Bỏ rừng
Chỉ nằm cách biên giới A Đớt (Thừa Thiên- Huế) - Tà Vàng (Sê Kông) chừng 9 cây số, nhưng để đến được bản Ka Lô cũng mất chừng 1 giờ đi xe máy. Theo lời kể của Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng A Đớt Trần Ngọc Nhẫn, vài năm trước để đến bản Ka Lô chỉ có đi bộ, vượt đèo, lội suối dễ cũng nửa ngày đường; còn vào mùa mưa, đường sạt lở thì coi như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Bản Ka Lô nằm trên địa phận quản lý của nước bạn Lào, nhưng đa phần cư dân ở đây là người Pa Cô, Tà Ôi (Việt Nam). Bởi lẽ, những năm 1973, khi Việt Nam thực hiện phân định biên giới với nước bạn Lào, ranh giới địa lý đã có sự dịch chuyển nên mặc nhiên một số khu vực thuộc sự quản lý của nước bạn Lào, trong đó có Ka Lô. Lúc đó, bản có chưa đến 40 hộ dân, xấp xỉ 200 nhân khẩu, nằm ẩn dật trong thung lũng, bao quanh là rừng già. Bà con mang phong tục tập quán lạc hậu, sống tự cung tự cấp. Điện, bệnh xá, trường học và những yếu tố cơ bản nhất trong cuộc sống đều lạ lẫm với bà con nơi đây.
Trưởng bản Ka Lô, ông Ke Oi - một trong những người khá thông thạo tiếng Việt của bản kể: Nhiều thế hệ Ka Lô sống mông muội như những người rừng. Nguyên nhân của sự nghèo đói thì nhiều lắm! Bà con sống theo lối du canh, du cư. Họ chỉ biết theo dấu chân con thú trên đất rừng để tra hạt vào đó rồi chờ cây lúa nảy mầm. Cứ thế, đời này qua đời khác luẩn quẩn bám rừng. Nghèo đến mức phải ăn ngô, ăn sắn thay cơm, nhất là khi giáp hạt, phải hái rau rừng ăn qua bữa.
Niềm vui đã bắt đầu gõ cửa vào năm 2008, khi tỉnh Thừa Thiên - Huế (Việt Nam) và Sê Kông (Lào) hợp tác cùng giúp đỡ bản Ka Lô. Theo đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt được giao nhiệm vụ “gom” tất cả các hộ dân của bản Ka Lô đang sống rải rác dọc các triền núi, sau đó xây dựng một khu tái định cư mới, rồi đưa dân vào ở ổn định.
“Sau gần 1 năm, vượt rừng cõng từng tấm lợp, từng cây gỗ, trang thiết bị… cuối cùng 42 căn nhà kiên cố đã hoàn thành để đón bà con trở về an cư, lạc nghiệp. Có lẽ, số ngày công thì có thể tính được, nhưng những giọt mồ hôi, tâm sức bỏ ra thì không thể tính xuể”- Chính trị viên- Trung tá Trần Danh Tuệ (một trong những người tham gia chiến dịch dựng nhà cho bản Ka Lô) nhớ lại.
Khi dân đã có chỗ ở ổn định, bài toán đặt ra là tạo cho họ “cần câu cơm” để thoát đói nghèo. Câu nói dân gian "trong cái khó ló cái khôn" đã được áp dụng triệt để tại Ka Lô. Các chiến sỹ Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã cắt cử từng đoàn sang “3 cùng”- cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với bà con để hướng dẫn dân bản quy hoạch lại nương rẫy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn lương thực tại chỗ để đảm bảo cuộc sống. Kết quả của bài toán liên quan đến hai yếu tố "khó" và "khôn" đã có lời giải, để truyền kiếp đói nghèo đã hiện diện ở đây bao năm qua được đẩy lùi… Cũng nhờ có sự tuyên truyền, vận động của bộ đội Việt Nam mà bà con đã biết vệ sinh nhà cửa, làng bản sạch sẽ; biết ngủ trong màn, phòng chống dịch bệnh…
Theo lời Thượng tá Trần Danh Tuệ, không chỉ có sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, Ka Lô còn nhận sự chung tay giúp sức của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, của nhà hảo tâm với hàng chục tấn gạo, mỳ tôm, chăn, màn, quần áo… cứu trợ cho bản. Còn nhớ năm 2011 để cứu đói bà con vụ giáp hạt, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định cấp 5 tấn gạo cho bản Ka Lô. Thời điểm đó, để chuyển món quà này tới tận tay bà con, các chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã vượt qua nhiều trở ngại như: Đường sạt, mưa lũ triền miên... Dần thành quen, mỗi khi hết gạo hoặc có người ốm đau, thậm chí đến việc tang ma, cưới hỏi trong bản cũng cử người sang nhờ Đồn Biên phòng cửa khẩu trợ giúp.
“Văn minh đã về với bà con dân bản”
Trưởng bản Ke Oi đã phải thốt lên “Văn minh đã về với bà con dân bản”. Ka Lô đã có đường xe máy vào tận bản, có nước sạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Bà con còn biết giao thương, trao đổi hàng hóa giữa cư dân hai nước ở khu vực biên giới. Đặc biệt, Ka Lô có trường học do bộ đội Việt Nam xây tặng, trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Và định kỳ hàng năm vào dịp năm học mới, tết Trung thu… lãnh đạo UBND huyện A Lưới, cùng cơ quan đoàn thể của huyện đều sang Ka Lô tặng quà cho các cháu học sinh. Với sự giúp đỡ thiết thực này, tôi chắc chắn rằng thế hệ con em trong bản lớn lên, sẽ không còn sống trong cảnh mù chữ như ông, bà, cha, mẹ chúng và có quyền mơ ước theo học xa hơn.
Đường vào bản Ka Lô
Theo Thượng tá Trần Danh Tuệ, Ka Lô còn được thiên nhiên ưu đãi để trồng cây ngô. Không cần mất nhiều công sức nhưng năng suất ngô ở vùng đất này khiến cho bà con ở Việt Nam cũng phải mơ ước. Chẳng thế mà khi chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng A Đớt mới hay các anh đang cùng với Phòng Nông nghiệp huyện chạy vạy tìm nguồn ra, giải phóng hàng chục tấn ngô cho bà con.
Chưa kể, Ka Lô còn có nhiều tiềm năng phát triển cây thuốc lào. Bởi lẽ, cây thuốc lào được mang trồng ở đây hợp đất và nước, khí hậu cùng với bí quyết sử dụng mật mía rừng đã tạo nên sản phẩm thuốc lào thơm, ngọt và say. Cứ độ tháng 3, tháng 4, cả bản Ka Lô lại nô nức đi hái lá thuốc và phơi khô. Có thể chỉ vài năm nữa thôi, thuốc lào Ka Lô sẽ nổi danh trên thị trường Việt Nam, chẳng khác vùng thuốc lào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng).
Trong tương lai không xa, khi con đường thông thương hàng hóa từ trung tâm huyện Sê Kông được mở rộng, kéo dài đến cửa khẩu phục vụ cho Chiến lược phát triển Khu kinh tế cửa khẩu A Đớt- Tà Vàng hoàn thành, dự án đường điện Quốc gia được triển khai, thì đời sống bà con bản Ka Lô có quyền hy vọng vào vận hội mới. Minh chứng cho điều này, đã có nhiều hộ dân ở nơi khác kéo về Ka Lô dựng nhà, lập nghiệp. Và hiện tổng số hộ dân tăng lên 62, với gần 350 nhân khẩu và dự báo nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới.