Đông Sơn một xã thuộc huyện A Lưới được thành lập vào năm 1991 chủ yếu là đồng bào Pakô từ khu vực quanh đèo Pêke, huyện A Lưới chuyển về khu quanh sân bay A So lập làng, là một vùng đất rộng lớn bao quanh căn cứ quân sự và sân bay A So do Đế quốc Mỹ xây dựng năm 1960. Do ban đầu không biết, những người dân Đông Sơn tận dụng hố bom để lấy nước uống và chăn nuôi nên người dân đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo số liệu thống kê của xã hiện có 37 đối tượng được hưởng chế độ chất độc da cam, 243 đối tượng khác bị nghi nhiễm.
Đoàn trực tiếp đi thị sát
Theo cảnh báo của các nhà Khoa học, khu vực ở sân bay A So bị nhiễm Dioxin nặng nhất huyện A Lưới. Dioxin nhiễm vào các loại gia súc, gia cầm, dòng máu, trong sữa mẹ… và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Trên thực trạng đó được sự quan tâm của Đảng, nhà nước các Tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã có rất nhiều biện pháp nhằm hạn chế được phần nào để giúp đỡ bà con tránh được những di chứng mà chất độc Dioxin của Mỹ để lại một cách thấp nhất có thể như trồng hàng vạn cây bồ kết trên diện tích gần 10ha, xây dựng hệ thống lọc nước để cấp cho người dân…. Tuy nhiên một trong những công trình quan trọng được xây dựng ở đây là hệ thống nước sinh hoạt nay đã bị hư hỏng hoàn toàn, một phần do ý thức của người dân và sự quản lý không chặt chẽ của chính quyền địa phương nên từ lâu hệ thống không hoạt động nữa, người dân lại phải dùng những nguồn nước bị nghi là nhiễm độc để sinh hạt hàng ngày.
Để khắc phục lại hệ thống lọc và dẫn nước về nhà, nhóm Đối thoại Việt-Mỹ do Giáo sư Võ Quý dẫn đoàn và nhóm Rotary Club của Mỹ đã đến Đông Sơn thị sát tình hình thực tế, họ đã chứng kiến một số gia đình có con cái bị nhiễm độc rất nặng cũng như hoa màu cây cối nơi đây không thể phát triển bình thường.
Nhóm Đối thoại Việt - Mỹ đã quyết định tài trợ cho xã với số tiền 70.000 đô la (tương đương 1,4 tỷ đồng) để nâng cấp hệ thống tuyến ống cấp nước cho xã Đông Sơn với mục tiêu xây dựng công trình, nhằm cung cấp nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đập dâng thu nước tại khe Poóc có cao trình đỉnh đập +658m, dẫn nước về trạm xử lý lắng áp lực, lọc áp lực ở cao trình 624m và đưa lên bể 100m3 hiện có (được cải tạo nâng cấp) cao trình 630m với chiều dài tuyến ống nước thô D110HDPE L=830m. Cải tạo thay thế tuyến ống D63 bị hư hỏng L=525m, cải tạo sửa chữa hệ thống vào sân trụ vòi cho 226 hộ, lắp đặt mới cho 33 hộ với chiều dài đường ống L=495m. Công trình được giao cho Ban Đầu tư và Xây dựng huyện A Lưới làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong 110 ngày.
Thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng hoan nghênh và cảm ơn nhóm Đối thoại Việt - Mỹ và hứa sẽ sử dụng kinh phí đúng mục đích, công trình sẽ được thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, sau khi hoàn thành sẽ bàn giao cho công ty TNHHMTV xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế sử dụng, vận hành và khai thác.