Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những yếu tố tác động đến hoạt động văn hóa truyền thống ở A Lưới
Ngày cập nhật 02/11/2013

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta phát triển trong bối cảnh của cơ chế thị trường, có mặt tích cực là khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về KT-XH, tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng đồng thời cũng nảy sinh những mặt tiêu cực, chính mặt trái của cơ chế thị trường (được biểu hiện trên mọi lĩnh vực mà đặc biệt là lĩnh vực văn hóa – xã hội) có nguy cơ hủy hoại bản sắc văn hóa dân tộc.

Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (VHTT) của các dân tộc trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước, trong xu thế hội nhập là vấn đề lớn, phù hợp với định hướng bảo vệ di sản văn hóa (DSVH) của Đảng và Nhà nước ta. Làm thế nào để vừa bảo tồn nhưng vẫn phải duy trì được sự phát triển theo xu hướng tiến bộ của xã hội, bảo vệ văn hóa truyền thống trong nền văn minh công nghiệp. Bảo vệ, bảo tồn nhưng vẫn phải bảo đảm cho những chủ thể ở đây được hòa nhập, được hưởng thụ những thành quả mà xã hội đem lại.

A Lưới là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp giáp với nước bạn Lào. Trải qua thời gian dài với những biến đổi thăng trầm của lịch sử, hiện nay toàn huyện A Lưới có tổng dân số hơn 45.000 người, là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em Pa cô, Tà ôi, Ka tu, Vân kiều, Pa hy và Kinh.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đã được đầu trên địa bàn huyện A Lưới cho thấy: Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện nay đã định canh, định cư, hoạt động kinh tế nương rẫy truyền thống dần được thay thế bằng kinh tế ruộng nước, mô hình VAC, hệ thống giao thông được bê tông hóa, những ngôi nhà sàn truyền thống thay thế bằng nhà xây kiên cố, các hộ gia đình có nước sinh hoạt tại chỗ, xây dựng trường học, trạm y tế... Điều này đã tạo nên lànsóng đan xen các yếu tố sinh hoạt của vùng đồng bằngvào các sinh hoạt của người miền núi. Từ những lẽ đó nét văn hóa truyền thống của các tộc người ở đây đã phần nào có xu hướng ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Các tiết mục văn nghệ trong ngày cưới, hội làng... xuất hiện những ca khúc nhạc trẻ, lãng mạn mà người Kinh thường sử dụng. Chứng tỏ, các hoạt động VHTT ngày càng mất dần vai trò chủ đạo, điều này dẫn đến những làn điệu dân gian như Kâr lơi, Babói, Cha chấp, Oát của các tộc người Pa cô, Tà ôi, Ka tu, Vân kiều... gần như biến mất, chúng được thay thế bằng những bài hát hiện đại của vùng đồng bằng. Số nghệ nhân am hiểu kiến thức dân gian ngày càng ít, giới trẻ lại không mấy mặn mà học hỏi các hoạt động văn hóa cổ truyền.

Trước và sau khi mùa vụ kết thúc, các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp xuất hiện rất ít, lý do của hiện tượng này là kinh tế ruộng nước đã manh nha đánh đổ các yếu tố thiêng trong quan niệm truyền thống. Vì lẽ đó nét sinh hoạt văn hóa dân gian của các tộc người ở đây gần như chịu sự ảnh hưởng bởi dòng chảy văn hóa vùng đồng bằng, điều này sẽ làm mờ dần những giá trị VHTT vốn ăn sâu trong tiềm thức của họ.

Như vậy:Đứng ở góc độ bảo tồn vốn quý dân tộc, hiện tượng vừa nêu như tín hiệu cảnh báo về sự hao mòn, mất dần, nghèo đi những tài sản vô giá, có bề dày lịch sử và được xây dựng bởi nhiều thế hệ. Mất một mảnh nhỏ là vĩnh viễn không tìm lại được, nhiều mảnh nhỏ góp lại sẽ thành khối lượng lớn và mất quá nhiều chẳng khác gì đánh mất chính mình. Và khi đánh mất mình có nghĩa là mất tất cả.

Trước những đổi thay mạnh mẽ của cuộc sống, môi trường dung dưỡng, phát huy vốn VHTT còn quá ít cơ hội thể hiện. Nhưng “văn hoá, giao lưu văn hoá là quy luật của giao tiếp xã hội, là công thức của sự phát triển, là con đường vươn tới văn minh cao hơn. Vì vậy, chúng ta cần chăm sóc và tạo điều kiện cho sự giao lưu văn hoá diễn ra đúng quy luật khách quan và tiến bộ”

Trong giai đoạn hiện nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của các tộc người thiểu số, điều này đã làm nên một diện mạo mới trong cuộc sống tộc người. Huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng là một trong những trường trên.

Những biến đổi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và ở Việt Nam nói chung được đánh dấu theo từng giai đoạn và biến động của lịch sử. Các tộc người thiểu số ở A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đang có nhiều biến đổi mạnh về KT-VH-XH… những biến đổi này bị tác động bởi sự phát triển chung của xã hội.

Có thể nói, cộng đồng tộc người ở A Lưới trước đây có cuộc sống tương đối ổn định vì tính khép kín của bản làng, mọi hoạt động đều dựa vào luật tục và nằm trong sự quản lý của hội đồng làng, về mặt cơ bản nó vẫn còn giữ được đầy đủ những tính chất, đặc điểm của một xã hội truyền thống. Xã hội đó vận hành dựa trên cơ sở của bộ máy làng - bản cổ truyền theo những nguyên tắc của những luật tục và tập quán quy định.

Ở thời kỳ Pháp thuộc, xã hội truyền thống của các DTTS A Lưới cũng bị nhiều tác động từ bên ngoài, nhưng chưa làm phá vỡ nền tảng kinh tế và cơ cấu xã hội cổ truyền của họ. Sau 1975, với nhiều chính sách đầu, tư phát triển của Đảng và Nhà nước đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các tộc người thiểu số, do vậy vùng đồng bào các DTTS ở A Lưới đã xuất hiện nhiều nhân tố mới làm biến đổi các giá trị VHTT của con người nơi đây.

Thứ nhất:Có thể nói yếu tố đầu tiên có tác động mạnh mẽ đến sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và các DTTS ở A Lưới nói riêng là chế độ, thể chế chính trị xã hội. Bởi sau năm 1945 cơ cấu xã hội truyền thống (bản, làng) của đồng bào các DTTS trên cả nước được thay bằng bộ máy chính quyền mới cùng với tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể xã hội được xác lập. Sự thay đổi về chính trị là một trong những nhân tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến chiều hướng phát triển của mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong sự vận động chung của sự nghiệp đổi mới đất nước, mà các DTTS ở A Lưới cũng không nằm ngoài những tác động này.

Thứ hai: Trong những năm qua dưới sự tác động của các chính sách KT - XH của Đảng, Nhà nước, cơ cấu kinh tế của vùng đồng bào các DTTS nói chung và vùng các DTTS ở A Lưới nói riêng đều có sự chuyển biến đáng kể. Nền kinh tế nương rẫy truyền thống dần được thay thế kinh tế ruộng nước, mô hình VAC... Đặc biệt, trong hơn 25 năm trở lại đây cùng với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành phần kinh tế có nhiều cơ hội để tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế địa phương. Cũng từ đây, nhiều yếu tố kinh tế hàng hóa, sản xuất nhỏ đã có mặt hầu hết các bản làng của huyện.

Việc phát triển kinh tế vườn, rừng và sản xuất nhỏ ở vùng đồng bào các DTTS ở A Lưới đã chỉ ra rằng, đó là những hình thức tổ chức sản xuất có khả năng đẩy nhanh đời sống kinh tế của các dân tộc ở đây hội nhập vào quỹ đạo phát triển chung của đất nước. Điều này sẽ kéo theo sự chuyển dịch VHTT, làm mất đi bản sắc văn hóa vốn có của nó. Do vậy, có thể khẳng định, kinh tế thị trường đã và đang tác động toàn diện, mạnh mẽ tới tất cả các mặt, các khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó bao hàm cả lĩnh vực tư tưởng và sinh hoạt VHTT của đồng bào các DTTS ở A Lưới.

Thứ ba: Khi nền KT-XH phát tiển, môi trường giao tiếp văn hóa giữa các vùng miền và các tộc người ngày càng được mở rộng, nhân tố này đã tác động đến các sinh hoạt VHTT của các DTTS ở A Lưới. Đặc biệt là những chính sách kinh tế mới ở vùng miền núi, một bộ phận người Kinh từ đồng bằng đã có mặt ở A Lưới. Qua quá trình sinh sống, giao lưu trên nhiều lĩnh vực, tạo nên những ảnh hưởng về mặt văn hóa truyền thống.

Thứ tư: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất đó là bản sắc VHTT, đặc biệt là đối với văn hóa các DTTS. Văn hóa truyền thống của các tộc người ở A Lưới cũng không tránh khỏi được những tác động đó. Cùng với chính sách mở cửa, hội nhập, khi mà không gian văn hóa của các dân tộc ngày càng được mở rộng, thì sự giao lưu giữa các quốc gia, các dân tộc cũng không ngừng được mở rộng, tăng cường. Các giá trị văn hóa của nhân loại được chuyển tải qua các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Có thể nói, xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong những năm vừa qua đã tác động đáng kể vào sự đổi thay của VHTT nói chung cũng như của đồng bào các DTTS ở A Lưới nói riêng.

Như vậy, phải khẳng định rằng, phát triển là tất yếu của lịch sử, đó là nhu cầu nội tại của mỗi người dân với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những thách thức của sự phát triển lại là vấn đề làm mai một các giá trị VHTT, là sự phát triển không bền vững nếu cộng đồng các DTTS ở A Lưới không giữ gìn những giá trị VHTT của mình như duy trì sinh hoạt nhà dài, nhà cộng đồng; duy trì trang phục truyền thống; ẩm thực truyền thống; giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết; duy trì các nghi lễ, lễ hội truyền thống; vận hành luật tục của cộng đồng với Pháp luật của Nhà nước thông qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hữu Thông (2000), Văn nghệ dân gian miền núi trước thách thức của xã hội hiện đại (từ những khảo sát tộc người ở Trường Sơn – Tây Nguyên), trong “Hội thảo nghiên cứu phát triển bền vững miền núi khu vực miền Trung, Trung tâm nghiên cứu tài nguyên môi trường (CRES)”, Trường Đại học Nông Lâm Huế - Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

2. Hoàng Nam (1997), Vấn đề giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Việt Nam, trong "Giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam", Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

3. Nguyễn Ngọc Hòa (2007), Văn hóa Ê đê, truyền thống và biến đổi, Nxb Đà Nẵng.

4. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (chủ biên) (1996), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam.

Lê Loan
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.505.706
Truy câp hiện tại 118.577