Tìm kiếm tin tức
                    
          Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG
                   Chủ tịch UBND huyện 
Liên kết website

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cần bảo tồn và phát triển nghề dệt zèng ở A Lưới
Ngày cập nhật 22/09/2014
Chị Nguyễn Thị Trai miệt mài bên khung cửi

Đến A Lưới, cùng với việc thưởng ngoạn những nét đẹp tinh túy của đất trời nơi đây, du khách còn có dịp chứng kiến hình ảnh những thiếu nữ thướt tha trong bộ váy zèng với đủ màu sắc hoa văn các dân tộc Tà ôi, Pa kô, Pa hy, Vân kiều, Cơ tu, làm say đắm lòng người. Để có nét đẹp lung linh đó, những năm qua, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã chú trọng bảo tồn và phát triển nghề dệt zèng.

Việc làm này của đồng bào các dân tộc ở A Lưới vừa phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, vừa giúp một bộ phận người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Đại tá Lê Văn Nguyên, Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: "Trước thực trạng nghề dệt zèng của bà con các dân tộc ở A Lưới bị mai một, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp này, BĐBP tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân phát huy thế mạnh, bảo tồn, phát triển nghề dệt zèng truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc".

Cùng với việc "thổi" niềm đam mê, làm cho bà con các dân tộc hiểu được những giá trị của nghề truyền thống, địa phương còn tổ chức nhiều chương trình tập huấn hỗ trợ người dân về kỹ thuật, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, phát triển nghề dệt zèng trở thành một nét văn hóa đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với A Lưới.

Chị Rapát Thị Nhất, 27 tuổi, ở thôn A Ro (xã A Đớt) chia sẻ: "15 tuổi, mình bắt đầu học dệt zèng từ mẹ. Phụ nữ A Lưới hầu hết phải biết dệt zèng thì mới lấy được chồng, người con gái nào dệt được những tấm zèng đẹp khoác lên mình, thì được nhiều người để ý. Người dệt zèng phải chăm chỉ, có tay nghề cao và quan trọng nhất là tâm huyết thì mới có thể dệt ra những tấm zèng đẹp".

Huyện A Lưới hiện có 3 tổ dệt zèng, các tổ dệt giao sản phẩm cho các phụ nữ trên địa bàn, với cách làm này đã thu hút được nhiều người tham gia. Từ hoạt động hợp tác linh hoạt giữa các cơ sở dệt với người dân, đã tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho phụ nữ. Trung bình, để hoàn thành 1 tấm zèng, từ khâu chuẩn bị sợi, lên khuôn, dệt vải phải mất đến cả tuần. Sau khi hoàn thành, mỗi sản phẩm có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định tại Huế, Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và các vùng khác như Đắkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị), Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam)...

Chị Mai Thị Hợp, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm thị trấn A Lưới, tâm sự: "Tổ dệt của tôi có 40 lao động thường xuyên và khoảng 100 cộng tác viên tại các xã. Mỗi tháng, 1 lao động dệt được 2 tấm zèng, có thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng. Qua đó, phần nào giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, giúp các gia đình có thu nhập ổn định. Trong những năm gần đây, zèng không chỉ là sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của người dân, mà còn trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch và xuất khẩu".

Thôn An Tin, xã A Đớt (có 100 hộ dân), hiện có gần 50% hộ gia đình tham gia dệt zèng. Ngoài việc đồng áng, chăm sóc gia đình, chị em còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để dệt zèng, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Trai, thôn A Tin, cho biết: Từ khi được Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phối hợp với Đồn BP A Đớt tổ chức tuyên truyền bà con phát huy nghề truyền thống dệt zèng, đời sống của gia đình tôi đã được nâng lên rõ rệt. Ngoài thu nhập từ 1 héc-ta rừng và chăn nuôi, mỗi tháng, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chúng tôi làm thêm được hơn 1 tấm zèng, cho thu nhập hơn 2 triệu đồng. Số tiền này dùng để trang trải việc chi tiêu hằng ngày, còn tiền thu nhập từ rừng, chăn nuôi gửi tiết kiệm để xây nhà cửa và lo việc học hành cho con cái sau này...

Từ công việc dệt zèng cũng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, đem lại cuộc sống ổn định, xóa được nhà tạm. Điển hình là chị Nguyễn Thị Mìn, trước đây nhà chị nghèo nhất thôn A Tin, nhưng sau khi tham gia lớp học dệt zèng, nhận sản phẩm về nhà làm, sau hai năm, gia đình chị đã thoát nghèo. Năm 2011, chị đã xây được căn nhà trị giá hơn 50 triệu đồng và có điều kiện cho con cái đi học.

Đại tá Lê Văn Nguyên cho biết thêm: Phụ nữ các dân tộc ở A Lưới dệt zèng rất khéo tay. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương, tìm các nguồn vốn đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, tạo nên điểm nhấn phát triển du lịch, xây dựng vùng biên giới A Lưới ngày càng giàu mạnh.

Theo http://bienphong.com.vn/
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

                                                        

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 29.276.785
Truy câp hiện tại 1.352