Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

A Đon - Với những chiến tích cách mạng
Ngày cập nhật 13/02/2012
Bảng chỉ dẫn vào địa đạo A Đon

                Xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1968 là cao trào của cách mạng miền Tây Trị Thiên - Huế. Tại đây, với địa danh mang tên A Đon đã đi vào lịch sử bởi hai lí do: Một là trận đánh A Đon ngăn chặn đường hành quân của địch đi từ thung lũng A Lưới đến thung lũng A Sầu, đây là trận phục kích diệt 2 trung đội ngụy đi tuần của du kích xã Hồng Quảng ngày 09.01.1965. Trận đánh này được Bộ Tổng tham mưu, Cục dân quân tự vệ đã đưa vào sách “Một số trận đánh tiêu biểu của các phân đội dân quân tự vệ và bộ đội địa phương trong chiến tranh giải phóng”(*); Hai là địa đạo A Đon là nơi được làm Trụ sở của Đài Phát thanh giải phóng Huế năm 1968.

Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của địa phương A Lưới và phát huy truyền thống cách mạng, bài viết này xin được trích lại diễn biến trận đánh của du kích xã Hồng Quảng tại đồn A Đon và giới thiệu hệ thống địa đạo A Đon để nhằm giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh trên địa bàn huyện đồng thời đây cũng là điểm tham quan tiêu biểu mỗi khi du khách đến với A Lưới.

Năm 1965, khí thế bao vây đồn bốt, tập trung truy kích địch phát triển mạnh, không những riêng Hồng Quảng mà trên toàn quận 3. Tiêu biểu nhất là trận phục kích diệt hai trung đội nguỵ đi tuần của du kích xã Hồng Quảng ngày 9 tháng 1 năm 1965: Thời điểm này trong xã địch có hai đồn lớn là A Sầu và A Lưới. Khu vực diễn ra trận đánh nằm trên đoạn đường từ đồn A Lưới đi A Sầu. Đoạn đường này nằm phía Bắc cách khoảng 1000m là dãy núi A Rô, A Sầu. Phía đông cách khoảng 2500m là đồn A Sầu và tiếp đến là sông A Sáp. Phía nam cách khoảng 600m là bốt A Đon, tây nam A Đon là bản Piêu mới, đông nam là bản Priêng. Suối Tà Rếch có hai nhánh chảy từ tây sang đông bao quanh mặt bắc và nam bốt A Đon và gặp nhau ở phía đông A Đon rồi chảy qua sông A Sáp. Phía tây cách khoảng 3000m là đồn A Lưới và tây nam là đồi không tên. Hai bên đường cách 15 - 20m trở ra có nhiều cây cối lúp xúp, càng gần suối Tà Rếch cây cối càng nhiều và cao.

Địa đạo A Đon nhìn từ bên ngoài
 
Nhìn chung địa hình từ nam bốt A Đon ra sát đường có nhiều cây cối rậm rạp, thuận lợi cho quân ta cơ động, triển khai phục kích địch sát đường giữ được bí mật. Riêng đoạn phía tây cầu do đường vòng uốn khúc nên khó quan sát. Trận địa phục kích tuy nằm ở phía bắc và cách bốt A Đon không xa nhưng ỷ lại vào hệ thống đồn bốt dày đặc chưa lần nào bị ta đánh nên địch rất chủ quan, do đó nếu bố trí trận địa phục kích ở đây sẽ tạo bất ngờ lớn đối với địch. Nhưng đánh kéo dài dễ bị địch bao vây chặn mất đường rút.
Về phía địch, phía tây cách trận địa ta phục kích khoảng 3000m là đồn A Lưới do một tiểu đoàn nguỵ đóng, phía nam cách 600m là bốt A Đon có một trung đội và phía đông cách khoảng 2500m là đồn A Sầu. Đồn A Sầu là trung tâm đào tạo biệt kích người dân tộc, nhiều toán sau khi học ở đây đã được tung ra miền Bắc, lực lượng của đông thường xuyên có từ 4 - 5 đại đội. Để bảo vệ tuyến đường, hằng ngày địch thường sử dụng một đại đội đi tuần tra từ đồn A Lưới đến đồn A Sầu.
Quy luật hoạt động tuần tra của địch, chúng thường cho hai trung đội đi trước, một trung đội đi sau cách bộ phận đi đầu khoảng 500m, hai trung đội đi đầu thường cảnh giác, đội hình đi thưa, riêng trung đội đi sau đội hình đi dày và gọn. Khi tuần tra, địch ít lùng sục sang hai bên đường vì tuyến đường ngắn, giữa tuyến đường lại có bốt A Đon nên địch rất chủ quan.
Tóm lại, địch ỷ lại vào lực lượng đi tuần tra lớn (một đại đội), lại nằm giữa vùng đồn bốt có hoả lực mạnh, chi viện nhanh chóng nên địch rất chủ quan. Khi đi tuần tra không tiến hành lùng sục ra hai bên đường nên ta dễ có điều kiện triển khai phục kích sát đường.
Địa đạo A Đon nhìn từ bên trong
 
Về phía ta, Hồng Quảng là một xã có phong trào khá trong những năm 1963 - 1964. Nhân dân của xã có truyền thống và tinh thần đấu tranh bất khuất, không chịu hợp tác với địch. Từ ngày địch đóng đồn, đa số đồng bào sơ tán vào vùng rừng núi sâu lập bản mới để sinh sống. Xã có đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhiều kinh nghiệm, phân đội du kích được chăm nom xây dựng và thường xuyên được bổ sung, củng cố. Lực lượng du kích tập trung của xã có một trung đội (hai tiểu đội) trong đó có 5 nữ. Để đẩy mạnh phong trào đánh địch và làm nòng cốt dìu dắt du kích, huyện đã cho một tiểu đội bộ đội địa phương về cùng tham gia hoạt động với xã, do đồng chí chíng trị viên trung đội trực tiếp chỉ huy.
Trang bị của trung đội du kích xã và tiểu đội bộ đội địa phương gồm: 2 trung liên, 5 tiểu liên, 18 súng trường và 24 mìn muỗi. Chủ trương và quyết tâm chiến đấu của xã được đặt ra lúc này là:
Chủ trương của xã là sử dụng trung đội du kích tập trung của xã và tiểu đội bộ đội địa phương huyện tiến hành đánh một số trận trên tuyến đường từ A Sầu đi A Lưới để phá vận chuyển tiếp tế của địch, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trong lực lượng bảo vệ tuyến đường của địch, ép địch phải co vào các đồn bốt, tạo thế cho ta hoạt động và đồng thời tranh thủ rèn luyện cách đánh tập trung cho trung đội du kích xã.
Quyết tâm chiến đấu, lợi dụng sự chủ quan, sơ hở của địch trên tuyến đường, sử dụng tập trung đội du kích xã và tiểu đội bộ đội địa phương tổ chức một trận phục kích tại đoạn đường bắc núi A Đon (từ cầu Tà Rếch về phía đông 400m) để tiêu diệt một bộ phận quan trọng thuộc hai trung đôi đi tuần đường của địch.
Bí mật đưa lực lượng luồn vào mai phục sát đường, đợi địch lọt vào trận địa, bất ngờ đồng loạt nổ súng chặn đầu, khoá đuôi xung phong tiêu diệt gọn địch. Tổ chức thành 3 bộ phận:
Bộ phận chặn đầu gồm một tổ du kích 4 người, trang bị 1 trung liên, 3 súng trường, 5 mìn, bố trí cách cầu Ta Rếch về phía đông 400m làm nhiệm vụ chặn đầu, do trung đội phó du kích chỉ huy.
Bộ phận chủ yếu gồm một tiểu đội bộ đội địa phương huyện, một tiểu đội du kích, quân số 15 người do xã đội trưởng và chính trị viên trung đội bộ đội địa phương chỉ huy được trang bị 5 tiểu liên, 10 súng trường, 15 mìn, bố trí ở đoạn giữa cách đường 20 - 25m làm nhiệm vụ chủ yếu tiến công tiêu diệt địch.
Khách tham quan địa đạo
 
Bộ phận khoá đuôi gồm 1 tổ dân quân 5 người, do tiểu đội trưởng du kích chỉ huy, được trang bị 1 trung liên, 4 súng trường, 4 mìn, bố trí ở nam đường, sát cầu Ta Rếch, cách đường 20m, có nhiệm vụ khoá đuôi không cho địch chạy về và chặn đánh lực lượng đi sau của địch. Bộ phận cử ra một người, bố trí ở đống củi khô bên đường phía tây cầu làm nhiệm vụ quan sát đoạn đuôi đội hình địch. Khi đuôi đội hình địch vừa qua khỏi cầu thì nổ súng làm hiệu chung cho đơn vị.
Bảo đảm quan sát nắm địch, xã đã tổ chức cán bộ đi trinh sát hai đêm và hai buổi sáng. Sau khi nghiên cứu kỹ trận địa phục kích, sáng ra để lại một tổ để theo dõi quy luật hoạt động của địch. Nhưng do đói, mệt, chủ quan, thiếu kiên trì nên tổ này sau khi thấy hai trung đội địch đi qua liền rút ngay nên không phát hiện được trung đội đi sau của địch. Mãi đến khi nổ súng bị trung đội này đánh ta mới biết.
Do căn cứ của xã xa, ở sâu trong núi cho nên để bảo đảm lương thực thì khi đi mỗi người mang theo hai ngày ăn (gạo rang, cơm nắm).
Bảo đảm hiệp đồng, lệnh nổ súng sẽ do một người bố trí ở bộ phận khoá đuôi đảm nhiệm, khi đuôi đội hình địch vượt qua cầu thì bắt đầu nổ súng phát lện chung cho đơn vị. Trong chiến đấu từng bộ phận lấy tiếng súng và chủ động hiệp đồng là chính.
Ngày 4 tháng 1 hoàn thành xong công tác chuẩn bị. Đêm ngày 5 tháng 1 bắt đầu chiếm lĩnh trận địa.
Diễn biến và kết quả chiến đấu này được ghi lại như sau:
- Diễn biến chiến đấu: 6 giờ sáng ngày 6 tháng 1: Đơn vị hoàn thành xong việc chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng chờ đánh địch. Nhưng ngày 6 tháng 1 địch không đi. Đến chiều, xã cho lực lượng lui về sau nghỉ ngơi.
Ngày 7 tháng 1: Sương mù dày đặc, đơn vị vào chiếm lĩnh trận địa chậm, đồng chí quan sát không phát hiện được địch. Khi trung đôi du kích đang vào triển khai chiếm lĩnh địch thì địch đi qua không kịp đánh.
Do hết cơm gạo, đói rét, xã đội trưởng phải cho rút lực lượng về củng cố và bổ sung lực lượng, động viên thêm quyết tâm.
Đêm ngày 8 tháng 1: đơn vị lại hành quân vào chiếm lĩnh trận địa.
7 giờ 30 ngày 9 tháng 1: Hai trung đội địch bắt đầu vượt cầu tiến vào trận địa. Địch đi thưa, đội hình kéo dài. Đồng chí dân quân làm nhiệm vụ quan sát, phát hiện thấy khoảng 60 tên đã lọt vào trận địa, một số tên đi đầu đã vượt qua bộ phận chặn đầu, bộ phận đi sau vẫn còn một số tên chưa qua cầu, liền nổ súng.
Nghe hiệu lệnh, toàn trung đội đồng loạt nổ súng. Hai khẩu trung liên của ta bắn quét vào các khu vực có đội hình dày đặc của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên, một số tên địch vội chạy tản ra bắc đường định chiếm địa hình có lợi để chống trả nhưng dẫm phải mìn nổ bị chết thêm một số.
Sau ba phút nổ súng, bị đánh bất ngờ đội hình địch đâm rối loạn, nhiều tên chết và bị thương, số còn lại chống cự yếu ớt thì toàn trung đội đồng loạt xung phong.
Lúc này bộ phận đi đầu của địch phát hiện thấy lực lượng của ta ít, liền quay lại phối hợp với những tên còn lại triển khai bắn vào sườn đội hình ta. Bộ phận đi sau còn lại bên kia cầu cũng đồng thời triển khai bắn vào bộ phận khoá đuôi. Cùng lúc đó, trung đội đi sau của địch vừa đến liền phối hợp triển khai, dùng hoả lực bắn mạnh vào đội hình ta, đồng thưòi cho một bộ phận vòng qua phía nam cầu đánh vào phía sau đội hình ta. Đồng chí tiểu đội trưởng phụ trách bộ phận khoá đuôi phát hiện kịp thời, chỉ thị cho đồng chí giữ trung liên quay súng lại bắn chặn địch, buộc địch phải tháo lui. Địch phát hiện trung liên ta liền tập trung hoả lực bắn tới làm đồng chí giữ trung liên hy sinh, trung liên bị hỏng. Địch từ hai phía tiếp tục đánh ép lại.
Trước tình thế đó, xã đội trưởng nhận định: bộ phận địch lọt vào trận địa cơ bản đã bị diệt, bộ phận tiếp ứng của địch đã đến. Nếu ta không nhanh chóng lui quân, để địch trên bốt A Đon đánh xuống, ta sẽ bị bao vây không có đường rút. Liền đó, đồng chí ra lệnh cho các bộ phận vừa tổ chức đánh kìm địch, vừa thu chiến lợi phẩm, mang thương binh, liệt sĩ nhanh chóng rơi khỏi trận đánh.
Khoảng hơn 8 giờ ngày 9 tháng 1 đơn vị rút lui an toàn về phía sau. Lúc này pháo địch bắn phá ác liệt vào trận địa ta vừa rút.
- Kết quả trận đánh: Địch bị tiêu diệt 40 tên, mất 1 trung liên, 1 súng Tom - xơn, 1 súng ga - răng. Phía ta hy sinh 1 đồng chí, bị thương 2 đồng chí, hỏng 1 trung liên.
Qua trận đánh này các nhà quân sự đã có những nhận xét sau:
- Đây là trận đánh tập trung đầu tiên của trung đội dân quân xã, tuy lực lượng ít, thiếu kinh nghiệm nhưng đã tiêu diệt được nhiều địch. Qua trận đánh thể hiện cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ toàn xã có quyết tâm cao, tích cực khắc phục mọi khó khăn luồn sát vào các đồn bốt kiên trì đợi địch ra để tiêu diệt. Trận đánh tuy chưa diệt gọn nhưng tạo được khí thế và gây được niềm tin: Trung đội du kích xã có thể độc lập chiến đấu tiêu diệt gọn được trung đội địch.
- Với các xã miền núi lực lượng du kích ít, trang bị kém, quen đánh phân tán nhỏ lẻ, việc phân tán đưa một bộ phận bộ đội địa phương huyện về làm nòng cốt, dùi dắt, giúp đỡ không những góp phần đẩy mạnh được phong trào đánh địch mà còn mở ra một khả năng phối hợp tạo điều kiện cho các trung đội du kích xã đánh tập trung diệt gọn từng trung đội địch.
- Về mặt chiến thuật, việc chọn trận địa phục kích đúng, tạo được yếu tố bất ngờ cao, nhưng tư tưởng còn tham đánh to, ở sát địch nhưng không tổ chức chặn viện. Kế hoạch chưa dự kiến đầy đủ các tình huống và biện pháp giải quyết nên khi có tình huống phức tạp xảy ra thì xử trí trở nên lúng túng(*).
Đến tháng 4 năm 1965 trước sức mạnh của lực lượng cách mạng, đồn A Co địch phải rút. Tháng 7 năm 1965 lô cốt A Đon - Tu Vá phải rút. Lúc này tình hình quân địch hoang mang cực độ.
Tháng 12 năm 1965 quân và dân ta phối hợp giải phóng các quận lỵ Ba Lòng, các vị trí đường 9 Khe Sanh buộc địch ở đồn A Co phải rút đi nhanh chóng về co cụm tại đồn A So. Từ đây nhân dân, bộ đội, du kích của ta hoàn toàn làm chủ thung lũng A Lưới.
Đầu năm 1966 nhân dân xã Hồng Quảng tích cực phục vụ cho chiến dịch giải phóng A So. Tháng 1, 2, 3 năm 1966 nhân dân Hồng Quảng liên tục vận chuyển hàng hoá, súng đạn, phục vụ đắc lực cho chiến dịch giải phóng thung lũng A So. Và ngày 11 tháng 3 năm 1966 quân ta đã làm nên chiến thắng A So vang dội. Với chiến thắng A So, miền núi Thừa Thiên Thiên hoàn toàn được giải phóng và trở thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và của cả nước, một trong những căn cứ thuộc hệ thống đường chiến lược 559 của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo thành một vùng chiến lược quan trọng, bảo đảm cho đường Hồ Chí Minh thông suốt an toàn.
Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ở xã Hồng Quảng vinh dự được tỉnh chọn xây dựng trụ sở cơ quan thông tin giải phóng Huế (Đài Phát thanh giải phóng Huế), địa đạo A Đon hình thành trong hoàn cảnh đó.
Địa đạo A Đon được quân và dân Trị Thiên Huế tiến hành đào trong những ngày ác liệt nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thiết bị và truyền tin tức phục vụ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân Trị Thiên Huế. Khu vực địa đạo A Đon gồm hai địa đạo, trong đó một địa đạo thường dùng để làm nơi sinh hoạt của cán bộ, một khu vực địa đạo dùng để đặt các thiết bị máy móc và làm nhiệm vụ thu phát tin tức. Mỗi địa đạo được thiết kế theo kiểu hình chữ Y, gồm hai cửa hình vòm cuốn, mỗi cửa nằm cách nhau khoảng hơn 10m; chiều cao khoảng 2m, chiều rộng khoảng 2,5m; lòng địa đạo rộng 4m, dài 20m.
Theo chỉ thị của Ban Thống nhất Trung ương, để phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Trị Thiên Huế trong Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là chiến dịch giải phóng Huế, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh giải phóng A - CP.90 (Đài Phát thanh giải phóng miền Nam) phải tiến hành đưa một phát thanh vào Huế. Đoàn gồm 16 người, do đồng chí Nguyễn Kim Cúc làm Trưởng đoàn cùng với những trang thiết bị lên đường vào Huế. Sau 7 ngày đêm vượt Trường Sơn, 7 xe chở thiết bị cùng đoàn cán bộ đến thung lũng A So, thuộc Quận 1 miền Tây Thừa Thiên.
Lúc này, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 đang ngày một ác liệt. Quân giải phóng đã làm chủ thành phố Huế hơn 26 ngày đêm và quân địch tập trung mọi lực lượng để phân công hòng chiếm lại Huế. Trước tình hình đó, Khu uỷ quyết định duy trì Đài Phát thanh giải phóng Huế ở vùng hậu cứ miền Tây Thừa Thiên Huế. Khu uỷ và Bộ Tư lệnh cử đồng chí Trần Hoàn - Phó Ban Tuyên huấn Khu uỷ làm Giám đốc đài, đồng chí Nguyễn Kim Cúc và Hồ Như Ý làm phó giám đốc. Công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương, trong đó phải tiến hành đào hầm, làm công sự để bảo vệ các phương tiện và thiết bị kỹ thuật tránh sự đánh phá của bom B52, đồng thời bảo đảm an toàn cho cán bộ làm nhiệm vụ.
Với sự hỗ trợ của quân và dân Thừa Thiên Huế nói chung và nhân dân xã Hồng Quảng nói riêng, chỉ trong một thời gian ngắn, địa đạo đã được hoàn thành. Các thiết bị máy móc được chuyển vào trong hầm và lắp đặt an toàn để phục vụ cho chiến dịch.
Sau một thời gian hoạt động, Đài Phát thanh giải phóng Huế - cơ quan thông tin trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968 bị địch phát hiện. Chúng tổ chức đánh phá bằng bom B52 và bom Napan. Trước tình hình đánh phá của quân địch, có lúc đài phải ngừng hoạt động và di chuyển thiết bị đến nơi khác để bảo vệ cán bộ và phương tiện máy móc.
Sau một thời gian ngắn phục vụ cho công cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, đài phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sự xuất hiện của làn sóng thông tin của chính quyền cách mạng trong những ngày ác liệt nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã đem lại niềm tin quyết thắng, tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân ta ở chiến trường Trị Thiên - Huế, tiếp tục vượt qua gian khổ và khốc liệt của chiến tranh, vững tin đi đến thắng lợi cuối cùng.
Ngày nay, địa đạo A Đon vẫn đang được bảo tồn và phát huy được giá trị lịch sử của nó, được Liên đội Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hồng Quảng nhận chăm sóc di tích. Tuy nhiên bên cạnh đó, quá ít người dân trên địa bàn huyện A Lưới biết đến vì nhiều lí do trong đó có lí do giáo dục truyền thống cách mạng, di tích lịch sử trên địa bàn A Lưới chưa được chí trọng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới chính quyền địa phương cũng như các trường học cần tổ chức những đợt sinh hoạt ngoại khóa để các em học sinh thêm hiểu và yêu mến quê hương A Lưới hơn.
Địa đạo A Đon là một trong những nốt son đỏ của truyền thống cách mạng xã Hồng Quảng. Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Quảng (1958 - 2010) đã dành nhiều trang nhắc đến trận đánh A Đon và địa đạo A Đon này và con người Hồng Quảng hôm nay lại càng tự hào hơn về những chiến tích đó, về một xã mà 2 lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 
***********
Chú thích:
(*): Bộ Tổng tham mưu, Cục dân quân tự vệ: Một số trận đánh tiêu biểu của các phân đội dân quân tự vệ và bộ đội địa phương trong chiến tranh giải phóng. Tập 1, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991, trang 19 - 26.
Tập tin đính kèm:
KP
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.488.903
Truy câp hiện tại 104.381