Đồng vốn chính sách không những tiếp sức cho đồng bào A Lưới mở rộng phát triển sản xuất Nông - Lâm - Nghiệp mà còn giúp nghề dệt Zèng truyền thống phát triển
Đường 12 ngày ấy vốn trống vắng, gập ghềnh bùn đất, bây giờ là Quốc lộ 49, mà theo nhiều người gọi đó là “con đường xanh” có chiều dài chừng 80km, khởi nguồn từ cửa biển Thuận An, ngược qua các huyện Phong Điền, Hương Trà, rồi đến A Lưới, nhập vào đường Hồ Chí Minh huyền thoại để ra Quảng Trị, vào Quảng Nam, sang nước bạn Lào. Dẫu chưa hiện đại như những đại lộ ở đồng bằng nhưng so với 15 năm trước, Quốc lộ 49 đã khác rất nhiều: con đường được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ xuyên giữa những cánh rừng thông, keo, những vườn cao su, cà phê bạt ngàn. Có những lúc, con đường lại băng qua các làng xóm bình yên của người Pa Kô, Cà Tu, Tà Ôi… với những nương ngô, ruộng lúa xanh tốt. Chính vì vậy, trong suốt dọc hành trình, ai nấy trong đoàn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước những gì luôn hiện ra trước mắt, nhất là hai nữ phóng viên thuộc thế hệ 8x tươi tắn là Hồng Anh (Báo Nhân dân) và Lương Xuân (Thông tin NHCSXH) lần đầu đi trên con đường này tới miền biên giới Việt Lào đều muốn dừng xe, nhao ra ngoài để vội vã giương máy ảnh “chộp” những cảnh đẹp đến quyến rũ và lắng nghe tiếng rì rào của gió, tiếng thở gấp gáp của cỏ cây hoa dã quỳ.
Giờ đây, chúng tôi đang có mặt tại miền đất A Lưới, một huyện miền núi giáp biên có tổng diện tích tự nhiên là 1.700km2 nhưng có đến 91km đường vành đai biên giới. Huyện có 21 xã, thị trấn đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, 11.129 hộ với 5 dân tộc Pa Kô, Cà Tu, Tà Ôi, Kinh và Pa Hi, trong đó dân tộc Pa Kô chiếm 85% dân số. Miền biên giới đất rộng, người không đông, nhưng cuộc sống của họ trước đây chỉ trông vào việc phát rừng làm nương rẫy, bởi ruộng nước ít, vốn liếng thiếu trầm trọng, trình độ sản xuất lạc hậu, vì thế tỷ lệ hộ nghèo ở thời điểm năm 2008 khá cao 40,7%.
Song mới đây, với sự nỗ lực vươn lên của lãnh đạo và nhân dân, nhiều xã của huyện A Lưới như A Đớt, A Roàng, Hồng Thủy… được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Nhất là, từ khi được các chương trình, dự án của Nhà nước, trong đó đáng kể đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ đầu tư, vùng đất này như trở mình, được đánh thức, đem lại mùa màng xanh tươi đến ngút tầm mắt dọc Quốc lộ 49 về tới tận chân cầu thang nhà sàn của người dân. Hỏi vì sao vùng núi cao A Lưới thoát nghèo nhanh, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi - ông Nguyễn Mạnh Hùng không ngại ngần đáp: Bà con các dân tộc trong huyện bây giờ đang dần thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thực tế đã có không ít hộ đồng bào Pa Cô, Tà Ôi đã trở thành triệu phú nhờ canh tác nông, lâm nghiệp. Nguyên nhân làm nên diệu kỳ trên vùng cao A Lưới thì có nhiều nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là NHCSXH đã tập trung nguồn vốn ưu đãi gần 130 tỷ đồng ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cán bộ tín dụng chính sách còn không quản ngại khó khăn vất vả, đêm ngày bám địa bàn, tận tình hướng dẫn đồng bào bản địa sử dụng vốn vay ưu đãi vào cấy lúa nước, trồng cao su, làm nghề dệt zèng truyền thống.
Mấy năm nay, nhờ vay vốn ưu đãi dễ dàng, kịp thời lại thêm sự bàn bạc, đổi thay cách làm, miền biên viễn A Lưới đã có thêm những cánh rừng kinh tế trên diện tích 1.792ha cây keo, thông, tràm, xà cừ mà xưa chỉ là rừng gỗ tạp; các giống ngô lai, lúa nước chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đại trà trên đồng ruộng. Cùng đó, dựa vào nguồn vốn chính sách và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, A Lưới đã phát triển cây cao su tiểu điền lên 1.309ha, đưa giống cà phê catimon năng suất cao thay thế cho giống lúa cũ thoái hóa được 747ha. Riêng ở xã A Roàng, giáp với nước bạn Lào trong 6 năm qua đã được NHCSXH huyện quan tâm hỗ trợ lãi suất và kịp thời cho vay gần 4 tỷ đồng để tham gia dự án trồng cao su tiểu điền. Kỳ lạ thay, nguồn vốn ưu đãi như “bà đỡ mát tay” làm cho cây cao su cứ vượt nắng gió, giá rét mà khép tán, cao to bằng bắp đùi để đến mùa xuân này cho khai thác mủ, thứ vàng trắng trên Trường Sơn. Phó Chủ tịch xã A Roàng, ông Viên Xuân Danh cười bảo: Cứ đà này những đám nương ở khu vực biên giới nơi đây chẳng mấy chốc sẽ phủ kín bằng màu xanh của cao su. Tất cả là nhờ sự tác động của nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện A Lưới đấy.
Tôi hỏi ông Đoàn Thanh Chương - Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới, năm 2014 này, ngân hàng có những giải pháp gì mới giúp dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số? Ông Chương cho biết: Nếu chiếu theo yêu cầu thì nhân dân rất cần nhiều vốn ưu đãi, trong khi đó số lượng cán bộ tín dụng chính sách vẫn chỉ có 10 người, nhưng chúng tôi tiếp tục tăng cường phối kết hợp với các hội, đoàn thể, với 244 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn chuyển tải nhanh chóng quản lý chặt chẽ nguồn vốn ưu đãi đến từng đối tượng được thụ hưởng, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác tín dụng chính sách để cùng các ban, ngành xây dựng, định hình các ngành nghề và dự án có chọn lọc và làm ăn có hiệu quả, tích cực tuyên truyền vận động bà con nhận thức được việc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt kết quả kinh tế cụ thể.
Để mắt thấy tai nghe, ông Chương dẫn chúng tôi xuống xã A Đớt chứng kiến phiên giao dịch đầu năm mới giữa Tổ giao dịch lưu động với khách hàng. Không khí thật đông vui như ngày hội làng. Công việc cho vay, thu nợ, nộp lãi cũng tất bật nhưng gương mặt từ cán bộ NHCSXH đến đồng bào dân tộc trên miền biên viễn này vẫn ngời ngợi ánh lên niềm tự tin.
Chủ tịch Hội Nông dân xã A Đớt, người dân tộc Tà Ôi, ông Hồ Thanh Đài phấn chấn nói: “Vùng sâu chúng tôi bước vào năm mới dồn dập có tin vui, đó là nhiều gia đình khai thác được hơn 100ha rừng nguyên liệu giấy, vậy là có nguồn thu nhập để trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng, lại thêm tích lũy nâng cao đời sống, mở rộng sản xuất, rồi 28 hộ cận nghèo trong xã hôm nay được NHCSXH giải ngân đợt 1, mỗi người được vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, làm giàu”.
Vui quá chứ còn gì! Vì thế thay mặt bà con nông dân, ông Đài giữ cả Đoàn công tác ở lại uống rượu đóa - một loại rượu của dân tộc được lấy từ ngọn một loài cây mọc bên dãy Trường Sơn có thân hình giống cây dừa nước, ở vùng sông nước Nam Bộ. Chén rượu cuối năm có hương vị lá cây rừng khi uống vào, tôi cảm nhận thấy nó ngòn ngọt, nồng nồng, man mát như có tình người, tình đất nồng nàn thương yêu.
Rượu đóa, lần đầu tiên tôi uống sao mà ngon đến thế. Uống mà không say, diệu kỳ thay miền biên giới A Lưới!.