm để từ đó có những tác động giúp trẻ khám phá được thế giới xung quanh.

+ Người giáo viên luôn lắng nghe và chia sẻ với trẻ để khơi gợi tính tò mò, lòng ham hiểu biết của trẻ. Như thế giới ngôn ngữ trong tiếng Việt của trẻ mới phát triển và trẻ tiếp thu bài một cách có hiệu quả hơn.  

+ Giáo viên phải linh động tổ chức dẫn dắt các cháu tham gia vào những buổi học, những trò chơi đóng vai. Thông qua đó trẻ học được ngôn ngữ tiếng Việt.

Ví dụ: Khi cô giáo tổ chức một trò chơi: Đóng các vai nhân vật trong câu chuyện “Dê đen và Dê trắng” và khi trẻ đảm nhận vai nhân vật của mình thì trẻ phải biết được các lời thoại của nhân vật…nhưng khi trẻ tham gia chơi thì phải tuân thủ theo luật: Trong câu chuyện Dê đen phải đối mặt với Sói, dùng mưu trí của mình để chiến thắng Sói. Từ đó nhu cầu giao tiếp, nhu cầu được nói làm tăng vốn từ tiếng Việt cho trẻ. Và khi trẻ hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt thì quá trình học của trẻ mới có hiệu quả.

Qua những yếu tố trên cho ta thấy việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” là việc làm hết sức cần thiết để hỗ trợ việc dạy học cho trẻ người dân tộc khi các em rời trường mầm non bước vào cấp Tiểu học. Do đó, khi dạy học tùy vào đối tượng chúng ta đang dạy, tùy vào hoàn cảnh để giáo viên lựa chọn những bài dạy phù hợp với trẻ, được như thế buổi học mới thành công, các cháu nắm bắt nhanh vấn đề mà cô giáo đưa ra.  

Vai trò “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” là hết sức quan trọng và cấp bách trong quá trình nhận thức được về sự vật, hiện tượng của các cháu. Vì khi trẻ hiểu câu hỏi của cô thì trẻ mới trả lời được, trẻ thành thạo ngôn ngữ tiếng Việt mới diễn đạt hết những ý tưởng của mình cho cô giáo hiểu.

Ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mạch lạc thì trẻ lại thích giao tiếp, thích gần gủi với cô giáo, bạn bè và dần dần sự tự tin giao tiếp ấy giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng hơn thông qua sự dẫn dắt của cô giáo.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ như thế nào để có hiệu quả? Việc đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như buổi học, tính linh động của giáo viên, khả năng cảm nhận của trẻ, đồ dùng trực quan cho tiết dạy…Chính vì thế, khi đề cập đến tầm quan trọng của việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” chúng ta phải nghĩ đến tài liệu để cung cấp cho giáo viên một hệ thống từ vựng có liên quan đến chương trình lớp Một, những phương pháp nhằm giúp cho giáo viên có cơ sở hướng dẫn học sinh dân tộc tập nói tiếng Việt theo các tình huống ngôn ngữ gần gũi với cuộc sống trẻ thơ.

Muốn đạt được điều đó thì công tác này phải được duy trì thường xuyên và có khoa học, vừa đảm bảo tính lâu dài, tính kế hoạch đưa quá trình dạy học của nhà trường không ngừng phát triển theo công cuộc đổi mới giáo dục đất nước, làm sao cho chất lượng của dạy và học ở các trường mầm non trên địa bàn huyện A Lưới. Hiện tại toàn huyện có 21 trường Mầm non, trong đó hơn 70% các trường đóng trên địa bàn là trường vùng bản, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Làm thế nào để những trường này có thể theo kịp chất lượng của các trường mầm non trọng điểm khác của huyện A Lưới nói riêng và các trường ở đồng bằng nói chung.  

Trong những năm qua tình hình dạy và học của các trường mầm non  có những chuyển hóa cơ bản về quy mô số lượng các cháu đến trường ngày càng tăng, về chất lượng dần được nâng cao, về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dung dạy học ngày càng được trang bị nhiều hơn. Đặc biệt là các tài liệu nghiên cứu về chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” được chú trọng và đã được đưa vào giảng dạy tại các trường.

Đội ngũ giáo viên trong các trường đa số là giáo viên trẻ mới ra trường nên chưa có kinh nghiệm trong công tác và chăm sóc trẻ. Tài liệu nghiên cứu về chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” còn hạn chế. Chủ yếu là tài liệu các giáo viên sưu tầm từ các nguồn khác nhau.

Để góp phần giải quyết được việc trẻ và phụ huynh có thói quen sử dụng tiếng mẹ để nên ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi ở trường, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Chưa thống nhất và cách giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới cần thực hiện như sau:

 Giải pháp đã thực hiện: Việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” là qui định chung của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện A Lưới. Hằng năm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp thường xuyên của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, nên Ban giám hiệu các trường đã tích cực tập huấn, thao giảng các tiết dạy “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số” nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhìn chung các giáo viên mầm non phần nào cũng đã thực hiện và mang lại hiệu quả đáng kể trong việc dạy tiếng Việt cho các cháu.

Tuy nhiên, sự chỉ đạo còn mang tính chung chung, chưa cụ thể và thiếu thực tế. Do đó cần phải có những giải pháp tối ưu để tháo gỡ những khó khăn trong việc dạy học nhăm mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy và học giữa cô giáo và học sinh.

Đề xuất các giải pháp:

Giải pháp 1: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên về tâm quan trọng của việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”. Vì giáo viên là người trực tiếp tiếp xúc với trẻ, sử dụng khả năng sư phạm của mình để truyền đạt cho trẻ những kiến thức cơ bản đầu tiên. Để trẻ dễ hiểu, dễ cảm nhận được sự vật hiện tượng mà giáo viên đưa ra. Người giáo viên không thể chỉ truyền đạt và không biết học sinh mình có hiểu hay không. Do vậy tăng cường tiếng Việt là làm cho học sinh hiểu cô giáo đang nói gì? Và yêu cầu mình phải làm gì? Chỉ có như thế mới giúp trẻ cảm nhận được vấn đề một cách có hiệu quả.

 Giải pháp 2: Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên học tiếng dân tộc để hiểu trẻ.Muốn người khác hiểu mình trước hết mình phải hiểu người ấy. Đó chính là giải pháp có hiệu quả rất cao trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh.

 Giáo viên có thể xem, học các tài liệu về tiếng dân tộc sau đây:

+ Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên: Sách học tiếng Tà ôi - Pacô. Huế, 1986.

 + Sở Giáo dục&Đào tạo Thừa Thiên Huế: Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng Dân tộc thiểu số. Lớp 1. NXB Thuận Hoá, Huế, 2003.

 + Sở Giáo dục&Đào tạo Thừa Thiên Huế: Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng Dân tộc thiểu số. Lớp 2. NXB Thuận Hoá, Huế, 2003.

+ Sở Giáo dục&Đào tạo Thừa Thiên Huế: Hướng dẫn dạy kết hợp tiếng Việt và tiếng Dân tộc thiểu số. Lớp 3. NXB Thuận Hoá, Huế, 2003.

+ Sở Giáo dục&Đào tạo Thừa Thiên Huế: Tài liệu học tiếng Pacô - Tà ôi.Tập 1. Huế 2004.

+ Sở Giáo dục&Đào tạo Thừa Thiên Huế: Tài liệu học tiếng Pacô - Tà ôi. Tập 2. Huế 2005.

+ Nguyễn Thị Sửu: Đặc điểm cấu tạo từ của tiếng Tà ôi. Luận văn Thạc sĩ, Đại học Huế, 2005.

Ví dụ: Có một cô giáo dạy tiết: “Khám phá khoa học”: Tìm hiểu một số con vật sống trong gia đình. Khi dạy, cô giáo đưa bức tranh “Con gà” và hỏi: Con gì đây các con? Cả lớp đều giơ tay, cô giáo liền gọi trẻ H…lên và trẻ H trả lời rất to; con “Truôi”, trẻ trả lời bằng tiếng mẹ đẻ vì “Truôi” nghĩa là con Gà. Khi đó giáo viên  xử lý tình huống: Đây là con “Truôi” nhưng con hãy nói tiếng Việt đi nào? Trẻ trả lời “Con Gà”. Chính vì điều đó nên giáo viên cần đi học tiếng dân tộc để hiểu và giúp trẻ trả lời bằng tiếng Việt. Nếu giáo viên không biết tiếng dân tộc, không hiểu trẻ thì liệu có xử lý tình huống ấy được không? Liệu có kết quả không? 

Giải pháp 3: Thao giảng, dự giờ, kiểm tra đôn đốc giáo viên thực hiện đúng chương trình “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”.

Ban Giám hiệu Trường cần chỉ đạo tốt các giáo viên phải thực hành thao giảng, dự giờ, thảo luận vào kế hoạch chuyên môn, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm vụ năm học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ đạo giáo viên khai thác tốt việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”, giáo viên rèn luyện giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi. Ban Giám hiệu cần đưa ra các biện pháp phù hợp với thực tế của trường, cụ thể như sau:

 Phân công Tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”. Lập kế hoạch thao giảng, dự giờ, thảo luận với giáo viên đứng lớp 5 tuổi nhằm un đúc và rút kinh nghiệm cho từng giáo viên. Việc “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi người dân tộc thiểu số”, mỗi cá nhân giáo viên đứng lớp phải có kế hoạch cụ thể về chương trình soạn giảng, giờ dạy học…

Việc dạy tiếng Việt cần có mục tiêu, nội dung, hoạt động cần ghi rõ các phương pháp, hình thức dạy học. Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở từng cơ sở hay toàn trường gắn liền với nội dung dạy tiếng Việt cho trẻ.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Kiểm tra thông qua tổ chuyên môn, kiểm tra kế hoạch cá nhân của giáo viên, dự giờ, thăm lớp để góp ý xây dựng.

Giải pháp 4: Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để việc chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng có hiệu quả tốt.

Trên đây là một số ý kiến nhỏ mà chúng tôi, qua quá trình tiếp cận với các trường mầm non, được các giáo viên bậc Mầm non trên địa bàn huyện A Lưới giúp đỡ đã đúc kết được những giải pháp này, làm sao để học sinh trước khi bước vào lớp Một có một vốn từ vựng tiếng Việt thành thạo khỏi bỡ ngỡ trước vốn kiến thức vừa rộng, vừa mới đang chờ đón các em.

Tập tin đính kèm:
Khánh Phong
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.523.266
Truy câp hiện tại 4.048