Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vì việc nghĩa, vượt qua điều kiêng kị
Ngày cập nhật 08/04/2011

Do quan niệm "máu là của Zàng (trời)", nên một trong những điều kiêng kị từ nghìn đời của người Tà Ôi là không được cho máu. Ai cho máu, người ấy sẽ bị phạt nặng. Nhưng có những gia đình người Tà Ôi đã vượt qua điều cấm kị ấy, đem những giọt máu nghĩa tình đến với người bệnh. Ðặc biệt, gia đình bà A Cơ Thị Thêu ở thôn Pơ Nghi II, xã A Ngo, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã hơn 30 lần tự nguyện hiến máu và vận động bà con trong thôn, bản cùng làm theo. 

Chồng mất sớm, một mình chèo chống nuôi sáu người con, cuộc sống của gia đình bà A Cơ Thị Thêu chỉ trông vào hai sào ruộng, và mảnh vườn nhỏ. Ngày nắng, bà cùng các con lên nương làm rẫy, ngày mưa ở nhà dệt Zèng (dệt thổ cẩm). Dù đã cố vun vén chắt chiu, nhưng cuộc sống của bà và các con cũng chỉ đủ sống qua ngày. Nhất là từ ngày nhận công tác làm cán bộ dân số, tổ trưởng tổ dân cư cụm 2, thôn Pơ Nghi II, thì trời nắng cũng như trời mưa, ngoài những giờ lên nương, làm rẫy là thấy bà có mặt tại các gia đình trong bản để tuyên truyền về chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan và vận động bà con trong cụm dân cư sống thương yêu, đoàn kết và tham gia hiến máu. Bà con trong cụm ai cũng tin yêu và quý mến bà, bởi gia đình nghèo, nhưng tính tình chất phác, hiền hậu, các con đều ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Chúng tôi gặp bà Thêu vào một ngày đầu năm mới, vừa trò chuyện bà vừa bảo cô con dâu: 'Con nhớ nhắc chồng con hai ngày nữa không được đi xa đâu đấy, vì xe lưu động của Trung tâm huyết học truyền máu, Bệnh viện trung ương Huế lên huyện tổ chức lấy máu tình nguyện, cả nhà mình tập trung đầy đủ để hiến máu...'. Chúng tôi hỏi: 'Cuộc sống gia đình vẫn vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao, thời gian không có nhiều, mà bác lại làm được nhiều việc vậy? Từ việc nhà đến việc xã, rồi còn vận động bà con hiến máu'. Bà cười hiền: Ai đã qua giai đoạn giành giật giữa sự sống và cái chết, mới thấu hiểu khi thiếu máu, mạng sống của mình sẽ bị đe dọa như thế nào. Hơn 10 năm trước, hôm ấy tự nhiên tôi bị đau bụng, gia đình gọi thầy mo về cúng (ngày ấy nhà nào có người ốm đều mời thầy mo về cúng), sau một ngày thầy mo làm đủ các loại lễ để 'bắt ma' mà bệnh tôi vẫn không giảm. Ðến tối, cơn đau càng ngày càng tăng, các con tôi quyết định đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện trung ương Huế, sau khi làm các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ bảo tôi bị u buồng trứng và phải cắt bỏ hoàn toàn. Ca phẫu thuật của tôi cần rất nhiều máu, trong khi lượng máu dự trữ ở bệnh viện lúc đó không nhiều như bây giờ. Mấy đứa con tôi đều được xét nghiệm để sẵn sàng tiếp máu, mà lượng máu vẫn không đủ, lúc ấy ở bệnh viện, các bác sĩ cũng kêu gọi hiến máu giúp tôi và chính những giọt máu quý của mọi người đã cứu sống tôi. Sau đó, tôi thấu hiểu sinh mạng con người rất quý, nhưng những giọt máu nghĩa tình còn quý hơn nhiều lần.

Năm 1998, phong trào hiến máu tình nguyện lan rộng đến vùng cao A Lưới. Lúc ấy bà Thêu làm Chi hội trưởng chi hội chữ thập đỏ thôn Pơ Nghi II. Nằm sâu trong tiềm thức của đồng bào vùng cao A Lưới, họ vẫn nghĩ rằng giọt máu là của Zàng nên không dám trái ý đem đi cho được. Vượt qua mọi khó khăn, ròng rã mấy tháng trời bà cùng cán bộ y tế thôn bản đến vận động người dân trong cụm dân cư tham gia hiến máu, song ai cũng sợ, thậm chí có người còn chạy trốn mỗi khi đoàn đến vận động. Bà Kăn Em, thôn Pơ Nghi II, xã A Ngo, tâm sự: 'Lúc ấy, cán bộ đến vận động chúng tôi hiến máu, nhưng chúng tôi vừa sợ đau vừa sợ chết, nhưng sợ nhất là Zàng bắt tội mình và cả con cháu mình, khi đem máu đi cho người khác, nên phải trốn thôi...'. Vì vậy, mỗi lần đi vận động, bà đều khuyên: 'Ngày trước đồng bào mình đau ốm thì đi thầy mo cúng bái. Nay được Ðảng và Nhà nước quan tâm, có bệnh viện tốt cho mình chữa trị. Bà con hiến máu để giúp đỡ những người khác và cũng là giúp mình nếu chẳng may bị ốm đau. Nghe mình nói, bà con đã bắt đầu tin, nhưng họ lại hỏi: Lấy máu nhiều có bị hết hay đau ốm gì không? Tôi lại nhờ cán bộ y tế xã, huyện gặp bà con để giải thích cặn kẽ, hiến máu rất tốt cho sức khỏe. Vận động mãi không thành công, bà Thêu lấy câu chuyện kề cận giữa cái sống, cái chết vì thiếu máu của mình kể cho bà con nghe, khuyên bà con hãy đi hiến máu để cứu sống người khác. Và bà là người đầu tiên xung phong đi đăng ký hiến máu và lần lượt bảy người con và dâu, rể của bà cũng noi gương mẹ đi hiến máu. Sau khi nghe bà kể về ngày xưa nhờ có những giọt máu của các con và mọi người mà có được sức khỏe như ngày nay, được sống và làm việc, được giúp đỡ mọi người. Nhất là, họ thấy tận mắt gia đình bà hiến máu gần 30 lần mà không bị Zàng bắt tội, các con bà vẫn khỏe mạnh, vẫn làm nương rẫy như thường, gia đình sống vui vẻ, hạnh phúc. Không có buổi vận động hiến máu nào của huyện A Lưới mà thiếu các thành viên trong gia đình bà.

Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã A Ngo, chị Hồ Thị Ðức cho biết: Xã A Ngo là một trong những đơn vị dẫn đầu trong phong trào tình nguyện hiến máu của huyện A Lưới. Công lao ấy nhờ công sức đóng góp không nhỏ của bà

Thêu - người dẫn dắt phong trào hiến máu nhân đạo của xã A Ngo. Từ năm 1998 đến nay, bà Thêu đã vận động được hơn 60 lượt người hiến máu, trong đó có hàng chục người hiến máu từ ba đến bảy lần. Gia đình bà Thêu được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hai lần tuyên dương, tặng bằng khen cùng nhiều giấy khen của huyện, xã.

Trong nhà bà có rất nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen vì đã tích cực tham gia hiến máu nhân đạo. Ðã ở tuổi ngoài 50, bà vẫn luôn luôn nhắc nhở, động viên các con giữ cuộc sống lành mạnh để có sức khỏe và sẵn lòng giúp đỡ khi bao nhiêu người nghèo khó đang cần máu của các con bà.

Công Hậu
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.453.562
Truy câp hiện tại 73.899